Giáo dục

Kết bài Nói với con của Y Phương chọn lọc hay nhất

1. Kết bài phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương:

Mẫu kết bài phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương – Mẫu số 1:

Bài thơ “Nói với con” của Y Phương là những lời tâm sự, gửi gắm đầy tình cảm của cha đối với người con nhỏ của mình. Trong lời tâm sự ấy, người cha không chỉ nói với con về cội nguồn của mình mà còn gợi nhắc đến truyền thống tốt đẹp của “người đồng mình. Lời tâm sự cũng là tình yêu, niềm hi vọng của người cha trao gửi cho con, người cha muốn con biết rằng mình được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương, sự che chở của gia đình, quê hương, từ đó mong con sống tình nghĩa, gắn bó với làng bản, quê hương, mong con có thể kế thừa truyền thống, phát huy được những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình.

Mẫu kết bài phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương – Mẫu số 2:

Bằng ngôn ngữ giản dị, mộc mạc kết hợp với lối thơ tự do, “Nói với con” của Y Phương vừa tha thiết, tình cảm như bản tình ca về tình phụ tử, vừa bay bổng, phóng khoáng như chính con người dân tộc nơi đây. Qua lời người cha nói với con, người đọc không chỉ thấy được tình yêu, tấm lòng, niềm hi vọng của người cha với con mà còn thấy được sự gắn bó, tinh thần tự hào của tác giả về những truyền thống tốt đẹp và lối sống tình nghĩa, kiên cường của người đồng mình. Có thể nói, tình cảm gia đình trong bài thơ Nói với con trở nên ý nghĩa và đặc biệt hơn hết bởi nó được đặt trong tình yêu rộng lớn hơn, đó là tình yêu quê hương, đất nước, xứ sở.

Mẫu kết bài phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương – Mẫu số 3:

Trong bài thơ Nói với con, tình thương yêu của người cha được đặt trong tình yêu quê hương, niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Người cha mong muốn con lớn lên sẽ khỏe mạnh, kiên cường, sống tình nghĩa, thủy chung như người đồng minh đã từng. Qua bài thơ, nhà thơ Y Phương đã khéo léo gợi nhắc mỗi người nhớ về cội nguồn, quê hương của mình, mỗi người không chỉ được nuôi dưỡng bởi tình yêu của bố mẹ, gia đình mà còn được trưởng thành, nuôi lớn bởi quê hương. Bởi vậy, mỗi chúng ta – thế hệ trẻ cần có ý thức gắn bó, yêu thương và có trách nhiệm kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương.

Mẫu kết bài phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương – Mẫu số 4:

Bài thơ Nói với con của Y Phương mang đến cho người đọc những cảm nhận ấm áp, tha thiết nhất về tình cảm gia đình, về tình thương sâu sắc của người cha dành cho con mà hơn nữa còn thể hiện niềm tự hào của nhà thơ Y Phương đối với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình: Kiên cường, tình nghĩa, gắn bó, thủy chung. Qua bài thơ, chúng ta cũng hiểu hơn về vẻ đẹp tâm hồn và sức sống mạnh mẽ của người dân tộc miền núi, gợi nhắc về sức mạnh của tình yêu và ý thức trách nhiệm của mỗi người với quê hương, đất nước mình.

2. Kết bài cảm nhận khổ thơ đầu bài Nói với con:

Kết bài cảm nhận khổ thơ đầu bài Nói với con – Mẫu số 1:

Đoạn thơ đầu bài thơ “Nói với con” thể hiện sâu sắc tình cảm gia đình ấm cúng, thiêng liêng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của những con người miền núi, gợi nhắc về truyền thống và tình yêu với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống với giọng thơ trìu mến tha thiết, thể hiện qua lời tâm sự của cha với con, của thế hệ đi trước với thế hệ mai sau.

Kết bài cảm nhận khổ thơ đầu bài Nói với con – Mẫu số 2:

Khép lại khổ thơ đầu, trái tim của độc giả vẫn xúc động về tình yêu dung dị mà người cha dành cho đứa con nhỏ. Trong ca dao có câu: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, cho chúng ta thấy tình yêu của cha bao giờ cũng mạnh mẽ, sừng sững như những kỳ quan hùng vĩ, những lời răn dạy của cha tuy không văn hoa mượt mà nhưng nó lại chân thành từ tận đáy lòng. Khổ thơ tuy ngắn nhưng lại chứa đựng cả tâm tư, tình yêu vô bờ bến của cha, đây cũng lời khẳng định, con là một phần máu thịt của người vùng mình, vì vậy con hãy biết yêu quê hương, yêu dân tộc, yêu những con người lao động ở nơi mình ở, họ là những người tuyệt vời nhất, còn hơn cả máu mủ ruột rà. Những lời thơ mộc mạc mà chân thành chạm đến trái tim độc giả, nhà thơ Y Phương thực sự đã thành công trong việc ca ngợi tình cha con, tình yêu quê hương, đất nước.

3. Kết bài cảm nhận khổ 2 bài Nói với con của Y Phương:

Kết bài cảm nhận khổ 2 bài Nói với con của Y Phương – Mẫu số 1:

Với thể thơ tự do, mạch cảm xúc tự nhiên, cách nói giàu hình ảnh. vừa mộc mạc lại đượm chất thơ, cụ thể mà giàu sức khái quát, bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ, những phẩm chất cao quý của “người đồng mình”, của quê hương nguồn cội. Khổ thơ thứ hai của bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Kết bài cảm nhận khổ 2 bài Nói với con của Y Phương – Mẫu số 2:

Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người, qua vẻ đẹp đời sống và phẩm chất của “người đồng mình” cùng tình cảm thiết tha của nhà thơ Y Phương, đoạn thơ thứ hai trong bài thơ “Nói với con” đã giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một người miền núi. Đồng thời, gợi nhắc chúng ta về tình cảm gắn bó với truyền thống, quê hương mà bấy lâu nay ta đã chôn vùi.

Kết bài cảm nhận khổ 2 bài Nói với con của Y Phương – Mẫu số 3:

Đoạn thơ thứ hai trong bài thơ “Nói với con” mang giọng điệu thủ thỉ, tâm tình tha thiết, trìu mến của tác giả hay có sự biến đổi phù hợp với nội dung từng đoạn, dù thể hiện tình yêu thương sâu sắc của cha mẹ dành cho con cái hay những rung cảm tinh tế của nhà thơ trước vẻ đẹp của mùa xuân và khát vọng được cống hiến cho đất nước, cuộc đời.

4. Kết bài cảm nhận về tình cha con trong bài Nói với con:

Kết bài cảm nhận về tình cha con trong bài Nói với con – Mẫu số 1:

Tổng kết lại, tác phẩm “Nói với con” đã thành công trong việc sử dụng bố cục chặt chẽ và hình ảnh cụ thể, đồng thời vẫn giữ được sự tinh tế và giàu chất thơ. Tác phẩm đã truyền tải một thông điệp tình cảm gia đình ấm áp và ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc. Quan trọng nhất, người cha đã truyền đạt cho con một giá trị vô cùng quý giá, đó là lòng tự hào về quê hương và niềm tin vào bản thân khi bước vào đời. Bởi khi hiểu rõ giá trị đó, con sẽ có được một tâm hồn tự tin và vững chắc.

Kết bài cảm nhận về tình cha con trong bài Nói với con – Mẫu số 2:

Bài thơ “Nói với con” đến nay vẫn được xem là một trong những tác phẩm thành công nhất của nhà thơ Y Phương. Bởi chính những tình cảm chân thật nhất cũng như bút pháp tinh tế, khéo léo mà nhà thơ đã sử dụng để truyền tải tâm tư tình cảm của mình vào trong đó. Bài thơ không chỉ giúp độc giả cảm nhận tình yêu trời biển của cha mẹ dành cho con, sự dạy bảo và niềm hy vọng to lớn mà cha muốn “nói” với con, mà còn giúp chúng ta cảm nhận được nhịp sống rộn ràng, sự cần cù, hăng say trong lao động của người dân nơi vùng núi Cao Bằng xa xôi.

5. Kết bài cảm nhận vẻ đẹp người đồng mình trong bài Nói với con:

Kết bài cảm nhận vẻ đẹp người đồng mình trong bài Nói với con – Mẫu số 1:

Tóm lại, với cách tư duy diễn đạt giàu hình ảnh kết hợp với hình thức tâm tình, trò chuyện nhẹ nhàng nhà thơ Y Phương đã làm nổi bật lên những vẻ đẹp về ngoại hình và phẩm chất của những người con miền núi. Đó là những con người khéo léo, tài hoa và luôn có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, luôn ý thức được vai trò của mình trong việc dựng xây, phát triển quê hương, đất nước. Khép lại trang thơ, người đọc không chỉ thấy được chất Tày thấm đượm trong từng câu chữ, hình ảnh mà còn thấy được cả sức sống và vẻ đẹp diệu kì của người dân miền núi, qua đó, thể hiện tình yêu quê hương sâu sắc của nhà thơ Y Phương đối với dân tộc mình.

Kết bài cảm nhận vẻ đẹp người đồng mình trong bài Nói với con – Mẫu số 2:

Với thể thơ tự do, kết hợp cùng giọng điệu khỏe khoắn, thiết tha, ngôn ngữ mộc mạc, đời thường và trường liên tưởng giàu hình ảnh, nhà thơ đã khái quát chính xác những vẻ đẹp của người đồng mình. Vẻ đẹp đó chính là cội nguồn nuôi dưỡng đứa con khôn lớn, trưởng thành, bồi đắp cho con ý chí, nghị lực trên bước đường tương lai.

Back to top button