Kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo Luật Cạnh tranh 2018
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc ngày càng sâu rộng như hiện nay, cạnh tranh được thừa nhận là yếu tố đảm bảo cho việc duy trì tính năng động và hiệu quả của nền kinh tế. Pháp luật và chính sách về cạnh tranh là một trong các bộ phận quan trọng của nền tảng pháp lý cho việc hình thành nền kinh tế thị trường. Việc nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đồng nghĩa với việc các bên tham gia thị trường cạnh tranh với nhau. Trong đó, một số bên có các hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh nhằm tối đa hoá lợi nhuận, chèn ép đối thủ hoặc độc quyền thị trường. Pháp luật cạnh tranh nói chung và pháp luật về xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh nói riêng chính là công cụ quan trọng nhất trong hệ thống chính sách điều tiết cạnh tranh của Nhà nước.
Để phù hợp với những thay đổi của thị trường, các điều kiện kinh tế – xã hội cũng như môi trường pháp lý và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Cạnh tranh 2018 đã được Quốc hội khoá XIV thông qua vào ngày 12/6/2018, thay thế cho Luật Cạnh tranh 2014. Luật Cạnh tranh 2018 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.
So với Luật Cạnh tranh 2014, Luật Cạnh tranh 2018 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, đặc biệt là trong các quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng giữa các bên tham gia thị trường.
Theo Khoản 2 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 thì: “Hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, bao gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền”.
Dưới đây là các hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo Luật Cạnh tranh 2018.
Đối với hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh
Theo Luật Cạnh tranh 2018, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được nhìn nhận là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
Các dạng hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh được liệt kê chi tiết tại Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018. So với Luật Cạnh tranh 2004 trước đây, Luật Cạnh tranh 2018 đã liệt kê các dạng hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo hướng mở, nhằm mở rộng phạm vi của các dạng hành vi này.
Tuy nhiên không phải tất cả các dạng hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nêu tại Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 đều bị cấm. Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh này cũng chỉ bị cấm nếu rơi vào các trường hợp quy định tại Điều 12 Luật Cạnh tranh 2018.
Theo đó, các hành vi quy định tại khoản 4, 5, 6 Điều 11 bao gồm: thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận, là những hành vi bị cấm tuyệt đối, không kể doanh nghiệp thực hiện hành vi có cùng thị trường liên quan hay không.
Sở dĩ những hành vi này bị cấm tuyệt đối là do hậu quả bất lợi của hành vi gây ra đối với môi trường cạnh tranh. Những hành vi bị cấm tuyệt đối luôn hàm chứa tính bất lợi và gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.
Ngoài ra, Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 còn phân loại các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo chiều ngang và các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo chiều dọc. Cụ thể, các hành vi quy định tại khoản 1,2,3 Điều 11 bao gồm: thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Các thỏa thuận này sẽ mặc nhiên bị cấm nếu như doanh nghiệp thực hiện hành vi hoạt động trên cùng thị trường liên quan, tức chỉ bị cấm nếu là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang.
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang là sự thỏa thuận giữa các doanh nghiệp trong cùng cấp độ của chuỗi quá trình sản xuất kinh doanh. Ngược lại nếu các hành vi này là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc, tức là sự thỏa thuận diễn ra giữa các doanh nghiệp ở các cấp độ khác nhau của chuỗi quá trình sản xuất kinh doanh sẽ chỉ bị cấm nếu như gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường. Mặc dù không sử dụng thuật ngữ “thỏa thuận theo chiều ngang” hay “thỏa thuận theo chiều dọc”, nhưng với việc xác định cấm dựa theo các chủ thể thực hiện hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có cùng thị trường liên quan hay không, Luật Cạnh tranh 2018 đã mở rộng phạm vi các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị kiểm soát, bao gồm cả các thoả thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang và chiều dọc.
Những dạng hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh còn lại bao gồm: Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng; Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận; Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận, dù là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang hay thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc sẽ chỉ bị cấm nếu gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.
Luật Cạnh tranh 2018 không tiếp cận kiểm soát thoả thuận hạn chế cạnh tranh chỉ dựa vào tiêu chí thị phần như trước, mà kiểm soát hành vi trên cơ sở bản chất, tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của hành vi. Việc đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sẽ dựa trên các yếu tố như thị phần, rào cản gia nhập thị trường, năng lực công nghệ, cơ sở hạ tầng thiết yếu, các yếu tố đặc thù ngành…
Luật Cạnh tranh 2018 quy định Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ là cơ quan đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh căn cứ vào nhiều yếu tố. Ngoài ra các hành vi thỏa thuận không bị cấm tuyệt đối, tức là không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 sẽ có thể được hưởng miễn trừ có thời hạn nếu có lợi cho người tiêu dùng và đáp ứng các điều kiện luật định. Các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được hưởng miễn trừ sẽ không bị xử lý với tư cách là hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh.
Đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền
Luật Cạnh tranh 2018 của Việt Nam đưa ra khái niệm về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền như sau: “là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh”.
Đồng thời tại Điều 27 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định về các dạng hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền bao gồm hai nhóm hành vi là lạm dụng vị trí thống lĩnh và lạm dụng vị trí độc quyền.
Hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền đều là các hành vi hạn chế cạnh tranh có chung mục tiêu là làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường. Do đó, các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền mà luật cạnh tranh Việt Nam điều chỉnh có những điểm tương đồng với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Điểm khác biệt cơ bản của hai nhóm hành vi này nằm ở chủ thể thực hiện hành vi. Nếu như hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được nhấn mạnh ở đặc điểm sự thống nhất ý chí của các chủ thể tham gia thỏa thuận, thì ở hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh và lạm dụng vị trí độc quyền, chủ thể thực hiện hành vi được nhấn mạnh là những chủ thể có vị trí thống lĩnh hay vị trí độc quyền trên thị trường liên quan. Do đó việc xác định các chủ thể có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền được xem là bước đầu tiên và quan trọng nhất khi xem xét hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền.
Về hậu quả pháp lý, khác với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh hay vị trí độc quyền luôn tiểm ấn nguy cơ gây hại tới thị trường. Do đó, tất cả các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền thường bị cấm tuyệt đối, không được hưởng miễn trừ và chịu chế tài xử lý nghiêm khắc. Doanh nghiệp, nhóm doanh thực hiện hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền theo quy định sẽ phải chịu sự trừng phạt bằng các hình thức chế tài khác nhau trên cơ sở kết quả điều tra cũng như quyết định xử lý vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền của cơ quan có thẩm quyền.
Để xác định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền, Luật Cạnh Tranh 2018 đã xây dựng hệ thống tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể một cách đầy đủ, phù hợp hơn so với Luật Cạnh tranh 2014. Ngoài tiêu chí ngưỡng thị phần 30%, Luật Cạnh tranh 2018 đã bổ sung thêm các yếu tố khác để xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường tại Điều 26. Các yếu tố để xác định sức mạnh thị trường đáng kể của một công ty căn cứ vào một số tiêu chí liên quan đến tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp; quy mô và năng lực tài chính của doanh nghiệp; những lợi thế về công nghệ, cơ sở hạ tầng; khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ…
Đối với hành vi cản trở cạnh tranh của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân
Luật Cạnh tranh 2018 cũng quy định chi tiết các hành vi cản trở cạnh tranh bị cấm đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, và cá nhân tại Điều 8. Trong đó, cơ quan nhà nước bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi cản trở cạnh tranh như: ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh; và phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.
Cơ quan nhà nước cũng bị nghiêm cấm việc ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành, nghề, tổ chức xã hội – nghề nghiệp khác hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường.
Trong khi đó, tổ chức, cá nhân bị nghiêm cấm cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh.
Sau gần 3 năm tổ chức thực thi Luật Cạnh tranh 2018, đối với việc kiểm soát hạn chế cạnh tranh, cơ quan quản lý đã chủ động tiến hành điều tra tiền tố tụng khoảng gần 100 vụ việc trên nhiều thị trường, lĩnh vực, ngành nghề để thu thập, xác minh các thông tin, dấu hiệu về các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, trên cơ sở đó khởi xướng điều tra 5 vụ việc và đã có báo cáo Hội đồng cạnh tranh để xử lý đối với 4 vụ việc, trong đó có những vụ việc có tính thời sự và nhận được nhiều sự quan tâm như vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường du lịch, vụ việc Grab/Uber.
Qua đó, góp phần tích cực vào việc tạo lập, duy trì và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường, từ đó tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cùng với đó là đảm bảo tính hợp lý về mặt kinh tế, phát huy được các tác động tích cực, hạn chế giảm thiểu các tác động phản cạnh tranh của các hành vi kinh doanh trên thị trường.