Hỏi đáp

Vị tướng rừng xanh : Trận đánh La Ngà – Chiến công vang dội

Kỳ 1: Vị chỉ huy tài đức thống nhất lực lượng vũ trang kháng Pháp

Kỳ 2: Trận đánh La Ngà – Chiến công vang dội

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ là một trong những người có công đầu trong việc thành lập, củng cố, phát triển lực lượng kháng chiến nòng cốt của Chiến khu Đ. Ông từng giữ trọng trách về quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp, như: Chỉ huy trưởng Vệ quốc đoàn Biên Hòa, Chi đội trưởng Chi đội 10, Khu bộ trưởng Khu 7… Với vai trò người chỉ huy, ông vạch ra những phương án tác chiến xuất sắc, giành nhiều thắng lợi. Trong đó, trận La Ngà từng làm quân thù khiếp sợ. Vị tướng rừng xanh : Trận đánh La Ngà - Chiến công vang dộiÔng Huỳnh Văn Nghệ và Chính ủy Phan Trọng Tuệ tại Sở Chỉ huy Khu 7

Xây dựng lực lượng

Để xây dựng lực lượng nòng cốt cách mạng, năm 1945, một bộ phận 40 người và 30 súng trường do Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy trở về Tân Tịch, Đất Cuốc, huyện Tân Uyên dựa vào rừng quê hương làm căn cứ xây dựng lực lượng chống Pháp, gọi là bộ đội Huỳnh Văn Nghệ. Căn cứ Tân Uyên được ông bố trí phòng ngự vững chắc, vận động nuôi ăn cho đơn vị tỉnh và bộ đội các tỉnh bạn về đây theo lệnh của Khu trưởng Nguyễn Bình, bảo vệ Khu bộ, tiếp liệu cho các công binh xưởng của khu. Không bao lâu, Tân Uyên trở thành một trong những căn cứ vững mạnh nhất ở Nam bộ.

Về mặt quân sự, năm 1971, tướng Xa-Lăng (Pháp) đã xuất bản cuốn hồi ký của mình. Trong đó, khi nhắc tới trận La Ngà, ông đã phải cất lời khen: “Đây là một trận đánh tuyệt diệu cả về tổ chức, chỉ huy và nắm thời cơ nổ súng, là trận đánh bất hạnh đối với quân viễn chinh Pháp”.

Đầu năm 1946, với lực lượng quân sự còn non trẻ, Huỳnh Văn Nghệ tổ chức “trận phản công lớn nhất đầu tiên ở Nam bộ” vào chỉ huy sở của liên quân Anh – Ấn tại TX.Biên Hòa. Đến tháng 2-1946, ông trực tiếp chỉ huy mặt trận Tân Tịch – Lạc An, vừa chỉ đạo việc tiếp tế lương thực, đạn dược cho toàn mặt trận, gồm hơn 5.000 người đánh suốt 2 ngày đêm. Kết quả, lực lượng quân sự do Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy đã đánh lui thủy lục không quân địch, làm chúng không chiếm được Tân Uyên, phải bỏ lại rất nhiều xác chết và hai tàu chìm.

Theo tư liệu lịch sử, riêng 6 tháng đầu năm 1946, ông đã chỉ huy 8 trận tấn công lớn của địch vào Chiến khu Tân Uyên – Lạc An. Chiếc máy bay do tên quan năm Barrlier lái bị bắn rơi ở chiến khu là chiếc máy bay đầu tiên của giặc Pháp bị hạ ở chiến trường Nam bộ. Sau trận này, quân Pháp mới ngồi vào hội nghị bàn việc thi hành Hiệp định sơ bộ Pháp – Việt 6-3-1946 ở miền Nam. Tiếp đến là hàng loạt các trận đánh, như: Đồng Xoài, Trảng Táo, Bàu Cá… nơi nào Vệ quốc quân do Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy cũng đều thắng trận. Vị tướng rừng xanh : Trận đánh La Ngà - Chiến công vang dộiXác xe quân Pháp bị hỏng nặng trong trận La Ngà (ảnh tư liệu)

Rút kinh nghiệm từ các trận đánh trước, Ban Chỉ huy Chi đội 10 quyết định tổ chức trận đánh giao thông địch trên quốc lộ 20 (Sài Gòn đi Đà Lạt) đánh đoàn xe đưa cán bộ, sĩ quan cấp cao của thực dân dự Hội nghị Quân chính Đà Lạt cùng chính quyền bù nhìn Bảo Đại. Ông Huỳnh Hữu Phước (SN 1930), Đại tá quân đội nghỉ hưu, con nuôi ông Tám Nghệ, cho biết: “Thời điểm đánh trận, tôi đang đi học nên không trực tiếp tham gia. Tôi nghe ba Nghệ kể, từ tháng 1-1948, công tác chuẩn bị cho trận đánh giao thông trên quốc lộ 20 được triển khai, công tác vận động lương thực, trinh sát triển khai trước. Ngày 22-2-1948, công tác lương thực chuẩn bị xong, các kho dự trữ bảo đảm cho 1.000 quân ăn trong 7 – 10 ngày. Trinh sát chi đội nắm chắc quy luật các đoàn xe địch thường di chuyển trên quốc lộ 20. Địa điểm phục kích được chọn từ cầu La Ngà đến Định Quán (cây số 104 đến 113). Ban chỉ huy đã mở cuộc họp hạ quyết tâm. Trong cuộc họp, các anh em chỉ huy, cùng chiến sĩ một lòng đánh giặc, quyết thắng trận trở về”.

Ông Huỳnh Tư (SN 1929, Tân Mỹ, Tân Uyên), người trực tiếp tham gia trận La Ngà tại mặt trận A, cho biết: Trận đánh La Ngà, tuyến phục kích kéo dài 9km (cây số 104 đến 113) chia làm 3 trận địa: A – trận địa chặn đầu, C – trận địa khóa đuôi, B – trận địa ở giữa. Cách đánh là bí mật, bất ngờ, xung phong mãnh liệt, giải quyết nhanh trận địa, tích cực truy kích địch kết hợp kêu gọi đầu hàng. Trong quá trình chuẩn bị trận đánh, ông Nghệ được đề bạt làm Khu bộ phó Khu 7, nhưng vẫn kiêm Chi đội trưởng Chi đội 10 Biên Hòa. Đồng chí Nguyễn Văn Lung, Chi đội phó trực tiếp chỉ huy tổ chức trận đánh.

Đã đánh thì quyết thắng

Ông Huỳnh Tư còn nhớ như in ngày đánh trận: Ngày 26-2- 1948, đơn vị hành quân bí mật từ Chiến khu Đ về trận địa tây quốc lộ 20 cách căn cứ 80km. Ngày 29-2, toàn lực lượng chiếm lĩnh trận địa chiến đấu, Binh công xưởng chi đội bố trí địa lôi ở 3 trận địa A, B, C, bên trên ngụy trang bằng những đống phân voi. Trận phục kích giao thông được mang tên Dương Văn Dương để kỷ niệm 2 năm ngày mất của ông – nguyên là Khu bộ phó Khu 7. Lúc 15 giờ 2 phút, quả địa lôi ở mặt trận A nổ, chiếc xe bọc thép đi đầu bị phá hủy. Từ phía tây lộ 20, lực lượng ta xung phong ra đường tấn công địch quyết liệt. 15 giờ 27 phút, địa lôi trận địa C nổ, cả đoàn xe địch bị giam vào trong trận địa, chỉ còn lại hơn 10 chiếc hoảng sợ rút chạy ngược về hướng cầu La Ngà. Trên cả 3 mặt trận, Chi đội 10, liên quân 17 dũng mãnh xung phong. Lúc này, địch hoàn toàn bất ngờ, chống trả yếu ớt. Gần 1 tiếng đồng hồ, trận đánh kết thúc. Kết quả, ta phá hủy 59 xe quân sự của địch, diệt 150 binh lính hộ tống, 25 tên sĩ quan chỉ huy, hậu cần, tham mưu đi dự hội nghị quân chính, bắt sống trung úy Joeffrey chỉ huy đại đội hộ tống.

Theo ông Phước, sau trận đánh, nhiều lính pháp bị bắt nhưng với chính sách khoan hồng, ông Huỳnh Văn Nghệ đã tạo điều kiện cho họ về nước. Trước tinh thần nhân đạo cách mạng của bộ đội, nhiều sĩ quan, binh lính Pháp, nhận thức được tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược mà họ bị bắt buộc tiến hành. Không ít người sau này thoát ly theo Việt Minh kháng chiến và chống chiến tranh xâm lược của Pháp. Ngoài ra, sau chiến thắng La Ngà, nhiều thanh niên trong vùng tạm chiếm tình nguyện ra chiến khu, bà con vùng tạm chiến vận động nhau mua lương thực, thuốc men, chuyển ra ủng hộ kháng chiến. Có thể thấy, chiến thắng La Ngà là thắng lợi lớn diệt gọn đoàn xe quân sự địch, bắt sống tù binh, gây ảnh hưởng tốt, có tiếng vang trong nước và thế giới.

Sau trận La Ngà, từ ngày 27-3-1948, Chi đội 10 trở thành Trung đoàn 310, Huỳnh Văn Nghệ về nhận nhiệm vụ mới Phó Tư lệnh khu 7, rồi Tư lệnh Khu 7 (Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Biên Hòa). Sau đó, ông được cử làm Tỉnh đội trưởng Thủ Biên. Ông đã chỉ đạo một loạt trận đánh kết hợp bộ binh với đặc công, biệt động, góp phần to lớn trong việc triệt tiêu âm mưu lợi dụng tôn giáo, đạo giáo của thực dân để chống phá cách mạng. Tám Nghệ cũng là người chỉ đạo vạch kế hoạch phối hợp đánh diệt một số khu quân sự đầu tiên của Pháp ở miền Đông là Yếu khu quân sự Trảng Bom ngày 27-7-1951. Có thể thấy, cho đến ngày kết thúc kháng chiến, Huỳnh Văn Nghệ đã làm tròn nhiệm vụ người lính, người chỉ huy lực lượng vũ trang một cách xuất sắc.

Ngày 27-3-1948, trong cuộc hội nghị quân sự toàn khu, Bộ Tư lệnh Khu 7 đánh giá: “Đánh trận La Ngà, quân ta đạt yêu cầu đề ra, thắng cả về quân sự và chính trị. Thắng lợi về quân sự là lớn, nhưng thắng lợi về chính trị còn lớn hơn. Bằng những hành động thực tế của mình trong chiến đấu, trong việc chấp hành đúng đắn các chính sách dân vận, địch ngụy vận của Đảng và Nhà nước, chiến sĩ La Ngà đã làm cho nhân dân tin tưởng, quý mến, kẻ địch khiếp sợ và khâm phục. Trận La Ngà chứng tỏ bộ đội Khu 7 nói chung, bộ đội Biên Hòa nói riêng có bước trưởng thành về nhiều mặt”. Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam gửi điện khen cán bộ, chiến sĩ Chi đội 10, tặng thưởng đơn vị làm nên chiến thắng La Ngà Huân chương Quân công hạng II.

Kỳ 3: Những cuộc gặp mang tính lịch sử

• TỐ TÂM

Back to top button
Luck8 | Luck8