Hỏi đáp

HTCTTK cấp Tỉnh – Diện tích rừng hiện có

1. Khái niệm, phương pháp tính

Diện tích rừng hiện có là diện tích đất tại thời điểm quan sát có hệ sinh thái gồm quần thể thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng, đất rừng và các yếu tố môi trường khác.

Diện tích rừng hiện có là diện tích có thành phần chính gồm các loại cây lâm nghiệp như: gỗ, tre, nứa, luồng,… hoặc hệ thực vật đặc trưng, có độ che phủ của tán rừng từ 10% trở lên, gồm diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên trên đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

a) Diện tích rừng sản xuất là diện tích rừng sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Diện tích rừng sản xuất được quy hoạch nhằm mục đích khai thác gỗ, củi, nguyên liệu giấy và các lâm sản khác phục vụ cho sản xuất và đời sống.

b) Diện tích rừng phòng hộ là diện tích rừng sử dụng vào mục đích phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ đất, bảo vệ môi trường sinh thái… được quy hoạch nhằm mục đích giữ nước, chống lũ, chống xói mòn, điều hoà khí hậu, chắn gió, cát bảo vệ các công trình thủy lợi, thủy điện, bảo vệ sản xuất và đời sống theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

c) Diện tích rừng đặc dụng là diện tích rừng được sử dụng chủ yếu vào mục đích nghiên cứu, thí nghiệm khoa học, bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Rừng đặc dụng gồm:

– Vườn quốc gia là vùng đất tự nhiên được thành lập để bảo vệ lâu dài một hay nhiều hệ sinh thái, đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Vùng đất tự nhiên gồm mẫu chuẩn của các hệ sinh thái cơ bản còn nguyên vẹn hoặc ít bị tác động của con người, các khu rừng có giá trị cao về văn hóa, du lịch;

+ Phải đủ rộng để chứa được một hay nhiều hệ sinh thái và không bị thay đổi bởi những tác động xấu của con người;

+ Tỷ lệ diện tích hệ sinh thái cần bảo tồn phải đạt từ 70% trở lên;

+ Điều kiện giao thông tương đối thuận lợi.

– Khu bảo tồn thiên nhiên (còn gọi là khu dự trữ tự nhiên và khu bảo toàn loài sinh cảnh) là vùng đất tự nhiên được thành lập nhằm mục đích bảo đảm diễn thế tự nhiên và đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Có dự trữ tài nguyên thiên nhiên và có giá trị đa dạng sinh học cao;

+ Có giá trị cao về khoa học, giáo dục, du lịch;

+ Có các loài động thực vật đặc hữu hoặc là nơi cư trú, ẩn náu, kiếm ăn của các loài động vật hoang dã quý hiếm;

+ Đủ rộng để chứa được một hay nhiều hệ sinh thái, tỷ lệ diện tích cần bảo tồn trên 70%.

– Khu rừng văn hóa – lịch sử – môi trường là khu vực gồm một hay nhiều cảnh quan có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu, có giá trị văn hóa – lịch sử nhằm phục vụ các hoạt động văn hóa, du lịch hoặc để nghiên cứu, gồm:

+ Khu vực rừng có các thắng cảnh trên đất liền, ven biển hay hải đảo;

+ Khu vực rừng có di tích lịch sử-văn hóa đã được xếp hạng.

2. Phân tổ chủ yếu: Loại rừng (phân theo mục đích sử dụng).

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

– Điều tra kiểm kê rừng;

– Chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Back to top button