Cách làm bài văn tự sự kết hợp yếu tố miêu tả và biểu cảm
Cốt truyện chính là trình tự sắp xếp các sự việc, là yếu tố đầu tiên của văn tự sự. Có thể coi đây là một trong những nét đặc trưng để phân biệt giữa văn tự sự với phương thức biểu đạt khác.Tùy mức độ dài ngắn của tác phẩm mà cốt truyện có thể phức tạp hoặc đơn giản, ít tình tiết hoặc nhiều tình tiết. Dù ở mức độ nào, cốt truyện của văn tự sự cũng phải đảm bảo gồm một chuỗi sự việc nối tiếp nhau trong một thời gian và không gian cụ thể, có nguyên nhân, diễn biến, mở đầu và kết thúc.
Sự việc trong văn tự sự cần phải được trình bày một cách cụ thể: Sự việc xảy ra trong thời gian, địa điểm cụ thể; do nhân vật cụ thể thực hiện, có nguyên nhân, diễn biến, kết quả,… Sự việc trong văn tự sự được sắp xếp theo một trật tự, diễn biến sao cho thể hiện được tư tưởng mà người kể.
Nhân vật trong văn tự sự là người thực hiện các sự việc và là đối tượng được thể hiện trong văn bản. Nhân vật nên được miêu tả với chân dung cụ thể, có tên tuổi, vóc dáng, trang phục, diện mạo, tính tình.Nhân vật cần lấy từ những nguyên mẫu ngoài đời. Người kể có thể kể chuyện theo ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba, cũng có thể kết hợp cả hai ngôi kể trên. Cách viết lời kể, lời thoại cần phải biết cân nhắc, chọn lọc. Lời kể phải hết sức linh hoạt và phải phù hợp với ngôi kể.
Mỗi dạng bài kể chuyện có yêu cầu rất khác nhau nên học sinh phải nắm chắc cách làm bài của mỗi dạng văn để viết cho đúng.
Với dạng kể chuyện dân gian: Yêu cầu cốt truyện không thay đổi. Chú ý phần sáng tạo trong Mở bài và Kết luận. Diễn đạt sự việc bằng lời văn của cá nhân sao cho trong sáng.
Với dạng kể về người: Chú ý tránh nhầm sang văn tả người bằng cách kể về công việc, những hành động, sự việc mà người đó đã làm như thế nào. Giới thiệu về hình dáng, tính cách thể hiện đan xen trong lời kể việc, tránh sa đà vào miêu tả nhân vật đó.
Với dạng kể về sự việc đời thường: Biết hình dung trình tự sự việc cho xác thực, phù hợp với thực tế. Sắp xếp sự việc theo thứ tự nhằm nổi bật ý nghĩa câu chuyện. Lựa chọn ngôi kể cho đúng yêu cầu của bài văn.
Với dạng kể một câu chuyện tưởng tượng: Thay đổi hay thêm phần kết của một câu chuyện dân gian. Hoặc hình dung gặp gỡ các nhân vật trong truyện cổ dân gian, tưởng tượng gặp gỡ những người thân trong giấc mơ…
Bài văn tự sự cũng được làm theo quy trình chung gồm 5 bước: Tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý, viết bài và sửa bài. Muốn viết được bài văn tự sự thành công thì phải tìm hiểu đề và tìm được các ý cho bài viết đó. Sau khi tìm được ý, phải chọn ngôi kể và giọng kể cho phù hợp. Tiếp theo là lập dàn ý theo bố cục ba phần (mở bài, thân bài, kết bài) và viết bài. Trong khi viết có thể bổ sung, thêm bớt ý cho dàn bài hoàn chỉnh. Bước cuối cùng là sửa lại bài viết, nhất là sửa các lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp.
Văn tự sự sẽ khô khan nếu chỉ thuần lời kể nên thường được thêm vào các phương thức biểu đạt khác như miêu tả, biểu cảm. Yếu tố miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự có điểm giống nhau là: dùng để miêu tả hay biểu đạt tình cảm, cảm xúc của người viết. Tính hiệu quả trong việc sử dụng văn biểu cảm và văn miêu tả trong văn bản tự sự được thể hiện qua sự hấp dẫn của những từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, màu sắc có giá trị gợi tả, gợi cảm cao với người đọc, người nghe.
Kĩ năng và các hoạt động hỗ trợ làm bài là một khâu rất quan trọng, quyết định sự thành công của người viết. Trước tiên các em cần rèn kĩ năng kể chuyện hàng ngày trong cuộc sống hàng ngày như kể chuyện cho bạn bè, cho ông bà bố mẹ, người thân trong gia đình về những sự việc mà mình chứng kiến trong đời sống. Sau đó, luyện tập viết các dạng đề mỗi ngày. Điều này không chỉ ôn luyện kiến thức đã học mà còn rèn luyện kỹ năng viết ngày một tốt hơn. Bên cạnh đó các em cần chăm đọc truyện, tìm tòi những câu chuyện hay ý nghĩa để đọc. Đây là một bước không thể thiếu khi học sinh muốn viết một bài văn tự sự hay. Là cách để học tập được cách kể chuyện từ cốt truyện, cách sắp xếp tình huống, hay lời thoại giữa các nhân vật từ các câu chuyện đó. Sau đây là những điều học sinh cần quan tâm, lưu ý khi làm bài:
Quan tâm và tìm hiểu cuộc sống con người và bản thân mình
Khi chúng ta quan sát và tìm hiểu kĩ về cuộc sống của con người xung quanh, cũng như bản thân mình thì việc miêu tả và bộc lộ cảm xúc sẽ thành công hơn và bài văn sẽ mang tính thực tế và có hồn hơn rất nhiều.
Chú ý quan sát, liên tưởng tưởng tượng
Sự liên tưởng và tưởng tượng sẽ giúp cho bài văn tự sự trở nên hấp dẫn và có giá trị nghệ thuật cao. Ví dụ khi nhắc đến mùa thu các em có thể liên tưởng đến những chiếc lá rụng vàng. Với những thứ chúng ta chưa từng được gặp thì tưởng tượng sẽ giúp tạo ra trong tâm trí hình ảnh của cái không hề có ở trước mắt, hoặc chưa hề gặp.
Xem xét các yếu tố có phục vụ đắc lực cho mục đích tự sự hay không để đánh giá hiệu quả
Điều này sẽ giúp đánh giá xem phương pháp biểu cảm và miêu tả có giúp cho bài văn tự sự toát lên được toàn bộ nội dung và sức truyền cảm hay không.
Hiểu được phương pháp đối với từng bài
Với mỗi phương pháp miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự, các em học sinh nên hiểu được phương pháp làm của từng dạng để khi làm bài các em sẽ không bị luống cuống và sai trọng tâm. Khi đề bài yêu cầu phân tích yếu tố miêu tả và biểu cảm thì trước tiên các em cần làm theo các bước lần lượt:
– Đọc kĩ lại toàn bộ văn bản để nắm được nội dung
– Tóm tắt những sự việc chính của câu chuyện
– Nhận xét về tác dụng của miêu tả và biểu cảm trong việc khắc họa chân dung nhân vật, khung cảnh, bộc lộ thái độ tình cảm của tác giả, của nhân vật.
Văn tự sự rất gần gũi với chúng ta bởi lẽ nó mang hơi thở của cuộc sống vào trong chiều sâu của câu chuyện. Không khó để viết được một bài văn tự sự hay, hấp dẫn, chỉ cần có sự nỗ lực say mê, chăm chỉ rèn luyện với những phương pháp cơ bản trên đây thì các em sẽ được điểm cao trong môn Ngữ Văn.
Học sinh lớp 8A2, THCS Hoàng Văn Thụ trong giờ học Ngữ văn
Giáo viên: Hà Thị Bộ