Hỏi đáp

Mẫu đề nghị phê duyệt phương án trồng rừng thay thế chi tiết nhất

Trồng rừng luôn là mục tiêu quan trọng hàng đầu mà nhà nước ta đặt ra đi trong mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng. Do vậy, hoạt động trồng rừng luôn được các cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ. Trong các trường hợp chuyển mục đích trồng rừng thì các chủ thể mong muốn chuyển mục đích trồng rừng cần có đề nghị phê duyệt phương án trồng rừng thay thể gửi lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giới thiệu về đề nghị phê duyệt phương án trồng rừng thay thế.

Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568

1. Đề nghị phê duyệt phương án trồng rừng thay thế là gì?

Đề nghị phê duyệt phương án trồng rừng thay thế là văn bản do chủ đầu tư trồng rừng thay thế viết gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc quản lý rừng nhằm đề nghị phê duyệt phương án trồng rừng thay thế của chủ đầu tư trồng rừng thay thế.

Đề nghị phê duyệt phương án trồng rừng thay thế được dùng để chủ đầu tư trồng rừng thay thế thể hiện mong muốn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án trồng rừng thay thế.

Trong đề nghị phê duyệt phương án trồng rừng thay thế thể hiện các nội dung như thông tin về chủ thể đề nghị phê duyệt, thông tin về diện tích rừng mà chủ thể mong muốn chuyển mục đích trồng rừng, mục đích chuyển, loại cây trồng thay thế,…

2. Mẫu đề nghị phê duyệt phương án trồng rừng thay thế và soạn thảo:

Đề nghị phê duyệt phương án trồng rừng thay thế là phụ lục II được ban hành kèm theo Thông tư số 23/2017/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————

TÊN CƠ QUAN……….

——-

Số: ……./…….

V/v đề nghị phê duyệt phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác

……, ngày …… tháng …… năm …… (1)

Kính gửi: ……(2)

Tên tổ chức:….. (3)

Địa chỉ:…….(4)

Căn cứ Thông tư /2017/TT-BNNPTNT ngày / /2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đề nghị ………. phê duyệt phương án trồng rừng thay thế như sau:

1. Tổng diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác:…… (5)

2. Loại rừng chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác:

a) Theo mục đích sử dụng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất):…… (6)

b) Theo nguồn gốc hình thành (rừng tự nhiên, rừng trồng):….. (7)

3. Diện tích đất để trồng rừng thay thế:……….. (8)

4. Vị trí trồng rừng thay thế: thuộc khoảnh…, tiểu khu….xã….huyện….tỉnh… (9)

5. Thuộc đối tượng đất rừng (Phòng hộ, đặc dụng, sản xuất):…….

6. Phương án trồng rừng thay thế (10)

a) Loài cây trồng…….

b) Phương thức trồng (hỗn giao, thuần loài):……

c) Mức đầu tư bình quân 1 ha (triệu đồng):…..

d) Thời gian trồng:…..

đ) Kế hoạch trồng rừng……

e) Tổng mức đầu tư trồng rừng thay thế:……

……..……..(tên tổ chức) cam đoan thực hiện đúng quy định của nhà nước về trồng rừng thay thế, nếu vi phạm hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật./.

Nơi nhận:

– Như trên;

– ……

– ……

Người đại diện của tổ chức (Ký, đóng dấu)

Hướng dẫn soạn thảo

(1) Ghi địa danh, ngày tháng năm lập đề nghị

(2) Ghi tên tổ chức có thẩm quyền

(3) Ghi tên tổ chức viết đơn đề nghị

(4) Địa chỉ của tổ chức viết đơn đề nghị, ghi rõ số nhà/ thôn xóm, xã/phường/thị trấn, quận/huyện, tỉnh/thành phố

(5) Ghi tổng diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng mà tổ chức đang sử dụng để trồng rừng

(6) Ghi mục đích sử dụng hiện tại của diện tích mong muốn chuyển mục đích sử dụng

(7) Ghi nguồn gốc hình thành của diện tích mong muốn chuyển mục đích sử dụng

(8) Ghi diện tích mà tổ chức muốn chuyển mục đích sử dụng

(9) Ghi vị trí của diện tích mà tổ chức muốn chuyển mục đích sử dụng

(10) Ghi phương án mà tổ chức muốn chuyển mục đích sử dụng

3. Hoạt động đề nghị, phê duyệt phương án trồng rừng thay thế:

Tại Thông tư số 23/2017/TT- BNNPTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thì hoạt động trồng rừng thay thế bao gồm trường hợp chủ đầu tư tự trồng rừng thay thế và trường hợp chủ đầu tư không tự trồng rừng thay thế

3.1. Trường hợp chủ đầu tư tự trồng rừng thay thế:

– Chủ đầu tư dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (sau đây viết tắt là Chủ đầu tư) lập phương án trồng rừng thay thế theo mẫu tại Phụ lục I Thông tư này, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Trường hợp diện tích rừng chuyển sang mục đích khác nằm trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì lập các phương án riêng trên địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án trồng rừng thay thế gồm: Phương án trồng rừng thay thế theo mẫu tại Phụ lục I đích sử dụng rừng sang mục Thông tư này; văn bản đề nghị phê duyệt theo mẫu tại Phụ lục II; dự án đầu tư có chuyển mục đích khác; các tài liệu khác có liên quan.

– Chủ đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt Phương án trồng rừng thay thế trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có diện tích đất trồng rừng thay thế. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm trả lời Chủ đầu tư trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.

– Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định. Trường hợp cần xác minh thực địa, thời gian thẩm định phương án được kéo dài thêm không quá 15 ngày làm việc.

Thành phần Hội đồng thẩm định gồm: đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có diện tích đất trồng rừng thay thế, tổ chức khoa học có liên quan. Số thành viên Hội đồng ít nhất là 05 người, trong đó 01 lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ tịch Hội đồng. Trường hợp dự án có tổng diện tích trồng rừng thay thế dưới 10 hec-ta thì Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành phần Hội đồng thẩm định với số lượng thành viên ít hơn.

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày họp Hội đồng thẩm định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt phương án. Trường hợp không đề nghị UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt phương án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời Chủ đầu tư biết lý do.

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị phê duyệt phương án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng thay thế. Trường hợp không phê duyệt, UBND cấp tỉnh thông báo rõ lý do cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cho Chủ đầu tư.

– Sau khi phương án trồng rừng thay thế được UBND cấp tỉnh phê duyệt, Chủ đầu tư tổ chức lập thiết kế, dự toán trồng rừng; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (trừ trường hợp pháp luật quy định khác); tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế.

– UBND cấp tỉnh quyết định số năm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng thay thế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đảm bảo đủ thời gian để rừng sau khi trồng đạt tiêu chí thành rừng.

Như vậy, trong thủ tục đề nghị, phê duyệt khi chủ đầu tư tự trồng rừng thay thế thì chủ đầu tư cần phải có phương án trồng rừng thay thế để nộp lên cơ quan có thẩm quyền nhằm đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở đây chính là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Các bộ phận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn có nhiệm vụ xác minh, đánh giá phương án trồng rừng thay thế; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt phương án trồng rừng thay thế.

3.2. Trường hợp chủ đầu tư không tự trồng rừng thay thế:

-Chủ đầu tư đề nghị UBND cấp tỉnh chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế với 01 bộ hồ sơ gồm văn bản của Chủ đầu tư đề nghị UBND cấp tỉnh chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế; thuyết minh dự án đầu tư có thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng bằng cách nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

– Trường hợp UBND cấp tỉnh bố trí đất để trồng rừng thay thế trên địa bàn thì trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của Chủ đầu tư, UBND cấp tỉnh xem xét, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho Chủ đầu tư biết. UBND cấp tỉnh quyết định đơn giá trồng rừng, tổng số tiền, thời gian Chủ đầu tư phải nộp để trồng rừng thay thế. Đơn giá trồng rừng thay thế được tính theo mức dự toán trồng rừng bình quân trên địa bàn tỉnh tại thời điểm Chủ đầu tư dự án nộp tiền, bao gồm cả chi phí khảo sát, thiết kế, trồng rừng, chi phí quản lý đến khi thành rừng.

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với các địa phương chưa thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng) tiếp nhận tiền trồng rừng thay thế theo Quyết định phê duyệt của UBND cấp tỉnh để tổ chức trồng rừng thay thế.

– Trường hợp địa phương không còn quỹ đất để trồng rừng thay thế: thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ của Chủ đầu tư, UBND cấp tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế của Chủ đầu tư. Hồ sơ đề nghị gồm: Văn bản của UBND cấp tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kèm theo danh sách các dự án thực hiện nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của UBND cấp tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, bố trí trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh, thành phố khác; thông báo bằng văn bản cho UBND cấp tỉnh có liên quan, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và Chủ đầu tư biết để thực hiện;

Đơn giá trồng rừng thay thế do UBND cấp tỉnh quy định trên cơ sở mức dự toán trồng rừng bình quân nơi trồng tại thời điểm Chủ đầu tư nộp tiền, bao gồm cả chi phí khảo sát, thiết kế, xây dựng rừng, chi phí quản lý đến khi thành rừng. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam tiếp nhận, quản lý số tiền trồng rừng thay thế, giải ngân để tổ chức trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy khác với trường hợp chủ đầu tư tự trồng rừng thay thế, trường hợp chủ đầu tư không tự trồng rừng thay thế sẽ phải nộp tiền cho đến Qũy bảo vệ và Phát triển rừng để cơ quan này quản lý, giải ngân để tổ chức trồng rừng thay thế. Hoạt động đề nghị của chủ đầu tư cũng có những điểm tương đồng với hoạt động đề nghị của chủ đầu tư tự trồng rừng thay thế, đó là phải có phương án đề nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tiến hành phê duyệt phương án, trong trường hợp địa bàn tỉnh không còn diện tích để trồng rừng thì Ủy ban nhân dân tỉnh phải đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.

Back to top button