Bài văn mẫu phân tích nhân vật người vợ nhặt trong tác phẩm cùng tên
Dưới đây là tài liệu mẫu phân tích nhân vật người vợ nhặt trong chương trình Ngữ văn 12. Các bạn có thể tham khảo để vận dụng vào bài làm văn của mình một cách sáng tạo và khoa học. Để có thể đạt điểm cao và ấn tượng nhất nhé!
Mở bài
Trước khi phân tích nhân vật người vợ nhặt, chúng ta cùng giới thiệu khái quát qua về nhà văn Kim Lân. Tác giả sinh năm 1920 và mất năm 2007. Ông tên thật là Nguyễn Văn Tài. Ông sinh ra Phù Lưu, Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Thủa thiếu thời, gia đình ông rất khó khăn nên ông chỉ được đi học hết Tiểu học rồi đi làm mưu sinh.
Từ năm 1941, nhà văn Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn. Những tác phẩm đầu tiên được đăng trên các báo như Trung Bắc Chủ nhật và Tiểu Thuyết thứ Bảy. Trước Cách mạng tháng 8, những sáng tác của ông xoay quanh cuộc sống ở miền nông thôn Việt Nam, cùng cuộc sống lam lũ của họ thời kỳ đó. Đặc biệt, những tác phẩm gắn bó với tên tuổi của ông như “Làng”, “Vợ nhặt”.
Sau Cách mạng tháng Tám, nhà văn Kim Lân tiếp tục viết văn và làm báo. Lúc này, ông vẫn viết về truyện ngắn về chủ đề làng quê Việt Nam, một thế mạnh của ông. Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn được biết đến lúc này như “Nên vợ nên chồng” (1955) hay tập truyện ngắn “Con chó xấu xí” (1962).
Đặc biệt, ngoài sáng tác truyện ngắn, tác giả Kim Lân còn tham gia đóng kịch và đóng phim. Khán giả nhớ đến ông qua một số vai diễn ấn tượng như lão Hạc trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, cụ lang Tâm trong phim “Hà Nội 12 ngày đêm”, Lý Cựu trong phim “Chị Dậu”…
Tác phẩm Vợ nhặt là một trong số những truyện ngắn thể hiện phong cách sáng tác độc đáo của tác giả Kim Lân. Nội dung câu chuyện xoay quanh nhân vật Tràng, bà cụ Tứ và người vợ nhặt. Trong đó, hình tượng người vợ nhặt chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng lại đóng vai trò khá quan trọng để làm nên thành công của tác phẩm này.
Phần chi tiết thân bài
Luận điểm 1: Lai lịch của người vợ nhặt
Qua giới thiệu của nhà văn Kim Lân, độc giả có thể thấy người vợ nhặt xuất hiện trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Đó là vào nạn đói năm 1945. Lịch sử ghi lại thì đây là nạn đói lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, khiến hơn 2 triệu người dân bị chế. Bởi thế, lai lịch người vợ nhặt không rõ ràng. Không có gia đình, cũng chẳng có quê hương. Tình cảnh của người phụ nữ này cũng giống như những người dân khác thời đó, phải đi tha phương cầu thực. Người ta chỉ biết “Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa”. Không ai biết thị ta từ đâu tới, và đến tận cả tên cũng không có nốt. Người ta chỉ tạm gọi cho người phụ nữ đấy là “vợ nhặt”. Qua cách gọi này có thể thấy, số phận bèo bọt, rẻ rúng của con người trong cảnh nghèo đói. Thường muốn có vợ, chàng trải phải thông qua rất nhiều thủ tục cưới xin, phải mất rất nhiều tiền của. Thế nhưng đây chỉ, nhân vật Tràng chỉ cần ra đường “nhặt” về là đã có ngay một người vợ bằng xương bằng thịt.
Luận điểm 2: Phân tích chân dung người vợ nhặt
Phân tích nhân vật người vợ nhặt, độc giả có thể thấy tác giả Kim Lân miêu tả ngoại hình của người vợ thật rách rưới và nghèo khổ đến cùng cực, đến không thể nghèo được hơn nữa: “Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”.
Hình ảnh người vợ nhặt hiện ra thật hồn nhiên trong lần thứ nhất khi nghe câu hò vui của Tràng. Lúc đó, thị chẳng nghĩ ngợi gì liền lon ton, vui vẻ chạy ra giúp Tràng đẩy xe bò, rồi lại liếc mắt, cười tít với Tràng. Đó chính là sự vô tư, hồn nhiên vốn có của những người lao động nghèo.
Đến lần thứ hai, thị hiện ra với những nét vẽ rõ rệt hơn. Đó là khi được Tràng mời ăn trâu để trả ơn, thị liền sưng sỉa, thẳng thừng mắng Tràng. Thị muốn có được thứ giá trị hơn. Thế nên khi được Tràng mời ăn bánh đúc, thị không ngần ngại mà ngay lập tực mắt sáng lên, ngồi sà xuống “ăn một chặp bốn bát bánh đúc”. Thông thường, người phụ nữ sẽ nhã nhặn, từ tốn trong ăn uống. Nhưng dường như lúc này cái đói đã che mờ mắt của thị, khiến thị chẳng thiết tha gì việc giữ gìn ý tứ. Thị cứ ăn thỏa mãn cái dạ dày của mình cái đã.
Nhất là khi nghe Tràng nói đùa “đằng ấy có về với tớ cùng về”, thì người vợ nhặt đã vội vàng theo về thật mà không ngần ngại. Điều này càng nhấn mạnh đến cái đói cái khổ đến cùng cực của người dân lúc bấy giờ. Vì hoàn cảnh không thể làm khác được nên thị đành theo Tràng về như một cơ hội để bám víu lấy sự sống dù mong manh. Quả thực, qua lai lịch, qua chân dung của người vợ nhặt, độc giả thấy rõ hơn cái đói nghèo khổ cực không chỉ làm biến dạng về ngoại hình của con người, mà còn cả nhân cách. Mặc dù thấy chua xót với cách hành xử hơi thô tục, hơi mất giá của người vợ nhặt nhưng đọc giả vẫn rất cảm thông sâu sắc với thị bởi hoàn cảnh đã cùng quẫn đã xô đẩy. “Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật. Mới đầu anh chàng cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”.
Luận điểm 3: Phẩm chất của người vợ nhặt
Phân tích nhân vật người vợ nhặt, độc giả thấy thị là một phụ nữ có khát vọng sống mãnh liệt. Qua việc quyết định theo Tràng về làm vợ dù không biết Tràng là ai, hoàn cảnh ra sao. Thị chấp nhận làm vợ mà không cần phải có lễ vật, hay một cuộc đưa rước. Bởi thị hy vọng rằng, việc được làm vợ ai đó lúc này có nghĩa là thị không bị đói, không phải sống cảnh lang thang nay đây mai đó, đầu đường xó chợ. Khi về tớ nhà Tràng, thấy được hoàn cảnh nghèo khổ của Tràng, mặc dù thị phải “nén tiếng thở dài”, dấu sự thất vọng nhưng thị vẫn cố gắng chịu đựng để có cơ hội sống sót.
Qua miêu tả của nhà văn Kim Lân, độc giả có thể thấy thị dù là một người phụ nữ thô vụng, rách rưới nhưng lại hết sức nết na và ý tứ. Trên đường về nhà Tràng, thị cũng e thẹn, rón rén, che nón, đầu hơi cúi xuống đi theo sau Tràng. Lúc này, thị cũng cảm thấy ngại ngùng, tủi hổ cho thân phận vợ nhặt của mình. “Người đàn bà đi sau hắn chừng ba bốn bước. Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn”.
Lúc vừa về đến nhà, mặc dù Tràng đon đả mời thị ngồi nhưng người vợ nhặt giữ phép tắc, ý tứ, chỉ dám ngồi mớm ở mép giường. Thị không suồng sã, vồ vập như lúc ở chợ, mà hai tay ôm khư khư cái thúng, bộc lộ hiểu biết rằng mình vẫn chưa được chính thức là gì trong cái gia đình ấy. Rồi khi gặp mẹ chồng, là mẹ Tràng thì thị không chỉ lí nhí cúi đầu chào hỏi mà còn thể hiện sự ngượng ngịu, lúng túng. “Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt”. “Người đàn bà khẽ nhúc nhích, thị vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ”. “Hắn toan quay lại bảo thị cởi áo đi nằm, nhưng thấy thị ngồi bần thần dưới chân giường tự nhiên hắn lại không dám. Hắn lẳng lặng ngồi xuống cái ghế bên cạnh, cả hai cùng sượng sùng chả biết nói gì”.
Đặc biệt, vẻ đẹp trong nhân phẩm của người vợ nhặt được khắc họa rõ nét vào sáng hôm sau. Khi thị dậy sớm, dọn dẹp, quét tước nhà cửa. Thị không còn cái vẻ “chao chát, chỏng lỏn” mà thực sự đã trở thành một người vợ đảm đang, hiền hậu, đúng mực, biết sống có trước có sau, sống có trách nhiệm với gia đình. “Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung hoành ngay lối đi đã hót sạch…. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất”.
Không những thế, lúc ăn cháo cám, mới nhìn vào bát cháo lỏng bỏng nước, “mắt Thị tối lại”. Nhưng rồi thị điềm nhiên, không ngần ngại cho vào miệng. Điều này cho thấy, thị rất biết điều. Thị hiểu nếu mình bộc lộ sự khó chịu, mẹ chồng sẽ buồn. Vì thế, rất đắng và chát trong miệng nhưng thị vẫn ăn một cách ngon lành, để làm cho không khí gia đình vui vẻ, không khó chịu, buồn khổ.
Không những thế, thị còn là một con người có khát vọng sống và có niềm tin vào tương lai. Thị hồ hởi kể chuyện Việt Minh đi phá kho thóc trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang để giúp người dân. Điều này dường như đã thắp lên ngọn lửa hy vọng cho cả gia đình, đặc biệt là cho Tràng.
Qua đây, tác giả Kim Lân dường như muốn gửi gắm thông điệp rằng, cái đói, cái nghèo có thể lấy đi phẩm giá của con người trong một phút giây nào đó nhưng mãi mãi không thể cướp đi tâm hồn tử tế của con người.
Phần kết bài
Ở phần kết bài phân tích nhân vật người vợ nhặt, chúng ta lần nữa khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật. Có thể thấy, thông qua nhân vật người vợ nhặt, tác giả đã gửi gắm những thông điệp về giá trị hiện thực và nhân văn sâu sắc. Người đọc không chỉ cảm thông cho số phận thương tâm, rẻ mạt của người lao động trong nạn đói, thấy được khát vọng sống của họ mà còn lên án và tố cáo sự tàn bạo khốc liệt của chế độ phát xít, thực dân. Với tình huống truyện độc đáo cùng cách xây dựng hình tượng nhân vật ấn tượng, nhà văn Kim Lân đã tạo nên sự thanh công vang dội của tác phẩm một cách tự nhiên và giản dị.