Giáo dục

Chứng tá đời sống

Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên, OP

“Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ. (Cv 2,42-47)

Sứ mạng hàng đầu của cộng đoàn tu là làm chứng cho lý tưởng Phúc Âm về sự hiệp thông huynh đệ qua đời sống và lời rao giảng. Chúng ta hãy xem vị trí của “chứng tá đời sống” trong sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Xin nhắc lại Công vụ Tổng hội V số 102:

“Đức Bác ái trong cộng đoàn là một lời rao giảng sống động đầy sức thuyết phục về Thiên Chúa yêu thương con người. Thật vậy Thân Thể Giáo Hội trông chờ nơi chứng tá của cộng đoàn “tràn ngập niềm hoan lạc và Thánh Thần” (Cv 13, 52) Giáo Hội ước muốn giới thiệu cho thế giới gương sáng các cộng đoàn.

Thật thế, bằng chính cuộc sống của mình góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng, bởi vì họ đang cho thấy cụ thể những hoa trái của điều răn mới” (Xc. ĐSTH, số 45).

Tiên vàn, Chúa Giêsu đã mạc khải Thiên Chúa cho con người qua đời sống và công trình cứu độ của Người. Chúa Giêsu đã mời gọi những người tìm kiếm Thiên Chúa và Vương quốc của Người “hãy đến mà xem” (x. Ga 1,35-39), nghĩa là bạn cần có kinh nghiệm về Thiên Chúa và Nước của Người nơi chính con người và hành động của Chúa Giêsu. Vì thế, ngay từ đầu, loan báo Tin Mừng bao gồm “kinh nghiệm” và “chứng tá”.

Các môn đệ, những người được Chúa Giêsu giao phó sứ mạng biết rất rõ rằng, loan báo Tin Mừng trước hết phải được thực hiện qua chứng tá đời sống của họ. Họ ý thức rằng họ là những chứng nhân, ngay trước khi là những người rao giảng. (x. 1 Ga 1,1-3).

1. Nhu cầu làm chứng tá liên hệ với chính bản chất Phúc Âm.

Chính bản chất của Tin Mừng đòi hỏi chứng tá đời sống như những phương thế truyền đạt Tin Mừng. Ngay cả trước khi Tin Mừng là sự thật, thì nó đã là sự sống; và sự sống thì được thông truyền qua sự sống. Loan báo Tin Mừng đòi hỏi một khởi điểm không phải là việc giảng giải, nhưng là dẫn vào một sự sống, vào một mầu nhiệm là Sự Sống.

Sứ mạng loan báo Tin Mừng của chúng ta hướng về sự sống và về một con người là Đức Kitô. Ngài là Đấng đã sống lại và vẫn đang sống, Đấng là “Chúa của sự sống”. Và Tin Mừng sự sống của Đức Kitô được thông truyền nhờ chứng tá đời sống. Điều này trước hết đòi hỏi một kinh nghiệm sâu sắc về Đức Kitô. Chúng ta chỉ có thể loan báo những gì chúng ta đã thấy và đã nghe, tức là những gì chúng ta đã kinh nghiệm.

Uy tín của lời chứng nằm ở kinh nghiệm của chúng ta, và nơi những gì mà kinh nghiệm đã làm đối với đời sống chúng ta. Đức Giêsu Nadarét đã nói về Thiên Chúa với một uy quyền, vì tương quan thiết thân của Người với Thiên Chúa, và vì đời sống cũng như những công trình của Người phản ánh cung cách của Thiên Chúa, tức là tha thứ, liên đới, thân thiện, phục vụ và yêu thương, và yêu thương.

2. Hình thức đầu tiên của việc loan báo Tin Mừng là chứng tá.

Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Độ” tuyên bố rằng hình thức loan báo Tin Mừng đầu tiên là chứng tá. Thông điệp nói rằng: “Chứng tá của đời sống Kitô hữu là hình thức đầu tiên và không thể thay thế của việc truyền giáo” (số 42a).

Theo văn kiện này, việc nhấn mạnh đến chứng tá đời sống như phương thế loan báo Tin Mừng, bởi vì “con người hôm nay tin tưởng các chứng nhân hơn là thầy dạy” (Chứng tá Phúc Âm, số 41), tin vào kinh nghiệm hơn là bài vở, tin vào cuộc sống và hành động hơn là lý thuyết” (Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc, số 42a).

Đức Giêsu Kitô là chứng nhân đầu tiên, “vị chứng nhân tuyệt hảo và là khuôn mẫu cho mọi chứng nhân Kitô giáo” (Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc, 42a).

Gia đình Kitô hữu và cộng đồng Giáo Hội, trong đó có cả cộng đoàn tu, cũng là chứng nhân cho “một lối sống mới”.

Các thừa tác vụ, các việc tông đồ, những việc bác ái tạo nên một phần của chứng tá Tin Mừng “Việc dấn thân phục vụ hòa bình, công lý, nhân quyền và thăng tiến con người cũng là một chứng tá Tin Mừng”. (Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc, số 42c).

II. CHỨNG TÁ ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ

Chúng ta hãy nhìn đến thách đố của chứng tá đời sống cho Tin Mừng trong bối cảnh dần lộc Việt Nam, đang cố gắng bước vào nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chấp nhận cuộc chơi của kinh tế thị trường.

1. Chứng tá đời sống có ý nghĩa như thế nào?

Tại sao chứng tá đời sống, như phương thế loan báo Tin Mừng, đặc biệt có ý nghĩa đặc biệt cho quê hương đất nước chúng ta.

Lý do có thể thấy được là dân tộc ta coi trọng kinh nghiệm tôn giáo hơn những công thức giáo lý. Điều này có nghĩa là họ được cảm hóa nhờ chứng tá đời sống của những nhà truyền giáo nhiều hơn những lời day dỗ. Bản phác thảo (Lineamenta) của Thượng Hội đồng Giám mục Á Châu nhấn mạnh khuynh hướng này, khi nói: “Người dân Á Châu không bị cảm hóa bởi tính logic, bởi giáo lý hay uy quyền, nhưng bởi sức mạnh của chứng tá và sự thánh thiện”.

Giáo Hội tại Á Châu cần ghi tâm khắc cốt rằng, những tranh luận về giáo lý sẽ không làm cho Con Người Đức Giêsu lôi cuốn và dễ chấp nhận đối với dân Á châu; chính chứng tá của các Kitô hữu về Đức Kitô mới có sức thuyết phục. (L’Ossevatore Romano, 29/4/1998, tr.10)

2. Chứng tá đời sống và kinh nghiệm của con người về Thiên Chúa

Trước tiên, đối tượng của chứng tá đời sống nơi các nhà truyền giáo chính là kinh nghiệm của họ về Thiên Chúa. Các nhà thừa sai Kitô giáo cần thực sự trở nên những người có kinh nghiệm về Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Trở về từ núi Xinai, sau khi trò chuyện với Thiên Chúa, khuôn mặt ông Môsê trở nên sáng chói (x. Xh 34,29). Khi các nhà thừa sai Kitô giáo kinh nghiệm về Thiên Chúa trong kinh nguyện và chiêm niệm hàng ngày, thì điều này sẽ được phản ánh không chỉ nơi khuôn mặt của họ, mà còn nơi toàn thể con người họ.

Thực thể, lời nói thôi chưa đủ. Chính kinh nghiệm tôn giáo biến đổi đời sống người ta mới chứng thực cho những gì họ nói và làm. Việc thăng tiến sự hiểu biết sâu sắc, và việc hiệp nhất với Đức Kitô giữa các tín hữu, có lẽ là điều kiện tiên quyết cho việc gánh vác một cách hiệu quả sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh Việt Nam.

Kitô hữu nào muốn giới thiệu Đức Kitô thì phải đưa sứ điệp mà mình sắp công bố hiện thân vào đời sống của mình.

3. Chứng tá đời sống qua việc làm

Làm chứng cho Tin Mừng đương nhiên phải bao gồm việc dấn thân và phục vụ trong yêu thương.

  • Kinh nghiệm về Thiên Chúa dẫn đến yêu thương tha nhân:

Chứng tá không đặt kinh nghiệm về Thiên Chúa đối lập với hoạt động. Đúng hơn, Chứng tá xác định tính chất không thể tách biệt giữa chiêm niệm và hoạt động Kitô giáo. Kinh nghiệm Kitô giáo về Thiên Chúa là một kinh nghiệm “Ba Ngôi”, được diễn tả qua việc yêu thương tha nhân.

Những hoạt động giải thoát hay hiến dâng cuộc đời vì nhân loại đương nhiên xuất phát từ kinh nghiệm sâu xa về vị Thiên Chúa của sự sống. Trong lời can thiệp của mình tại Thượng hội đồng, Đức Giám Mục Joseph Vianney Fernando thuộc Giáo phận Kandy, Sri Lanka đã nhấn mạnh điểm này khi nói: “Truyền giáo phải xuất phát từ cầu nguyện và chiêm niệm” (L’Osservatore Romano, 13/5/1998, tr. 12)

Việc đẩy mạnh công lý, những việc bác ái và những việc tương tự hoàn toàn gắn liền với một đời sống cầu nguyện và chiêm niệm đích thực. Chính đời sống thiêng liêng này sẽ cung cấp nguồn cho mọi hoạt động tông đồ của ta.

  • Chứng tá Kitô hữu đặc biệt gồm cả hoạt động vì người nghèo:

Hoạt động đi kèm với chứng tá Phúc Âm đặc biệt bao gồm việc phục vụ người nghèo và người bị xã hội loại bỏ. Làm chứng nhân cho Đức Giêsu Kitô phải bao gồm việc theo đuổi công trình của Người là giải phóng người nghèo, người bị áp bức và người đau khổ.

III. NHỮNG GỢI Ý CHO ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

Tin Mừng về Đức Kitô chỉ có thể được rao giảng do những người bị thu hút và được cảm hóa bởi tình yêu của Chúa Cha dành cho con người Đức Giêsu Kitô. Lời rao giảng này là một sứ mạng đòi hỏi những con người thánh thiện, những người sẽ làm cho Đấng Cứu Thế được biết đến và được yêu mến qua đời sống của họ. Lửa chỉ có thể được thắp lên bởi một cái gì đó đang cháy.

Việc nhấn mạnh chứng tá cho Đức Kitô và Tin Mừng qua đời sống chiêm niệm trong hoạt động, là một lời mời gọi nhìn lại và canh tân điều căn bản này, đó là chiều kích kép của đời sống thánh hiến.

Trước hết, trong khi họ làm chứng cho lối sống của Đức Kitô bằng cách theo sát các lời khuyên Tin Mừng, thì chứng tá của các tu sĩvề cơ bản cũng bao gồm việc liên đới với người nghèo và hành động cụ thể vì lợi ích của họ.

1. Làm chứng cho Đức Giêsu, Đấng đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho người nghèo

Đức Giêsu Kitô mà những người thánh hiến muốn bày tỏ cho quê hương mình, qua đời sống và những công trình của họ, không ai khác mà chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng qua việc vâng phục yêu mến đối với Chúa Cha đã dâng hiến hoàn toàn đời mình cho con người, cách riêng cho những người nghèo: ban lương thực cho họ ăn, chữa lành những bệnh tật của họ, tha thứ tội lỗi cho họ và đưa họ đến sự hoán cải; đấu tranh với những thế lực sự dữ mang đến cho con người sự phi nhân, đau khổ và sự chết; đưa họ vào sự sống tròn đầy và tình yêu Thiên Chúa. Về điều này, những lời khấn Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục của những người thánh hiến là lời diễn tả ba lần của tiếng “Xin Vâng” đối với việc thăng tiến đời sống và tình yêu qua chứng tá đời sống và việc tông đồ của họ.

2. Sống các lời khuyên Tin Mừng và sứ mạng thăng tiến đời sống mọi người.

Việc trung thành một cách năng động và sáng tạo với đời sống thánh hiến như một ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo Hội. Do đó, các lời khuyên Tin Mừng phải được sống trước hết qua việc phục vụ sự sống và tình yêu. Thứ nhất, các lời khấn Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục của người thánh hiến phải hướng về Đức Giêsu Kitô như nguồn mạch sự thật và hoàn hảo và như suối nguồn Sự Sống và Tình Yêu. Thứ hai, các lời khấn ấy phải làm cho họ hăng say hơn trong việc tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu là mang lại cho nhân loại hạnh phúc viên mãn.

Tạm kết

Cộng đoàn được thiết lập và tồn tại là do Thiên Chúa quy tụ và gìn giữ chị em hiệp nhất và thánh hiến trong một ơn gọi.

Nhưng thực tế không phải lúc nào chị em cũng cảm thấy hạnh phúc vì giống nhau trong cảm nghĩ, tính tình hay quan điểm sống, mà đừng quên vắng sự bình an và niềm vui phục sinh trong cộng đoàn là hoa trái của sự quên mình và là sức mạnh của Thần Khí Thiên Chúa.

Như vậy ta mới thấy tương quan chặt chẽ giữa sứ vụ và hiệp thông, cũng như hiệp thông và sứ vụ.

Back to top button