Giáo dục

Để hiểu biết hơn vai trò của người thi sĩ

“Thơ là thơ, nhưng đồng thời là hoạ, là nhạc, làm chạm khắc theo một cách riêng” (Sóng Hổng)

Nhà văn Anatole France từng nói: “Đọc một câu thơ nghĩa là ta gặp gỡ tâm hồn một con người”. Thơ ca là điệu hồn của cảm xúc, là tiếng nói của tâm hồn. Thơ ca luôn nồng nàn, ấm áp hơi thở và mang dấu ấn của người nghệ sĩ. Với Sóng Hồng thì: “Thơ là thơ, nhưng đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”. Hiểu và suy ngẫm, ta thấy ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn.

Ai cũng biết, thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ và tác phẩm thơ chính là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ. Sóng Hồng viết “thơ là thơ…” là muốn nói đến hình thức của thơ ca. Đó là một hình thức cấu tạo ngôn ngữ đặc biệt, làm nên vẻ đẹp nhịp nhàng, trầm bổng, luyến láy của thơ. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng nhận xét: “Thơ không cần nhiều từ ngữ, nó chỉ cần cảm nhận và truyền đi một chút linh hồn của cảnh vật thông qua linh hồn thi sĩ” thì Sóng Hồng lại viết: “.. thơ đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng” chính là nói tới sức gợi và cái tài của thơ. Nếu như giai điệu, âm thanh là chất liệu của âm nhạc; màu sắc, đường nét là chất liệu của hội hoạ thì thơ ca bao gồm tất cả điều này. Và ngoài ra còn là sự sáng tạo “theo một cách riêng”, làm nên những “vân chữ’ khác lạ, tạo nên cái “độc” trong thơ, tạo nên sức gợi cảm, sự rung động, lôi kéo sự đồng cảm của hàng triệu trái tim hàng triệu tâm hồn…

Nếu như một tác phẩm truyện cần đến nhân vật, tình huống truyện… thì một tác phẩm thơ lại cần đến cách gieo vần, hình ảnh, nhịp điệu… Phải chăng chính điều đó đã khiến Sóng Hồng phải thốt lên: “thơ là thơ”, bởi thơ ấy là “gốc ở tình, ngọn ở lời, hoa ở âm thanh, quả ý nghĩa” (Bạch Cư Dị)

Có ai đó đã nói răng: “Niềm vui của nhà thơ chân chính là được làm người vẽ đường đến xứ sở của cái đẹp”. Hay nói cách khác, tác phẩm thơ còn vẽ nên những hình ảnh mà nhà thơ muốn phản ánh. Trong bài thơ Câu cá mùa thu, tác giả Nguyễn Khuyến đã thăng hoa đến tuyệt mĩ để viết nên những câu thơ giàu chất hoạ. Ngôn ngữ nhà thơ sử dụng không cầu kì, trau chuốt nhưng lại gợi cảm đến không ngờ.

Suy cho cùng, lời nhận xét cua Sóng Hồng chính là tiêu chí để đánh giá một nhà thơ thực thụ, một nhà thơ chân chính. Mỗi tác phẩm là đứa con tinh thần của họ nên phải có sự khám phá riêng, độc đáo từ nội dung, tư tưởng đến hình thức. Một bài thơ hay là bài thơ có thơ trong nghệ thuật, có hội hoạ và âm nhạc trong thơ và có sáng tạo riêng biệt. Bốn yếu tố đó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nếu thiếu một yếu tố nào đó, tác phẩm không thể hoàn hảo được.

Tóm lại, thơ ca là môn nghệ thuật mà nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải vẽ, phải tạo nhạc và phải sáng tạo cái riêng. Làm được thế, tác phẩm thơ có giá trị sẽ để lại dấu ấn riêng, đậm nét trong lòng người đọc theo thời gian..

Back to top button