Đề xuất nghỉ học thứ Bảy: Không khả thi vì tăng áp lực cho học sinh
Tại hội nghị giao ban khối trung học của Sở GD&ĐT vừa diễn ra, nhiều hiệu trưởng nêu đề xuất cho học sinh nghỉ học thứ Bảy; đồng thời cho hay, đây cũng là nguyện vọng của một bộ phận phụ huynh và học sinh.
Thực tế cho thấy, học sinh tiểu học được nghỉ ngày thứ Bảy nhưng lên cấp THCS và THPT, các em phải học ngày thứ Bảy để đảm bảo khung chương trình. Nhiều phụ huynh được nghỉ ngày thứ Bảy cũng muốn con được nghỉ ngơi hoặc có thời gian học năng khiếu, chơi thể thao, đi chơi cùng gia đình vào cuối tuần… nên mong muốn con chỉ học từ thứ Hai đến thứ Sáu, chấp nhận việc tăng khối lượng tiết học các ngày trong tuần.
Ông Hoàng Chí Sỹ, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng, Ứng Hòa chia sẻ: Với cấp THPT năm học 2023 – 2024 thì lớp 12 đang học chương trình cũ, lớp 10 và 11 học chương trình mới. Học sinh lớp 12 phải học 13 môn học và sinh hoạt tập thể, thời lượng 30 tiết/tuần; học từ thứ Hai đến thứ Bảy, mỗi buổi 5 tiết.
Nhưng lớp 10, 11 các em học 28 tiết/tuần cùng tiết hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp. Như vậy, 1 tuần các em học từ thứ Hai đến thứ Bảy, trong đó có 2 buổi 4 tiết, còn lại là 5 tiết.
Theo quy định, học sinh học không quá 5 tiết/buổi, không quá 8 tiết/ngày; mỗi tiết 45 phút. Giả sử học sinh nghỉ ngày thứ Bảy thì hoặc là nhà trường ngày nào cũng sắp xếp 5 tiết/buổi; ngoài ra các em còn phải học thêm 1 buổi chiều hoặc là mỗi buổi phải học 6 tiết thì mới hoàn thành thời lượng chương trình.
“Mỗi buổi 6 tiết, nghĩa là hơn 12 giờ mới tan học. Với người lớn còn khó tải thời lượng đó, huống hồ là học sinh. Hoặc 1 tuần học thêm 1 buổi chiều cũng không phải là phương án tạo thuận lợi; ngược lại, việc dồn ép nhiều tiết học làm cả thầy lẫn trò đều áp lực và vất vả hơn. Học thứ Bảy đã thành nếp, vừa đảm bảo sức khỏe cho học sinh, vừa đảm bảo thực hiện khung chương trình. Do vậy, học thứ Bảy là hợp lý”, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng cho biết.
Cho rằng việc học thứ Bảy là phương án tối ưu đối với học sinh cấp THPT, ông Đặng Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Mai bày tỏ: “Việc duy trì học thứ Bảy sẽ giúp học sinh đỡ vất vả vì dồn lại lịch học sẽ cực căng thẳng. Chương trình khung cấp THPT quy định 30 tiết/tuần. Muốn học kiểu gì cũng phải đảm bảo chương trình đó nên để lịch học như hiện nay là hợp lý”.
“Rất khó sắp xếp thời khóa biểu nếu cho học sinh nghỉ thứ Bảy vì thời lượng tiết cấp THCS khá nặng. Nếu nghỉ thứ Bảy thì học sinh một là học tăng tiết, hai là học thêm ít nhất 1 buổi chiều. Như vậy là tưởng giảm tải lại thành tăng tải” – nhà giáo Vũ Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thị, huyện Gia Lâm nói.
Trả lời báo chí, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh: Quan điểm chỉ đạo của Sở GD&ĐT là đề nghị các trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp. Trường dạy 2 buổi/ngày thì phải có kế hoạch phù hợp, thực hiện đúng quy định của chương trình. Mỗi trường chịu trách nhiệm sắp xếp kế hoạch giáo dục, làm sao đảm bảo sức khỏe, tâm lý của học sinh.
Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xuyên suốt là ở bậc trung học không quá 8 tiết/ngày. Việc sắp xếp số tiết phải theo căn cứ khoa học, tâm lý, sức khỏe học sinh.
Nhiều học sinh cho hay, muốn được đến trường ngày thứ Bảy vì “có ở nhà cũng chỉ ngủ”, hơn nữa, đi học ngày thứ Bảy khiến các em vui vẻ, thư giãn, việc đi học đã quen nên không thấy ngại.
“Em thấy học từ thứ Hai đến thứ Bảy hợp lí hơn là nghỉ thứ Bảy. Nếu dồn lịch học để nghỉ ngày thứ Bảy sẽ tạo sức em lớn cho chúng em”, Nguyễn Hà An, quận Hai Bà Trưng nói.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc tổ chức dạy học, thiết kế thời khóa biểu cho học sinh phải mang tính vừa sức. Nguyên tắc xếp thời khóa biểu không quá 8 tiết/ngày đã được Bộ GD&ĐT nghiên cứu. Vì vậy, các trường cần chấp hành, không nên tăng tải cho học sinh. Học thứ Bảy là phương án đáp ứng mọi tiêu chí; do vậy, nếu chương trình không giảm tải thì học sinh vẫn cần tiếp tục duy trì học ngày thứ Bảy.