Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Tốt gỗ hơn tốt nước sơn’ là gì?
Vẻ đẹp của mỗi người không chỉ nằm ở bộ trang phục bên ngoài, mà nó còn nằm ở cách chúng ta suy nghĩ và hành động. Trở thành một người tốt luôn khó hơn là người xấu. Bởi vậy, quan trọng nhất vẫn là thực hành cách sống phù hợp, đúng như câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
1. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là gì?
Gỗ và sơn được nhắc đến ở câu tục ngữ là đại diện cho hai khía cạnh về nội dung và hình thức. Để làm nên bàn ghế thì gỗ là chất liệu chính, gỗ tốt tạo nên sản phẩm tốt, lâu bền cho người sử dụng.
Nước sơn là lớp bề mặt bên ngoài người ta phủ lên gỗ để thể hiện tính thẩm mỹ cho sản phẩm.
Đương nhiên, một ruột gỗ tốt sẽ đáng giá hơn là một ruột gỗ xấu mà được tô điểm chỉ để làm bắt mắt người mua. Câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” chính là nhấn mạnh đến chất lượng bên trong hơn là chú trọng hình thức bên ngoài.
Chúng ta thường thấy nội dung và hình thức hay đi kèm với nhau. Chính chất lượng tạo nên giá trị của sản phẩm, và hình thức sẽ là điểm thu hút riêng cho mỗi sản phẩm. Đây là hai khía cạnh không tách rời nhau, nhưng nếu chúng được tách ra để so sánh thì chất lượng vẫn là quan trọng hơn.
Không chỉ nói về gỗ và nước sơn, mở rộng ra thì câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đang nhắc nhở chúng ta về việc xem xét lại chính mình cũng như trong việc đánh giá người khác. Hình thức bên ngoài thì dễ nhìn thấy, dễ trau chuốt, nhưng phẩm chất bên trong mỗi người mới là điều cần chú trọng để hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Khi nhắc đến vẻ đẹp tâm hồn con người, chúng ta cũng hay nghe câu “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Thật vậy, chúng ta nên chăm sóc cho tâm hồn mình, chú trọng việc suy nghĩ, hành động sao cho phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội. Bởi vì “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, cho nên hãy luôn nhắc nhở mình về lối sống tốt đẹp từ bên trong.
Xem thêm: ‘Học’ và ‘hành’ câu tục ngữ ‘Thương người như thể thương thân’ để cuộc sống thêm ý nghĩa
2. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nói về đức tính gì?
Người xưa đã để lại cho thế hệ sau những bài học quý giá qua các câu thành ngữ, tục ngữ. Chúng ta sẽ trưởng thành hơn nhờ vào việc hoàn thiện các đức tính cần có của một con người. Vậy “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là thể hiện đức tính gì?
Mỗi khi bước ra ngoài xã hội, chúng ta sẽ gặp rất nhiều kiểu người khác nhau. Tùy hoàn cảnh mà con người sẽ biểu lộ những phẩm chất của mình. Một trong những vốn quý của con người chính là đức tính giản dị mà câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” muốn nhắc đến.
Giản dị là lối sống chan hòa, chân thành với mọi người. Một người giản dị cũng đồng nghĩa với việc họ không dùng hình thức cầu kì, bắt mắt để che đậy những khuyết điểm của mình. Khi con người không chạy theo những nhu cầu về vật chất, họ sẽ quay vào bên trong để tu dưỡng phẩm chất đạo đức cho mình.
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” khuyên chúng ta luôn nhớ hoàn thiện trí tuệ, nhân phẩm, cốt cách của bản thân hơn là sống xa hoa, phô trương về hình thức. Giản dị là sự kết hợp giữa vẻ đẹp bên trong và bên ngoài của một con người. Người sống giản dị sẽ luôn tạo được không gian chân thật, gần gũi với người khác.
Hình thành đức tính giản dị cũng là cách giúp con người tự hoàn thiện bản thân tốt hơn. Từ đó, chúng ta biết sống phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh của mình.
Xem thêm: ‘Cha mẹ sinh con trời sinh tính’ đúng hay sai?
3. Ý nghĩa “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đối với cuộc sống hiện nay
Quan điểm của người xưa về việc đánh giá một con người chính là luôn lấy cái đẹp của tâm hồn làm gốc. Vì vậy, hãy cùng làm rõ ý nghĩa của câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đối với cuộc sống của chúng ta hiện nay để tránh gặp phải trường hợp nhìn mặt mà bắt hình dong.
Trong những mối quan hệ giữa con người với nhau, thời gian sẽ giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn về bản chất của đối tượng. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhấn mạnh giá trị của nguyên liệu gỗ hơn là vẻ đẹp của nước sơn bên ngoài. Để có kết luận đúng đắn về người khác, chúng ta vẫn phải lấy phẩm chất đạo đức làm chuẩn mực.
Cũng bởi vì vẻ đẹp tâm hồn là điều khó có thể đánh giá, cho nên câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” khuyên chúng ta “đừng trông mặt mà bắt hình dong”. Hãy căn cứ vào mối quan hệ của con người với gia đình, xã hội cũng như tính chất công việc để biết đâu là người tốt, kẻ xấu. Người tốt là người có lương tâm, trách nhiệm và chân thật trong cách biểu hiện qua hành động của họ.
Ngày nay, con người không chỉ chú trọng ăn no, mặc ấm mà còn quan tâm hơn về việc ăn ngon, mặc đẹp. Trên cơ sở đó, hình thức bên ngoài sẽ làm tăng thêm vẻ đẹp cho con người, tuy nhiên cũng có những trường hợp chỉ thích phô trương vẻ ngoài mà thiếu giá trị bên trong. Bởi vậy, khi muốn đưa ra kết luận về ai đó, chúng ta hãy bình tĩnh, sáng suốt để nhìn nhận và tìm hiểu họ.
Từ ý nghĩa của câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, mỗi chúng ta sẽ tự rút ra được bài học cho bản thân chính là lấy giá trị đạo đức của con người làm gốc. Tự thân ta khi hoàn thiện được nhân cách thì sẽ tạo ra một không gian sống hài hòa với những người khác. Hãy sống đẹp ngay từ cách suy nghĩ, hành động của mình bạn nhé!
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là câu tục ngữ vô cùng giá trị trong việc khuyên bảo con người coi trọng nội dung của sự vật, con người. Và cũng nhắc nhở chúng ta dù ở thời đại nào cũng đừng mải mê chạy theo sự hào nhoáng bên ngoài mà quên những nền tảng cốt lõi của chính mình.
Hãy luôn cân nhắc mỗi khi đánh giá bản thân cũng như những người khác.
Sưu tầm Nguồn ảnh: Internet