Hỏi đáp

Kiểu nhà nước và hình thức nhà nước

1. Kiểu nhà nước

Kiều Nhà nước là tổng thể những dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản, đặc thù của nhà nước, thể hiện bản chất giai cấp, vai trò xã hội và những điều kiện phát sinh, tồn tại và phát triển của nhà nước trong một hình thái kinh tế – xã hội (KTXH) nhất định.

Dựa vào học thuyết Mác Lênin về hình thái kinh tế xã hội, trong xã hội có giai cấp đã tồn tại 4 hình thái KTXH và tương ứng với nó là 4 kiểu Nhà nước:

– Hình thái KTXH chiếm hữu nô lệ, có kiểu nhà nước chủ nô

– Hình thái KTXH phong kiến, có kiểu nhà nước phong kiến

– Hình thái KTXH tư bản chủ nghĩa, có kiểu nhà nước tư sản

– Hình thái KTXH xã hội chủ nghĩa, có kiểu nhà nước XHCN

2. Hình thức nhà nước

2.1. Khái niệm hình thức nhà nước

Hình thức Nhà nước là cách thức tổ chức quyền lực Nhà nước và những phương pháp để thực hiện quyền lực của Nhà nước trong việc quản lý xã hội..

Hình thức nhà nước là một khái niệm chung được hình thành từ ba yếu tố cụ thể như: hình thức chính thể, hình thức cấu trúc nhà nước và chế độ chính trị.

Hình minh họa. Kiểu nhà nước và hình thức nhà nước

2.2. Các yếu tố trong khái niệm hình thức nhà nước

2.2.1. Hình thức chính thể

Là cách thức tổ chức và trình tự lập ra các cơ quan tối cao của nhà nước và xác lập những mối quan hệ của các cơ quan đó. Trong lịch sử phát triển của xã hội, đã xuất hiện hai hình thức chính thế cơ bản là chính thể quân chủ và chính thể cộng hoà.

2.2.1.1. Chính thể quân chủ

Chính thể quân chủ là hình thức chính thể mà trong đó quyền lực tối cao của Nhà nước tập trung trong tay một người theo nguyên tắc thừa kế kiểu cha truyền con nối. Các hình thức chính thể quân chủ là:

– Chính thể quân chủ tuyệt đối là hình thức chính thể mà trong đó toàn bộ quyền lực trong tay nhà vua, không có hiến pháp. Các Nhà nước phong kiến đều có hình thức chính thế này.

– Chính thể quân chủ hạn chế là hình thức chính thể mà trong đó vẫn tồn tại ngôi vua, nhưng đồng thời có hiến pháp do nghị viện lập ra nhằm hạn chế quyền lực nhà vua. Tuỳ theo mức độ hạn chế quyền lực của nhà vua và sự phân quyền cho nghị viện mà có thể chia chính thể này ra làm hai loại: chính thể quan chủ nhị quyền và chính thế quân chủ đại nghị.

+ Chính thể quân chủ nhị nguyên: Trong đó có sự phân chia quyền lực, Nghị viện nắm quyền lập pháp, nhà vua nắm quyền hành pháp (Nhật, Đức…vào cuối thế kỷ XIX), hiện nay chính thế này không còn tồn tại

+ Chính thể quần chủ đại nghĩ là chính thể mà trong đó quyền lực nhà vua thực tế không tác động tới hoạt động lập pháp và rất hạn chế trong lĩnh vực hành pháp và tư pháp. Chính thế này tồn tại ở một số nước như Anh, Bi, Hà Lan, Thụy Điển, Nhật..

2.2.1.2. Chính thể cộng hoà

Chính thể công hòa là hình thức chính thể mà trong đó quyền lực tối cao của Nhà nước thuộc về một cơ quan được bầu ra trong một thời gian nhất định, hoạt động mang tính tập thể. Chính thể cộng hoà cũng có hai hình thức chính thể đó là cộng hoà dân chủ và cộng hoà quý tộc.

– Trong chính thể cộng hoà dân chủ, pháp luật quy định cho các tầng lớp nhân dân lao động được tham gia bầu cử để lập ra cơ quan đại diện của nhà nước như Quốc hội hoặc nghị viện.

– Trong chính thể cộng hoà quý tộc, pháp luật chi ghi nhận quyền bầu cử ra các cơ quan tối cao của nhà nước là của riêng tầng lớp quý tộc giàu có, đông đảo nhân dân lao động không được quyền tham gia các sinh hoạt chính trị (tồn tại chủ yếu trong nhà nước chủ nô và phong kiến).

2.2.2. Hình thức cấu trúc nhà nước

Hình thức cấu trúc nhà nước là sự cấu tạo nhà nước thành nhiều đơn vị hành chính lãnh thổ và xác lập các mối quan hệ qua lại giữa các cơ quan nhà nước, giữa trung ương với địa phương.

Trên thế giới có 2 hình thức cấu trúc nhà nước chủ yếu, đó là nhà nước đơn nhất và nhà nước liên bang.

2.2.2.1 Nhà nước đơn nhất

Nhà nước đơn nhất là nhà nước có chủ quyền chung, có hệ thống cơ quan quyền lực và quản lý thống nhất từ trung ương xuống địa phương.

Trong nhà nước đơn nhất có 1 hiến pháp và một hệ thống pháp luật thống nhất, các cơ quan quản lý của các đơn vị hành chính lãnh thổ hoạt động theo một hệ thống pháp luật chung của nhà nước, chịu trách nhiệm trước cơ quan quyền lực và cơ quan quản lý Nhà nước ở TW, công dân có 1 quốc tịch.

2.2.2.2. Nhà nước liên bang

Nhà nước liên bang là Nhà nước có 2 hay nhiều thành viên hợp lại với nhau.

– Trong nhà nước liên bang có 2 hệ thống cơ quan quyền lực và hai cơ quan quản lý nhà nước, một hệ thống chung cho toàn liên bang và một hệ thống riêng cho mỗi nước thành viên.

– Có chủ quyền quốc gia chung của liên bang đồng thời mỗi nước thành viên có chủ quyền riêng.

– Cùng tồn tại với hiến pháp và hệ thống pháp luật chung của nhà nước liên bang còn có hiến pháp và hệ thống pháp luật riêng của mỗi nước thành viên, trong đó hiển pháp và pháp luật và hệ thống pháp luật của nhà nước liên bang có tính nguyên tắc và có hiệu lực tối cao.

Nhà nước Mỹ, Liên bang Nga,…. Úc. là các nhà nước liên bang đang tồn tại.

2.2.3. Chế độ chính trị

Chế độ chính trị là tổng thể các phương pháp, phương tiện và thủ đoạn mà các cơ quan nhà nước sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước.

* Phân loại chế độ chính trị:

– Chế độ chính trị dân chủ: (phương pháp dân chủ): Nhà nước quy định về mặt pháp lý các quyền dân chủ cho công dân và tạo điều kiện để công dân có thể thực hiện những quyền đó. Ví dụ: Quyền bầu cử, ứng cử…: Quyền khiếu nại, tố cáo…

– Chế độ chính trị phi dân chủ nhà nước không quy định hoặc quy định hạn chế quyền dân chủ của công dân. Đặc biệt khi những phương pháp này phát triển đến mức độ cao sẽ trở thành những phương pháp tàn bạo, quân phiệt và phát xít.

Ví dụ: Chế độ diệt chủng ở Campuchia

Hình thức nhà nước luôn có quan hệ mật thiết với chế độ chính trị. Hai yếu tố này tác động qua lại lẫn nhau tạo thành khái niệm hình thức nhà nước.

Back to top button