Theo quan niệm Nho giáo, cùng với “tam tòng” (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) thì “tứ đức” (công – dung – ngôn – hạnh) chính là những thước đo cơ bản để đánh giá một người phụ nữ, đồng thời cũng là yếu tố để mỗi phụ nữ rèn luyện nhằm hoàn thiện bản thân.
Công dung ngôn hạnh là 4 chuẩn mực đạo đức cơ bản của người phụ nữ trong thời phong kiến và nó cũng chính là khuôn mẫu để người phụ nữ hoàn thiện, vẹn toàn trong xã hội.
Ở mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác nhau, khái niệm về công dung ngôn hạnh có thể bị thay đổi ít nhiều. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu cơ bản theo nghĩa như sau:
Công: Được hiểu là nữ công gia chánh, tức là một người phụ nữ biết nội trợ, biết may vá thêu thùa và chăm sóc, nuôi dạy con cái.
Dung: Được hiểu là dung nhan, tức là người phụ nữ đẹp cả bên trong (tâm hồn) lẫn bên ngoài (dung mạo). Và với người phụ nữ xưa, chuẩn mực của cái đẹp chính là sự dịu dàng, nết na, thùy mị, đảm đang.
Ngôn: Được hiểu là lời ăn tiếng nói, tức là lời nói nhỏ nhẹ, nhã nhặn, kín đáo… kết hợp với cử chỉ phù hợp, thể hiện được thanh lịch, đoan trang, thông minh, khôn khéo của người phụ nữ.
Hạnh: Được hiểu là đức hạnh, tức là một người có đạo đức, lòng nhân hậu, sự hiếu thảo, tình yêu thương, lòng chung thủy… Một người phụ nữ cần phải biết giữ gìn phẩm hạnh bản thân, yêu thương gia đình, kính trọng ông bà cha mẹ…
2. Công dung ngôn hạnh nghĩa là gì trong xã hội xưa?
Trong xã hội xưa, công dung ngôn hạnh như một chuẩn mực đạo đức để mọi phụ nữ hướng tới, giúp hoàn thiện bản thân để trở thành một người có vẻ đẹp bên ngoài lẫn các phẩm chất cao quý bên trong.
Thời ấy, một người phụ nữ “công dung ngôn hạnh” không chỉ biết “đảm việc nhà” mà còn có thể “giỏi việc nước”. Là người phụ nữ đảm đang, tháo vát, biết quán xuyến mọi công việc trong gia đình, nhưng khi đất nước lâm nguy, vẫn sẵn sàng cần gươm, giáo, gậy gộc để chiến đấu với quân thù.
Phụ nữ Việt Nam bao đời nay vẫn luôn đóng góp sức mình vào những chiến công hiển hách của dân tộc. Những người phụ nữ anh hùng phải kể đến 2 người phụ nữ, đó là hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị). Tiếp sau đó là những “nữ kiệt” như Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định… Tất cả đều làm nên những mốc son chói lọi trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Như vậy, khi nói về công dung ngôn hạnh của người phụ nữ Việt xưa, khó có một ngòi bút nào có thể lột tả hết được. Tuy ở mỗi giai đoạn khác nhau, nét đẹp của người phụ nữ cũng sẽ được khắc họa riêng biệt, thế nhưng sự hy sinh thầm lặng là thời nào cũng có, nó như trở thành một phẩm chất truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Xem thêm: Ca dao dân ca và những giá trị nhân văn sâu sắc trong thể loại văn học dân gian Việt Nam
3. Công dung ngôn hạnh trong xã hội hiện đại
Chính vì mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau nên các tiêu chuẩn đặt ra để đánh giá một con người cũng không giống nhau. Do đó, công dung ngôn hạnh của phụ nữ thời xưa và thời nay đã có nhiều khác biệt.
Xã hội hiện đại, quan niệm “tam tòng tứ đức” không còn quá khắt khe như thời xưa. Nếu như người phụ nữ thời phong kiến phải ngoan ngoãn, sống theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” thì ngày nay, phụ nữ có quyền được lên tiếng, bày tỏ quan điểm, mong muốn của bản thân.
Phụ nữ ngày nay không chỉ giữ vai trò “giữ lửa” cho gia đình mà còn nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Chính vì thế, công dung ngôn hạnh thời nay không còn giữ nguyên nghĩa gốc, thay vào đó nó được mở rộng và phát triển theo nhiều khía cạnh khác nhau.
Đối với chữ “Công” trong thời đại ngày nay, những công việc trong gia đình người phụ nữ không còn phải vất vả như xưa bởi đã có sự giúp đỡ của các thiết bị công nghệ hiện đại. Đàn ông thời nay cũng đã biết san sẻ công việc nhà với vợ nên việc nhà của phụ nữ cũng nhẹ đi rất nhiều. Tuy vậy, việc chăm sóc con cái, bếp núc trong gia đình người phụ nữ vẫn nắm vai trò chủ chốt.
“Dung” trong xã hội hiện đại cũng được đề cao và quan tâm. Trong thời đại mới, phụ nữ được khuyến khích nên chau chuốt vẻ bề ngoài. Tuy nhiên, một số phụ nữ vì quá chú trọng đến việc chăm sóc ngoại hình mà quên mất rằng vẻ đẹp hình thức phải đi đôi với vẻ đẹp tâm hồn.
Còn về chữ “Ngôn” ở thời hiện đại cũng đã có sự khác biệt, bởi phụ nữ ngày nay hoàn toàn có thể tự làm chủ cuộc sống, có tiếng nói trong xã hội, vị thế cũng được nâng lên. Một người phụ nữ tự tin sẽ có cách thể hiện lời nói có phần đanh thép, dứt khoát. Trong một xã hội hiện đại, những người rụt rè, nhút nhát sẽ không được đánh giá cao.
Riêng với chữ “Hạnh” dường như thời nào nó cũng đóng vai trò quan trọng. Dù là phụ nữ xưa hay nay, chữ “Hạnh” vẫn là một đức tính cao đẹp cần phải có. Khi ra ngoài xã hội, người phụ nữ có thể là người quyền cao chức trọng, nhưng khi trở về nhà, họ vẫn là người vợ hiền, dâu thảo, chăm sóc con cái. Sự hi sinh vì gia đình dường như chưa bao giờ bị mất đi trong mỗi người phụ nữ Việt từ bao đời nay.
Xem thêm: Nhân văn – Một lối sống đẹp cần được gìn giữ và phát huy trong cuộc sống ngày nay
4. Những bài ca dao, thơ nói về công dung ngôn hạnh
Trong nền văn học Việt Nam, có rất nhiều những câu ca dao, bài thơ nói về công dung ngôn hạnh của người phụ nữ, điển hình có thể kể đến như:
1. Những người thắt đáy lưng ong, Vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con. Những người béo trục béo tròn, Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày. Những người mặt nạc đóm dày, Mo nang trôi sấp biết ngày nào khôn!
(Ca dao)
2. Vá may giữ nếp đàn bà Mũi Kim nhỏ nhặt mới là nữ công.
(Tác giả: Gia Huấn Cao)
3. Tuyệt mỹ trần ai một thứ đàn Muôn đời cực phẩm của dương gian Công, dung, ngôn, hạnh luôn gồm đủ Gấm, lụa, phấn, son khỏi luận bàn Êm ái, ngọt ngào khi giữ phận Dữ dằn, đáo để lúc sôi gan Kinh hồn tán đởm bầy diều quạ Sư tử Hà Đông, chúa đại ngàn!
(Đàn bà 2 – Tác giả: Trần Bảo Kim Thư)
4. Vợ tôi tính nết dịu hiền Nhưng không ủy mị than phiền vu vơ Vợ tôi không biết làm thơ Nhưng yêu cái đẹp, tôn thờ chân như Ghét gian trá, thích nhân từ Công dung ngôn hạnh dường như vẹn toàn.
(Vợ tôi – Tác giả: Trần Đức Phổ)
5. Em là người con gái Việt Nam Trung hậu đảm đang rất hay làm Thời chiến thì xông pha lửa đạn Thời bình trở lại em giỏi giang Đói nghèo nheo nhóc khổ mang theo Em vẫn vui cười như hoa nở Không oán than kiếp đời hồng nhan Bởi em là người phụ nữ Việt Nam Đức hạnh trong em mãi ngọt lành Ngày đêm chăm lo chồng con cái Nắng dải mưa dầu chẳng trách than Công dung ngôn hạnh em đủ cả Trả nghĩa ơn đời nào ai hay Vượt bao gian khổ đời xuôi ngược Chẳng quản thân đời khúc quanh co.
(Em là con gái Việt Nam – Tác giả: Bình Minh)
6.Giữ gìn truyền thống nếp ngàn xưa Công của chị em nói chẳng thừa Gánh vác việc nhà lo việc nước Thân cò đâu quản nắng hay mưa
Tiếng cồng xung trận vọng chiềng Nưa Đồng khởi Bến Tre đất xứ dừa Vương nữ oai hùng vang một thuở Để giờ kể chuyện vẫn say sưa
Ầu ơi giọng hát tiếng thoi đưa Hồn mẹ Âu Cơ trải rộng vừa Ấm máu tiên rồng nuôi dũng khí Trung trinh ngời sáng nếp ngàn xưa.
(Phụ nữ Việt Nam – Tác giả: Nguyễn Bằng)
Có thể nói, phụ nữ thời xưa và phụ nữ thời nay tuy có khác nhau về địa vị xã hội, nhưng “công dung ngôn hạnh” ở thời đại nào cũng đều có giá trị nhất định. Nếu thời xưa, vai trò người phụ nữ phần lớn chỉ gọn trong 2 chữ “gia đình”, thì ngày này đã được mở rộng ra bên ngoài xã hội. Tuy có thách thức, nhưng đó cũng là cơ hội để người phụ nữ khẳng định bản thân và đạt tới những giá trị tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
Sưu tầm Nguồn ảnh: Internet