Bài mẫu 1: Suy nghĩ về câu nói của M. Go-rơ-ki “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”
Dàn ý
I. Mở bài
- Giới thiệu: Sách là một người bạn thân thiết của con người, giúp ta tiếp thu tri thức của nhân loại.
- Dẫn dắt câu nói cùa M.Go-rơ-ki: “Hãy yêu sách, nỏ là nguồn kiến thức, chi cỏ kiến thức mới là con đường sống”
II. Thân bài
1. Giải thích:
- Sách là sản phẩm của quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và là kho tàng quý báu của nhân loại.
- Sách còn là di sản văn hóa của mỗi dân tộc trên đất nước được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sách cũng là công cụ giao tiếp, trau dồi kiến thức, sự hiểu biết lên tầm cao hơn của các thế hệ sau này
2. Đưa ra các biểu hiện:
a. Tại sao sách là con đường sống?
- Vì sách là nguồn kiến thức vô tận của loài người.
- Tất cả mọi thứ từ xa xưa, con người đều ghi lại trên thẻ tre, hòn đá hay nền đất sét. Thời nay, con người đã biết chế tạo ra giấy rồi ghi lại những thông tin mà người cổ xưa để lại và đúc kết thành một cuốn sách.
- Nhiều tác giả tài năng với những cuốn sách tuyệt vời phục vụ cho lợi ích của cộng đồng.
b. Vậy sách có tác dụng gì đối với chúng ta?
- Sách giúp con người hiểu sâu hơn về khoa học tự nhiên thông qua các loại sách khoa học; hiểu sâu hơn về tâm lí, tình cảm qua những cuốn truyện dài, ngắn hoặc tiểu thuyết; hiểu sâu hơn về cơ thể con người qua các loại sách y học;… sách âm nhạc giúp ta biết thêm về cuộc đời nghệ thuật của những người nghệ sĩ nổi tiếng trên toàn thế giới mà mình yêu thích.
- Sách còn cung cấp cho chúng ta nhiều điều mới lạ và thú vị hơn nữa qua nhiều loại sách khác nhau.
- Không những vậy, sách còn là một công cụ để gắn kết nhiều dân tộc trên thế giới, giúp dân tộc này hay công dân nước này hiểu thêm về dân tộc kia hay công dân nước kia về mặt xã hội, kinh tế, du lịch,…
3. Bàn bạc, mở rộng vấn đề
- Bên cạnh đó, vẫn có những loại sách hay truyện đen, sách có nội dung không hay, thô tục như văn hoá phẩm đồi trụy, gây ảnh hưởng đến nhiều người nếu như quá tò mò về những nội dung ấy gây ra các hậu qua khó lường, tệ nạn xã hội ngày một tăng.
- Không những ham mê dọc sách mà ta còn phải khôn ngoan lựa chọn cho mình những loại sách phù hợp với lứa tuổi để tránh sa vào các tệ nạn xã hội chỉ vì tính tò mò của bản thân.
4. Liên hệ bản thân
- Mỗi chúng ta cần trau dồi bản thân nhiều hơn bằng cách đọc sách.
III. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.
- Câu nói của M. Go-rơ-ki hoàn toàn đúng đắn.
- Khẳng định vai trò lớn lao của sách.
Bài viết
M.Go-rơ-ki là một nhà văn, một nhà hoạt động chính trị người Nga. Ông là một nhà văn xuất sắc, các tác phẩm của ông được các bạn trẻ trên toàn thế giới đón nhận. Một trong những câu nói nổi tiếng của ông là: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức chỉ có kiến thức mới là con đường sống” đã tác động đến các bạn trẻ rất nhiều.
Vậy sách là gì? Sách là sản phẩm của quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và là kho tàng quý báu của nhân loại. Sách còn là di sản văn hoá của mỗi dân tộc trên đất nước được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sách cũng là công cụ giao tiếp, trau dồi kiến thức, sự hiểu biết lên tầm cao hơn của các thế hệ sau này. Kiến thức là nguồn hiểu biết vô tận, là những thông tin, những kinh nghiệm được đi kết quả các thế hệ ở mọi lĩnh vực. Vậy sách và kiến thức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Tại sao sách là con đường sống? Vì sách là nguồn kiến thức vô tận của loài người. Tất cả mọi thứ từ xa xưa, con người đều ghi lại trên thẻ tre, hòn đá hay nền đất sét. Thời nay, con người đã biết chế tạo ra giấy rồi ghi lại những thông tin mà người cổ xưa để lại và đúc kết thành một cuốn sách. Và khi đó, nhiều tác giả tài năng với những cuốn sách tuyệt vời phục vụ cho lợi ích của cộng đồng. Từ sách cổ xưa, ta lại nghiên cứu sâu hơn về những điều bí ẩn trong cuộc sống mà chưa khám phá hết được. Và với những kiến thức vốn có sẵn, ta có thể tìm ra những lối đi thích hợp trong đời sống của con người.
Vậy sách có tác dụng gì? Sách giúp con người hiểu sâu hơn về khoa học tự nhiên thông qua các loại sách khoa học; hiểu sâu hơn về tâm lí, tình cảm qua những cuốn truyện dài, ngắn hoặc tiểu thuyết; hiểu sâu hơn về cơ thể con người qua các loại sách y học;… sách âm nhạc giúp ta biết thêm về cuộc đời nghệ thuật của những người nghệ sĩ nổi tiếng trên toàn thế giới mà mình yêu thích. Sách còn cung cấp cho chúng ta nhiều điều mới lạ và thú vị hơn nữa qua nhiều loại sách khác nhau. Không những vậy, sách còn là một công cụ để gắn kết nhiều dân tộc trẽn thế giới, giúp dân tộc này hay công dân nước này hiểu thêm về dân tộc kia hay công dân nước kia về mặt xã hội, kinh tế, du lịch,…
Bên cạnh đó, vẫn có những loại sách hay truyện đen, sách có nội dung không hay, thô tục như văn hoá phẩm đồi trụy gây ảnh hưởng đến nhiều người nếu như quá tò mò về những nội dung ấy gây ra các hậu quả khó lường, tệ nạn xã hội ngày một tăng. Không những ham mê đọc sách mà ta còn phải khôn ngoan lựa chọn cho mình những loại sách phù hợp với lứa tuổi, tình trạng hiện tại, hoàn cảnh gia đình để tránh sa vào các tệ nạn xã hội chỉ vì tính tò mò của bản thân.
Sách là một vật rất cần thiết cho mỗi con người chúng ta. Nhờ sách soi sáng mà ta có thể đi đúng hướng, tiến lên phía trước hướng gần đến tương lai và thành công hơn nữa. Ngày nay, vẫn có nhiều phương pháp học khác nhau như học qua In-tơ-nét, qua trang web. Nhưng đọc sách vẫn là cách hiệu quả nhất vì nó bồi dưỡng kiến thức rõ hơn, ta sẽ hiểu hơn và cố gắng rèn luyện nề nếp học tập như câu nói của M.Go-rơ-ki.
Bài mẫu 2: Suy nghĩ về câu nói của M. Go-rơ-ki “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”
Dàn ý
1. Mở bài:
- Sách là ông thầy, là người bạn vô cùng thân thiết đối với những người hiếu học xưa nay.
- Khẳng định giá trị và lợi ích to lớn của sách, văn hào Go-rơ-ki có nói: “Phải yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”.
2. Thân bài:
- Sách là một trong những thành tựu văn minh kì diệu của con người.
- Tác giả bài “Phương pháp đọc nhanh” (Lịch sử văn hóa tổng hợp 1987 – 1990) cho biết: “Tính đến nay, trong 500 năm lịch sử của mình, ngành in thế giới đã xuất bản hơn 300 triệu đầu sách, hàng năm cho ra đời 600 triệu trang in”.
- Sách là sản phẩm tinh thần của những tài năng.
- Những tác phẩm như “Sử kí Tư Mã Thiên”, “Chiến tranh và Hòa bình”, những bộ tiểu thuyết chương hồi như “Tam quốc chí”, “Đông Chu liệt quốc”,… những công trình của các nhà văn hóa, khoa học được giải thưởng Nô-ben mãi mãi chiếu sáng nền văn minh nhân loại.
- Sách là kết tinh trí tuệ của con người, dạy ta biết yêu, biết ghét, biết mơ ước,…
- Sách là tài liệu để học tập, để tu dưỡng.
- Cho nên “phải biết yêu sách, biết quý sách” vì “nó là nguồn kiến thức”.
- Lê Quý Đôn, nhà bác học của nước ta trong thế kỉ XVIII là một con người rất thông minh, suốt đời “mắt không rời sách, gối đầu lên sách”.
- Muốn biết thêm một, hai ngoại ngữ làm công cụ, muốn có một trình độ khoa học hiện đại, tiên tiến thì phải được đào tạo chuyên sâu, phải dày công học tập, phải biết tự học, tự đọc sách.
- Người yêu sách là người biết coi trọng tri thức, rất hiếu học, lúc nào cũng muốn vươn lên thành kẻ sĩ (người trí thức) trong xã hội.
- Trên con đường hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tuổi trẻ Việt Nam không chỉ học ở trường, học thầy, học bạn, học trong thực tế cuộc sống, mà còn phải biết đọc sách, sách khoa học, sách kĩ thuật, sách ngoại ngữ, sách văn học,…
3. Kết bài: Hơn bao giờ hết, chúng ta càng thấy rõ câu nói của Go-rơ-ki là một lời khuyên đẹp: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”.
Bài viết
Sách là ông thầy, là người bạn vô cùng thân thiết đối với những người hiếu học xưa nay. Biết yêu sách và ham mê đọc sách là một đức tính quý báu cần được rèn luyện và sớm hình thành từ tuổi ấu thơ. Khẳng định giá trị và lợi ích to lớn của sách, văn hào Go-rơ-ki có nói: “Phải yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”.
Sách là một trong những thành tựu văn minh kì diệu của con người. Từ những quyển sách được viết trên hàng trăm tấm da cừu, được khắc trên hàng nghìn thẻ tre, được in bằng mộc bản đến những cuốn sách in bằng máy in hiện đại như ngày nay, ta dễ dàng nhận thấy sự tiến bộ của loài người qua mấy nghìn năm lịch sử. Tác giả bài “Phương pháp đọc nhanh” (Lịch sử văn hóa tổng hợp 1987 – 1990) cho biết: “Tính đến nay, trong 500 năm lịch sử của mình, ngành in thế giới đã xuất bản hơn 300 triệu đầu sách, hàng năm cho ra đời 600 triệu trang in”. Những con số ấy làm cho ta vô cùng sửng sốt!
Sách là sản phẩm tinh thần của những tài năng. Những nhà văn, những sử gia, những nhà tư tưởng vĩ đại mới có thể sáng tạo nên những tác phẩm vĩ đại. Kinh Thánh, Kinh Ko-ran, Kinh Phật, cuốn sử thi Ra-ma-ya-na, sách của Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử,…trải qua mấy nghìn năm, đến nay vẫn còn chiếm lĩnh tâm hồn hàng triệu con người trên trái đất. Những tác phẩm như “Sử kí Tư Mã Thiên”, “Chiến tranh và Hòa bình”, những bộ tiểu thuyết chương hồi như “Tam quốc chí”, “Đông Chu liệt quốc”,… những công trình của các nhà văn hóa, khoa học được giải thưởng Nô-ben mãi mãi chiếu sáng nền văn minh nhân loại. Hàng ngàn quyển sách Hán – Nôm được tổ tiên ông cha ta để lại là những chứng tích hùng hồn của nền văn hiến Đại Việt rực rỡ, lâu đời. Mọi thứ vật chất có thể mục nát theo thời gian, nhưng tên tuổi và các công trình của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, của Niu-tơn, Anh-xtanh,… sẽ đời đời bất tử.
Sông sâu, nước lớn là do tự nguồn. Sách cũng vậy. Sách là kết tinh trí tuệ của con người. Là nguồn kiến thức bao la và mênh mông. Sách nâng cao kiến thức, mở rộng tầm mắt cho độc giả, dạy ta biết yêu, biết ghét, biết mơ ước,… Còn có loại sách để đọc giải trí, nuôi dưỡng trí tưởng tượng, đem lại niềm vui. Sách là tài liệu để học tập, để tu dưỡng. Cho nên “phải biết yêu sách, biết quý sách” vì “nó là nguồn kiến thức”. Người xưa đã nói: “Mỗi quyển sách là một hũ vàng”. Lê Quý Đôn, nhà bác học của nước ta trong thế kỉ XVIII là một con người rất thông minh, suốt đời “mắt không rời sách, gối đầu lên sách”. Con người có hiếu học mới yêu sách đến thế!
Ở đời, ai cũng muốn giàu có, sang trọng. Ai cũng muốn học rộng, biết nhiều. Nghèo khổ thì bị người ta coi thường. Dốt nát càng bị thiên hạ coi khinh. Tại sao trong xã hội phong kiến Việt Nam, sĩ lại đứng đầu các đẳng cấp: “Sĩ, nông, công, thương”? Nhân tài là nguyên khí quốc gia. Sống trong thời đại tin học, ta mới thấy rõ tri thức, trí tuệ, tài năng là vô giá. Chúng ta càng thêm thấm thía ý kiến của Go-rơ-ki: “Chỉ có kiến thức mới là con đường sống”. Không thể sống trong đói rét, tăm tối, dốt nát. Bởi lẽ “người không có trí ít hiểu biết, chỉ làm đầy tớ cho người ta sai khiến mà thôi” (Mạnh Tử). Muốn biết thêm một, hai ngoại ngữ làm công cụ, muốn có một trình độ khoa học hiện đại, tiên tiến thì phải được đào tạo chuyên sâu, phải dày công học tập, phải biết tự học, tự đọc sách. Và bao giờ cũng vậy: “Rễ của học tập thì đắng; quả của học tập thì ngọt”.
“Chỉ có kiến thức mới là con đường sống”. Sống trong lao động sáng tạo. Sống để làm chủ thiết bị máy móc. Sống trong ánh sáng văn minh của khoa học kĩ thuật. Con đường sống mà Go-rơ-ki nói đến là con đường sáng tạo, có đời sống vật chất sang trọng, có đời sống tinh thần phong phú, tươi đẹp để làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên.
Gần 700 năm về trước, trong “Quốc âm thi tập”, Nguyễn Trãi có viết:
“Nên thợ, nên thầy vì có học,
No ăn, no mặc bởi hay làm”.
(Bảo kính cảnh giới – bài 46)
Yêu sách nhưng không phải là con mọt sách. Đọc sách nhưng không được nô lệ vào sách, mà phải vừa thực sự cầu thị, vừa ý thức được: “Học cho rộng, hỏi cho kĩ, suy nghĩ cho cẩn thận, phân biệt cho sáng suốt, làm việc cho hết lòng” (Trung dung).
Người yêu sách là người biết coi trọng tri thức, rất hiếu học, lúc nào cũng muốn vươn lên thành kẻ sĩ (người trí thức) trong xã hội.
Trên con đường hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tuổi trẻ Việt Nam không chỉ học ở trường, học thầy, học bạn, học trong thực tế cuộc sống, mà còn phải biết đọc sách, sách khoa học, sách kĩ thuật, sách ngoại ngữ, sách văn học,… biết tự học để vũ trang cho mình những kiến thức hiện đại, đem tài năng phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh.
Hãy phấn đấu cho mục tiêu mỗi học sinh có một ngăn sách, mỗi gia đình có một tủ sách, đúng như Nguyễn Trãi đã nói: “Gia hữu cầm thư nhi bối lạc” (Trong nhà có đàn sách thì con cái vui). Đọc sách phải trở thành niềm vui sáng tạo. Tuổi trẻ chúng ta, ai cũng biết học trong sách, dành mỗi ngày một hai giờ đọc sách. Hơn bao giờ hết, chúng ta càng thấy rõ câu nói của Go-rơ-ki là một lời khuyên đẹp: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”.
Bài mẫu 3: Suy nghĩ về câu nói của M. Go-rơ-ki “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”
Dàn ý
1. Mở bài:
- Sách từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành của con người trên con đường chinh phục tri thức.
- Nhận thức rõ về vai trò và tầm quan trọng của sách, M. Gorki cho rằng: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống.
2. Thân bài:
Giải thích:
- Sách gắn liền với quá trình văn minh phát triển của loài người
=> M. Gorki mới khuyên khuyên chúng ta nên yêu quý và trân trọng sách. Đó chính là trân trọng những thành tựu, kiến thức mà người xưa đã cố công tích lũy và để lại, nhờ có nó, chúng ta mới có thể tồn tại và phát triển như ngày hôm nay.
Bàn luận:
- Sách là nơi lưu trữ biển kiến thức mênh mông của nhân loại.
- Sách cũng dẫn ta đi chu du khắp mọi nơi trên thế giới, tìm hiểu về địa lí, truyền thống, văn hóa của các dân tộc.
- Sách cung cấp cho ta những hiểu biết về đời sống tự nhiên phong phú, những kĩ năng cần thiết trước khi bước vào đời.
- Những khi buồn bã, khổ đau hay bế tắc, tìm đến sách, những người bạn đáng tin cậy ấy sẽ cho chúng ta những lời khuyên quý giá, cổ vũ, động viên để ta tiếp tục tiến lên phía trước.
- Lê Quý Đôn từng nói: “Mỗi quyển sách là một hũ vàng”.
- Victor Huygo thì cho rằng: “Chính từ sách mà những người khôn ngoan tìm được sự an ủi khỏi những rắc rối của cuộc đời”.
=> Con đường dẫn tới thành công đòi hỏi nhiều yếu tố, và một trong số đó, không thể không kể đến việc đọc sách.
Bài học rút ra:
- Đọc sách là để lấy kiến thức, lấp đầy những chỗ trống của bản thân, hoàn thiện chính mình.
- Cần phải yêu quý, trân trọng những cuốn sách, nuôi dưỡng cho mình niềm đam mê đọc sách.
- Bên cạnh đó, giống như chọn bạn mà chơi, ta phải biết chọn sách mà đọc.
- Ta cũng nên phê phán những người không biết coi trọng sách vở hay đọc sách chỉ như một vật trang bày, để tỏ ra là mình hay chữ.
3. Kết bài: “Sách không chỉ là sách, chúng là cuộc sống, là trái tim và hạt nhân của những thời đại đã qua, là lý do mà con người lao động và chết, là cốt lõi và tinh hoa của bao cuộc đời”. Sách chính là ngọn đèn soi sáng cho ta đi đến văn minh nhân loại.
Bài viết
Sách từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành của con người trên con đường chinh phục tri thức. Sách mở ra trước ta những chân trời mới, là chìa khóa giúp ta đi đến thành công. Nhận thức rõ về vai trò và tầm quan trọng của sách, M. Gorki cho rằng: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống.
Sách gắn liền với quá trình văn minh phát triển của loài người. Từ tiền thân thô sơ, mộc mạc đầu tiên là chữ được khắc trên thẻ tre, mai rùa, sách dần trở thành kho tàng khổng lồ- nơi lưu giữ vốn tri thức, kinh nghiệm phong phú của nhân loại. Chính vì thế, M. Gorki mới khuyên chúng ta nên yêu quý và trân trọng sách. Đó chính là trân trọng những thành tựu, kiến thức mà người xưa đã cố công tích lũy và để lại, nhờ có nó, chúng ta mới có thể tồn tại và phát triển như ngày hôm nay.
Lời khuyên của M. Gorki vô cùng đúng đắn dù trong bất kì thời đại nào. Sách là nơi lưu trữ biển kiến thức mênh mông của nhân loại. Nhờ có sách, ta biết được những việc xảy ra trong quá khứ, về lịch sử hào hùng của dân tộc. Sách cũng dẫn ta đi chu du khắp mọi nơi trên thế giới, tìm hiểu về địa lí, truyền thống, văn hóa của các dân tộc. Sách cung cấp cho ta những hiểu biết về đời sống tự nhiên phong phú, những kĩ năng cần thiết trước khi bước vào đời. Những kiến thức ấy luôn cần trong bất cứ hoàn cảnh nào để ta có thể giải quyết mọi khó khăn, vấn đề trong cuộc sống, đủ tự tin, vững vàng trước mọi phong ba bão táp của cuộc đời. Thế mới thấy, kiến thức chính là “con đường sống”, mà mọi tri thức thì đều được tích trữ trong sách từ đời này sang đời khác. Sách không chỉ là một người thầy mà còn là một người bạn. Những khi buồn bã, khổ đau hay bế tắc, tìm đến sách, những người bạn đáng tin cậy ấy sẽ cho chúng ta những lời khuyên quý giá, cổ vũ, động viên để ta tiếp tục tiến lên phía trước. Chẳng phải vì thế mà từ cổ chí kim, các bậc học giả, hiền triết, các nhà vĩ nhân đều khuyên chúng ta nên đọc sách đó hay sao. Lê Quý Đôn từng nói: “Mỗi quyển sách là một hũ vàng”. Victor Huygo thì cho rằng: “Chính từ sách mà những người khôn ngoan tìm được sự an ủi khỏi những rắc rối của cuộc đời”. Con đường dẫn tới thành công đòi hỏi nhiều yếu tố, và một trong số đó, không thể không kể đến việc đọc sách.
Từ lời khuyên của M. Gorki, chúng ta cần phải có nhận thức cụ thể, rõ ràng về việc đọc sách. Đọc sách là để lấy kiến thức, lấp đầy những chỗ trống của bản thân, hoàn thiện chính mình. Vì vậy, chúng ta phải yêu quý, trân trọng những cuốn sách, nuôi dưỡng cho mình niềm đam mê đọc sách. Bên cạnh đó, giống như chọn bạn mà chơi, ta phải biết chọn sách mà đọc. Không phải cuốn sách nào cũng đáng để ta học hỏi và quý trọng. Đó là những cuốn sách chứa nội dung không lành mạnh, làm suy thoái đạo đức, héo mòn tâm hồn, khiến ta có nhận thức lệch lạc, bị tiêm nhiễm những thói xấu xa và lòng đố kị. Ta cũng nên phê phán những người không biết coi trọng sách vở hay đọc sách chỉ như một vật trang bày, để tỏ ra là mình hay chữ.
“Sách không chỉ là sách, chúng là cuộc sống, là trái tim và hạt nhân của những thời đại đã qua, là lý do mà con người lao động và chết, là cốt lõi và tinh hoa của bao cuộc đời”. Sách chính là ngọn đèn soi sáng cho ta đi đến văn minh nhân loại. Nhờ có sách, cuộc sống của chúng ta mới thêm phong phú và giàu ý nghĩa.