Hỏi đáp

Những người lính "mũ nồi xanh" Việt Nam

Cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc Việt Nam và lá cờ màu xanh Liên Hợp Quốc tung bay trên bầu trời sân bay Nội Bài, trong lễ xuất quân của Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Đội công binh số 1 sẽ đến nhận nhiệm vụ tại Phái bộ Abyei – nằm giữa Sudan và Nam Sudan, với nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, xây dựng cơ sở hạ tầng phái bộ và cơ sở hạ tầng dân sinh sở tại… Đây là lần đầu tiên lực lượng công binh Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế, đánh dấu bước phát triển mới kể từ khi chúng ta chính thức tham gia lực lượng “mũ nồi xanh” vào năm 2014.

8 năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là kết quả của cả quá trình nghiên cứu, chuẩn bị hết sức lâu dài, công phu. Từ những năm đầu thập niên 1990, Việt Nam đã bắt đầu tham gia đóng góp kinh phí cho hoạt động này. Năm 1997, một số sĩ quan và cán bộ ngoại giao lần đầu tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Algeria. Đầu những năm 2000, chúng ta cử các đoàn công tác liên ngành hoặc cán bộ đi tham quan, nghiên cứu, tham gia các khóa tập huấn quốc tế về gìn giữ hòa bình để chuẩn bị triển khai lực lượng. Hai trong số các dấu mốc quan trọng của quá trình này là vào năm 2013, Bộ Chính trị đã thông qua “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”. Và cách đây hai năm, vào tháng 11/2020, Quốc hội thông qua nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc với 100% đại biểu có mặt tán thành.

Từ 2 sĩ quan đầu tiên tham gia lực lượng “mũ nồi xanh” tại phái bộ Nam Sudan (tháng 5/2014), tính đến trước lễ xuất quân lần này, Việt Nam đã cử 180 lượt quân nhân đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Hình ảnh các quân nhân Việt Nam đội mũ nồi xanh lên đường làm nhiệm vụ quốc tế đã trở nên quen thuộc, và màu cờ Việt Nam dần phủ rộng hơn trên bản đồ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Những người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam không chỉ hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn của Liên Hợp Quốc và Quân đội giao phó, có sĩ quan được tặng Bằng khen vì thành tích đặc biệt, mà còn để lại ấn tượng với những hành động nhân văn và sự gắn kết với người dân sở tại.

Đến nay hai sĩ quan của Việt Nam đã trúng tuyển vào làm việc tại cơ quan tham mưu cao nhất của Liên Hợp Quốc (trụ sở tại New York). Kết quả này thể hiện sự nỗ lực của các sĩ quan khi thực thi nhiệm vụ tại Phái bộ cũng như vượt qua kỳ thi với cả trăm ứng viên, đồng thời cho thấy kết quả của việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình trong những năm qua.

Lần này, chúng ta tin tưởng rằng Đội Công binh số 1 với 184 quân nhân và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 với 63 quân nhân sẽ tiếp nối đồng đội, khẳng định năng lực của những người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam.

Tham gia hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình, Việt Nam đã tăng thêm khả năng hợp tác với Liên Hợp Quốc và có tiếng nói trọng lượng hơn trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế. Tuy không trực tiếp tham gia giải quyết xung đột, nhưng đây là hoạt động góp phần chứng tỏ Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đặc biệt là quân đội Việt Nam có nhiều kinh nghiệm công tác dân vận, cứu trợ thảm họa cũng như tái thiết đất nước – một trong những nội dung hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình.

Ngoài ra, thông qua hoạt động gìn giữ hòa bình sẽ xây dựng và nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa Quân đội Việt Nam với quân đội các nước khác cùng hoạt động tại địa bàn, tạo dựng và củng cố lòng tin, sự hợp tác, phối hợp với nhau. Trong chừng mực nhất định, Việt Nam có thể rút được những kinh nghiệm thiết thực đối với việc xây dựng biên chế, tổ chức, trang bị cho quân đội, kinh nghiệm tác chiến bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Back to top button