Giáo dục

Hàng chài hay làng chài?

* Trong bài viết Bước ra từ tác phẩm văn học đăng trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 10-3 vừa qua có nói đến “người đàn bà làng chài” trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Nhưng nhiều người trong bạn bè tôi cho rằng phải viết là “người đàn bà hàng chài” mới đúng. (Nguyễn Thị Mỹ, Đại học Sư phạm Đà Nẵng).

– Rất nhiều người viết là “người đàn bà làng chài” vì cho rằng đó là người đàn bà sống ở làng chài lưới ven biển. Thực ra, Nguyễn Minh Châu đã viết rõ ràng đến 5 lần “hàng chài” trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa.

Để hiểu vì sao tác giả viết “hàng chài” mà không phải “làng chài”, hãy xem qua tóm tắt cốt truyện.

Nhận lời đề nghị của trưởng phòng về chiến trường xưa chụp một bức ảnh thuyền và biển trong buổi sáng mờ sương, Phùng – phóng viên ảnh, lên đường tác nghiệp. Sau một tuần lễ phục kích, Phùng gặp được một cảnh đắt trời cho. Mũi thuyền mơ hồ, bầu sương mù trắng như sữa, có pha đôi chút màu hồng hồng của ánh mặt trời chiếu vào. Vài ba người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng… Phùng bấm máy liên tục.

Khi thuyền vào gần bờ thì một cảnh trái ngược hiện ra trước mắt anh. Người đàn ông xuống thuyền, lấy thắt lưng quất tới tấp vào lưng người đàn bà là vợ mình bằng tất cả sự thù hận. Phùng càng kinh ngạc hơn khi Đẩu, bạn anh, chánh án gợi ý cho người đàn bà bỏ chồng, chẳng những bà không đồng ý mà bà còn bảo vệ chồng và tự nhận lỗi về mình. Phùng hoàn thành nhiệm vụ, nhưng cho đến sau này anh cũng không bao giờ quên được hình ảnh người đàn bà vùng biển mà anh đã gặp.

Trong truyện, nơi người đàn bà cùng chồng và hai con sinh sống không phải là làng, mà là phố, như lời kể của bà: “Từ nhỏ tuổi tôi đã là một đứa con gái xấu, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa. Hồi bấy giờ nhà tôi còn khá giả, nhà tôi trước ở trong cái phố này. Cũng vì xấu, trong phố không ai lấy, tôi có mang với một anh con trai một nhà hàng chài giữa phá hay đến nhà tôi mua bả về đan lưới. Lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi”.

Có chồng, người đàn bà không còn ở nhà cha mẹ mình trong phố nữa mà theo chồng ra sống trên một chiếc thuyền giữa phá: “Giá tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, (…) nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật”.

Khi Đẩu, viên chánh án hỏi: Vậy sao không lên bờ mà ở? Người đàn bà thiểu não: Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó?

Từ những chi tiết nói trên, có thể nhận thấy phố biển đó không phải là một làng chài với những người sống trên đất liền và làm nghề chài lưới. Những người mưu sinh bằng nghề lưới vó như vợ chồng người đàn bà trong truyện thì sống lênh đênh trên thuyền giữa phá. Hằng ngày, họ đưa xuống thuyền những gì đánh bắt được từ biển khơi và bán lại cho cư dân phố biển, hàng hóa đó được gọi là hàng chài. Nguyễn Minh Châu rất tinh tế trong việc dùng chữ, nhà văn không gọi đó là “người đàn bà làng chài”, mà là “người đàn bà hàng chài” với nghĩa như thế.

Nói thêm, hàng chài cũng được dùng để gọi tên một loại cá biển. Cá hàng chài đốm đen biết dùng miệng ngậm một con trai và đập nó xuống một tảng đá để làm vỡ vỏ trai và ăn phần thịt bên trong.

ĐNCT

Back to top button