Dân sinh
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: năm học 2021-2022 sẽ lần đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6 cấp trung học cơ sở.
Để chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch này, các địa phương, cơ sở giáo dục đã ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, chủ động khắc phục khó khăn nhằm triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên.
Tính đến cuối năm học 2020-2021 có hơn 579.000 lượt giáo viên trung học được bồi dưỡng các modul 1,2,3 về Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng như phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh.
Đồng thời, từ các sách giáo khoa lớp 6 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, 63 tỉnh thành phố đã tổ chức lựa chọn sách theo quy định của Thông tư số 25. Kết quả tại mỗi tỉnh/thành phố, mỗi môn học/hoạt động giáo dục được chọn từ 1 đến 5 bộ sách trong đó tỷ lệ chọn 1 bộ/môn học khoảng 50%; 2 bộ/môn học khoảng 30%.
Phát biểu tại hội nghị, một số địa phương khẳng định sẽ dành sự quan tâm đặc biệt cho việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình lớp 6 thật hiệu quả. Đồng thời cam kết sẽ sẵn sàng cho năm học mới trên cả diện rộng và diện đặc biệt việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 6.
Đáng chú ý, hiện là tâm dịch Covid-19 của cả nước nhưng để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 6, từ năm học trước, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã làm việc với Đại học Sài Gòn để bồi dưỡng các môn học tích hợp trong chương trình lớp 6. Với tinh thần chủ động của thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch trong năm học tới.
Lắng nghe ý kiến từ các địa phương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ lưu ý, đây là năm đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 6 nên các địa phương cần quán triệt sâu sắc đến các nhà trường về sự khác biệt của chương trình mới với chương trình năm 2006. Do chương trình xây dựng theo hướng mở nên các trường học phải xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Các sở, phòng Giáo dục và Đào tạo phải lưu ý kiểm tra kế hoạch từng môn học, từng tổ chuyên môn.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Thứ trưởng khẳng định, cần coi thời gian học trực tiếp là thời gian vàng để tận dụng hướng dẫn học sinh về phương pháp tự học và chuyển dần sang tư duy tự học và tự học có hướng dẫn.
Nêu quan điểm về giáo dục trung học trong năm học mới, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đặc biệt nhấn mạnh tới tinh thần học thật, thi thật. Đồng thời nêu một số nhiệm vụ trong năm học mới như phát triển đội ngũ nhà giáo; quy mô trường lớp, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở và chất lượng giáo dục trung học. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, quản trị trường học. Thực hiện kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học…