Tranh

Một số lưu ý khi sử dụng kỹ thuật phòng tranh trong giảng dạy tư tưởng HCM về dân chủ – Giảng viên: Lưu Thị Hường – Khoa LLCT  TLGD

  1. Đặt vấn đề:

Kĩ thuật phòng tranh được coi là một trong những kĩ thuật dạy học tích cực có hiệu quả cao trong tổ chức các hoạt động học cho học sinh, sinh viên. Nó giúp phát huy tính tích cực, chủ động tham gia và hợp tác của người học. Kĩ thuật này cũng có tính linh hoạt cao. Giáo viên có thể sử dụng kĩ thuật này cho hoạt động cá nhân, hoạt động cặp hoặc hoạt động nhóm. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy thực tế ở các trường cao đẳng, đại học hiện nay nói chung, việc giảng dạy học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, kĩ thuật phòng tranh chưa thực sự được giảng viên sử dụng nhiều và hiệu quả sử dụng cũng chưa cao, trong khi môn học này có nhiều đơn vị kiến thức có thể lựa chọn sử dụng kỹ thuật này được và có khả năng mang lại hiệu quả cao, gây hứng thú cho người học. Trong bài viết này, tác giả chọn giới hạn một nội dung mà bản thân nghiên cứu và cho rằng có khả năng vận dụng tốt và đưa ra những ví dụ cụ thể, đó là Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ.

  1. Giải quyết vấn đề:
    1. Khái niệm kĩ thuật phòng tranh

Kĩ thuật phòng tranh là kĩ thuật giáo viên tổ chức cho người học giải quyết vấn đề học tập bằng cách cách trưng bày ý tưởng của cá nhân hoặc một nhóm xung quanh lớp học như một cuộc triển lãm tranh. Khái niệm “tranh” ở đây có thể được hiểu là sản phẩm học tập trực quan của người học. Tranh có thể được thực hiện bằng hình thức tranh vẽ, tranh in thể hiện sự hình dung, tưởng tượng của người học về một nội dung học tập hoặc sơ đồ, bảng biểu để tóm tắt kết quả học tập,… thậm chí có thể là các câu, cụm từ ngắn, đoạn viết ngắn, dàn ý. Người học được di chuyển, quan sát các sản phẩm của bạn (nhóm) khác, đặt câu hỏi và nêu nhận xét hoặc ý kiến góp ý. Sau đó, giáo viên tổ chức đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của cá nhân hoặc nhóm thông qua nội dung, hình thức bức tranh.

    1. Những ưu điểm và hạn chế của sử dụng kĩ thuật phòng tranh

Thứ nhất: Dạy học bằng kĩ thuật này sẽ giúp khả năng ghi nhớ kiến thức tốt nhất. Bởi ở kĩ thuật này, người học sẽ vừa được quan sát vừa được trao đổi thảo luận trực tiếp, vừa có thể được giảng giải cho người khác khi mô tả, trình bày về bức tranh của mình. Mà theo nghiên cứu cách học tớt nhất chính là việc trình bày, giảng giải lại kiến thức cho người khác nghe.

Thứ hai: Người học có cơ hội giao tiếp, thể hiện năng lực bản thân, sở trường, quan điểm cá nhân, định hướng…thông qua việc chuẩn bị và hoàn thiện bức tranh của mình. Vì vậy, đây là kĩ thuật dạy học tạo ra không khí học tập thoải mái, sinh động nhưng vẫn hiệu quả.

Thứ ba: sử dụng kĩ thuật phòng tranh sẽ hình thành và rèn luyện một số kỹ năng mềm cho người học như: kĩ năng thuyết trình, kĩ năng hợp tác, kĩ năng ra quyết định, kĩ năng phân tích, đánh giá… Từ đó bồi đắp cho các em sự tự tin, bản lĩnh để thể hiện mình.

Bên cạnh những ưu điểm, việc vận dụng kỹ thuật này cũng có những hạn chế như: Lớp sẽ bị ồn ào, mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự đầu tư chuẩn bị kỹ lương như chuẩn bị đồ dùng dụng cụ vẽ tranh, treo trang trí tranh, sắp xếp bàn ghế trong phòng học…

    1. Một số lưu ý khi vận dụng kĩ thuật phòng tranh trong giảng dạy Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ

Trong quá trình giảng dạy thực tế, việc sử dụng kĩ thuật phòng tranh chưa thực sự được giáo viên sử dụng nhiều và hiệu quả sử dụng cũng chưa cao. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân như: số lượng sản phẩm tranh quá ít không đủ để tiến hành tổ chức “triển lãm tranh”; khi xem tranh nếu không hướng dẫn hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng số lượng người xem ở các tranh chênh lệch thậm chí có chỗ đông quá, chen chúc nhau; hoặc do không gian lớp chật, cách bố trí bàn ghế chưa hợp lý nên không có không gian thuận lợi nhất để treo tranh cũng như cho người xem tiện quan sát và bình phẩm. Để khắc phục những điều đó, theo tôi cần:

Thứ nhất: Lựa chọn nội dung phù hợp

Giáo viên cần lựa chọn những nội dung phù hợp với việc sử dụng kỹ thuật phòng tranh. Việc sử dụng phòng tranh sẽ phù hợp với những nội dung đơn giản, quen thuộc, gây hứng thú hay những chủ đề tạo cho sinh viên nhiều ý tưởng để sáng tạo. Đối với những chủ đề khó, phức tạp và cần nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, giáo viên không nên sử dụng kĩ thuật phòng tranh vì sẽ gây khó khăn cho học sinh trong quá trình nhận xét,đánh giá các sản phẩm của các nhóm trong khoảng thời gian ngắn, hoặc nếu có sử dụng thì cần giao yêu cầu cho người học chuẩn bị từ trước khi bắt đầu tiết học.

Đối với bài Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, giáo viên có thể lựa chọn vấn đề như: Dân chủ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; hoặc Thực hành dân chủ. Đây là hai vấn đề có nhiều đơn vị kiên thức nhỏ bên trong; có nhiều tài liệu tham khảo lại rất gần gũi với thực tiễn cuộc sống và người học có thể sưu tầm, tìm kiếm nhiều điều minh họa cho những đơn vị kiến thức này từ cuộc sống của chính mình.

Thứ hai: Thực hiện đủ, đúng các bước tiến hành ki thuật phòng tranh

Bước 1: Giáo viên nêu câu hỏi, vấn đề cho cả lớp hoặc cho các nhóm.

Bước 2: Mỗi thành viên (hoạt động cá nhân) hoặc các nhóm (hoạt động nhóm) phác hoạ những ý tưởng về cách giải quyết vấn đề trên một tờ bìa và dán lên tường xung quanh lớp học như một triển lãm tranh.

Bước 3: Học sinh cả lớp đi xem “triển lãm” và có thể có ý kiến bình luận hoặc bổ sung.

Bước 4: Giáo viên nhận xét và kết luận cuối cùng.

Vận dụng vào bài Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, ví dụ khi giảng dạy quan điểm Thực hành dân chủ là động lực phát triển cách mạng, sau khi làm rõ thực hành dân chủ chính là sử dụng tất cả quyền hành và lực lượng to lớn của nhân dân để hoàn thành các nhiệm vụ vì lợi ích của nhân dân; công việc đổi mới, kháng chiến, kiến quốc, tổ chức xã hội…đều là công việc của nhân dân, giáo viên sử dụng kĩ thuật phòng tranh yêu cầu sinh viên Chứng minh sức mạnh của thực hành dân chủ qua tiến trình cách mạng Việt Nam.

Ở đây, giáo viên có thể chia vấn đề cần tìm hiểu thành 4 nhóm nội dung nhỏ, tìm hiểu theo 4 giai đoạn: giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1946; giai đoạn từnăm 1946 đến năm 1954; giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975; giai đoạn từnăm 1975 đến nay.

Đây là nội dung cần nhiều dẫn chứng minh họa vì vậy khi thực hiện kĩ thuật phòng tranh cần chú ý: Ở bước 1 giáo viên nên chia nhóm để các sinh viên tập trung hoàn thiện các bức tranh, tránh giao cho cá nhân sẽ khiến nhiệm vụ trở nên nặng nề khó thực hiện. Đồng thời với bước 2 giáo viên có thể giao bài trước để sinh viên có thời gian sưu tầm và lên ý tưởng thể hiện sao cho ức tranh của mình trở nên độc đáo, sáng tạo nhất.

Thứ ba: Chú ý trong việc chia nhóm

Giáo viên nên chia nhóm nhỏ gồm 5 – 6 sinh viên. Như vậy, sau khi kết thúc hoạt động viết, có 6 – 8 tranh. Vận dụng vào nội dung trên, giáo viên có thể cho 2 nhóm chuẩn bị 1 giai đoạn. Điều này giúp nguời học có nhiều sự lựa chọn hơn. Số lượng học sinh tập trung xem một tranh trong cùng một lúc không quá đông, phù hợp với không gian lớp học.

Thứ tư: Tạo không gian rộng và như cuộc triển lãm thực sự

Giáo viên cần chú ý điều chỉnh cách kê bàn ghế để tạo không gian rộng nhất có thể cho người học tham gia triển lãm. Một trong những cách thức phổ biến và hiệu quả là: yêu cầu người học đẩy dồn bàn, ghế vào giữa lớp học để có không gian xung quanh lớp rộng, thuận lợi di chuyển trong khi đi xem triển lãm.

Thứ năm: Nêu yêu cầu ngay từ đầu và thường xuyên điều tiết cuộc triển lãm

Để người xem phân chia thời lượng quan sát đồng đều tại các trạm tranh và tránh việc chen chúc, tập trung đông tại một điểm trạm, giáo viên cần chú ý việc quản lý và điều tiết “cuộc triển lãm”. Một điều đặc biệt quan trọng là giáo viên cần nói rõ yêu cầu cho người học trước khi tiến hành xem tranh. Cụ thể, giáo viên cần quán triệt rõ với học sinh về số lượng tranh tối thiểu mà mỗi người cần phải xem và vấn đề cần nhận xét. Điều này sẽ giúp người học lên kế hoạch và phân phối thời gian hợp lí, tránh đứng xem quá lâu một tranh nào đó, gây “ùn tắc giao thông”. Giáo viên cũng cần bao quát để điều động người học chuyển vị trí xem tranh khi nhận thấy có quá đông học sinh đứng xem cùng một tranh. Việc điều chuyển này sẽ giúp học sinh trải dàn đều ra các tranh và đảm bảo tất cả các tranh đều được xem và nhận xét.

Thứ sáu: Làm tốt khâu nhận xét, đánh giá sản phẩm

Trong quá trình giảng dạy, để có thời gian chữa hết các sản phẩm của các nhóm, giáo viên nên tách thành hai phần nhận xét về nội dung và hình thức các bức tranh. Về hình thức, giáo viên nên nhận xét chung cho các nhóm và chỉ nhấn mạnh vào một số điểm nổi bật có thể là tích cực hoặc còn hạ chế. Còn về nội dung, có thể kết hợp nhận xét và chữa bài cho các nhóm có cùng nội dung luôn. Đồng thời, khi xem tranh và nhận xét tại chỗ, người học sẽ có cơ hội học và chỉnh sửa các điểm hạn chế về mặt nội dung ngay tại chỗ, đồng thời cũng được khích lệ, động viên kịp thời. Đây là một cách học hiệu quả đối với sinh viên. Sau đó, giáo viên tổng kết lại các đơn vị kiến thức cần ghi nhớ.

Ở nội dung Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, khi tổng kết giáo viên cần khẳng định rõ dân chủ là giải pháp hữu hiệu để tạo nên sự nhất trí căn bản về lợi ích của các thành phần kinh tế, các giai tầng và cộng đồng dân tộc. Sự nhất trí đó tạo thành sức mạnh tổng hợp của dân tộc, tạo nên nội lực mạnh mẽ đưa đất nước vượt qua tất cả khó khăn, thử thách. Đảng ta tiếp tục vận dụng quan điểm của Người, phát huy sức mạnh vật chất và tinh thần của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ đổi mới.

  1. Kết luận:

Có thể nói, kĩ thuật phòng tranh là một trong những kĩ thuật dạy học tích cực giúp phát huy tính tích cực và chủ động trong học tập của người học. Đây là kĩ thuật khiến người học rất hứng thú. Tuy có nhiều khó khăn trong việc áp dụng kĩ thuật này trong giảng dạy, nhưng nếu giáo viên thực hiện nắm chắc ccs bước thực hiện và làm tốt từng khâu thì hiệu quả giờ dạy nói chung và việc vận dụng kĩ thuật dạy học này nói riêng sẽ được nâng cao góp phần đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Tài liệu tham khảo

(1). Nguyễn văn Cường, Hoàng Thị Diệu Thảo (2004), Một số vấn đề chung về đổi mới phương pháp dạy học ở trường THPT, Dự án phát triển giáo dục THPT.

(2). Ngô Thị Dung, “Mô hình tổ chức học theo nhóm trong giờ lên lớp”, Tạp chí giáo dục, số 3/2001

(3). Thái Duy Tuyên (1992), Một số vấn đề hiện đại lý luận dạy học. Viện khoa học Giáo dục.

(4). http://c3namphucu.hungyen.edu.vn/thong-bao/thong-bao-cua-truong/su-dung-ki-thuat-phong-tranh-trong-day-hoc.html

Back to top button