Chánh kiến
GN – Sau bốn mươi chín ngày đêm thiền định quán chiếu, Phật Thích Ca thành đạo dưới cội bồ-đề. Ngài bèn trở lại vườn Lộc Dã, nơi Ngài tu khổ hạnh cùng năm anh em Kiều Trần Như trước kia, giảng đạo cho họ nghe. Bài giảng đầu tiên đó nói về Tứ Thánh đế, khổ và cách diệt khổ.
Tám khổ đó đeo theo chúng ta như bóng với hình, từ lúc cất tiếng khóc chào đời đến khi xuôi tay nhắm mắt, tại sao chúng ta không thấy khổ? Nếu nói không thấy cũng không đúng. Bởi vì, tất cả mọi sự việc và biến cố đều có hai mặt, hiện tượng và bản chất. Tâm thức của chúng ta cũng có hai cách nhận định khác nhau, suy luận và trực giác. Suy luận thuộc lĩnh vực khoa học chính xác, cơ sở của nó là chia chẻ, tổng hợp, phân tích, so sánh, đo lường, kinh nghiệm và trừu tượng hóa. Trực giác thuộc lãnh vực tôn giáo tâm linh, cơ sở của nó là thiền định và quán chiếu phi giác quan. Cấu trúc của tám nhóm đó lại rất đa dạng và phức tạp, chúng ta lại nhìn nó bằng nhãn căn thô phù và nhận định bằng suy luận nên chúng ta chỉ thấy cái hiện tượng bên ngoài chứ không thấy được cái bản chất bên trong của chúng.
Từ lâu, chúng ta có thói quen dùng tư duy suy luận để nhận định, phán đoán, biện minh cho sự hiện hữu của chúng ta, của mọi sự việc và biến cố xảy ra chung quanh. Chúng ta thấy rằng được sanh làm người, được sống, được hưởng thụ mọi nhu cầu vật chất và tinh thần là ân huệ của tạo hóa, là sự tự hào và sung sướng hạnh phúc của chúng ta. Già, bệnh, chết là quy luật của tự nhiên không ai tránh khỏi. Còn chuyện mong cầu không được; xa lìa những người mình yêu, những gì mình thích; đối diện những người mình oán ghét, những gì mình không ưa và những hệ lụy do cái thân ngũ uẩn mang đến đều là nhất thời, ngoài ý muốn, sẽ bị thời gian xóa dần theo năm tháng.
Để có cuộc sống sung sướng hạnh phúc và thỏa mãn nhu cầu, chúng ta không thể ngồi “ôm cây đợi thỏ” hoặc “há miệng chờ sung” mà phải tranh đấu với thiên nhiên, vật lộn với cuộc sống. Phải chạy đua với thời gian, với mọi người trên con đường danh lợi như một vận động viên marathon. Cuộc sống càng cao, nhu cầu càng nhiều, ham muốn càng tăng, từ đó, chúng ta đặt ra nhiều mục tiêu, nguyện vọng và cả tham vọng rồi lao theo như mũi tên bật khỏi dây cung. Bất chấp năng lực của chúng ta có hạn, bất chấp hiểm nguy gian khổ và con đường danh lợi đầy dẫy hầm hố chông gai. Nếu thành công thì hân hoan sung sướng, thất bại thì đổ thừa cho số mạng hay “tại cái nghiệp của tôi nó thế”!
Đạo Phật gọi cái thấy đó là tương đối hay tục đế, gọi hành vi đó là vọng tưởng mê lầm. Đối với Phật giáo, tất cả mọi sự việc và biến cố đều là những dạng hình khác nhau của cái “thực tại cuối cùng” hay Chân như, biến dịch. Cho nên, khổ là thực tại cuối cùng của sinh-lão-bệnh-tử, cầu bất đắc, oán tắng hội, ái biệt ly và ngũ ấm xí thạnh. Chân như không phải đối tượng của tư duy suy luận, nó nằm ngoài phạm vi của giác quan, nằm ngoài sự phân tích, không thể chia chẻ, định nghĩa và dùng ngôn ngữ mô tả, chỉ bày được. Do đó, muốn thấy được thực tại “đúng như nó là”, chúng ta phải thiền định và quán chiếu, không dựa vào các giác quan, sự phân biệt, phân loại và trừu tượng hóa của tư duy suy luận. Nhà Phật gọi cái thấy đó là tuyệt đối hay Chân đế, sự thực chứng phi giác quan.
Có thấy mới có biết. Thiền sư Suzuki viết: “Thấy đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nhận thức luận Phật giáo, vì nó là cơ sở của biết. Không thể có biết nếu không có thấy, tất cả mọi cái biết đều phát xuất từ cái thấy. Thấy và biết như thế nằm chung trong giáo pháp của Phật. Triết lý Phật giáo cuối cùng cũng dạy ta thấy thực tại, đúng như nó là. Thấy chính là chứng ngộ”. Tuy nhiên, thấy ở đây chỉ có nghĩa ẩn dụ chứ không phải nghĩa thông thường. Nó là một dạng cảm nhận bao trùm cả nhận thức của mắt nhưng vượt lên trên nhận thức của mắt. Thí dụ, sau khi xem một động tác hài, nghe một câu chuyện tiếu lâm chúng ta bật cười liền mà không cần suy luận hay sự can thiệp của các giác quan.
Mỗi chúng ta đều có lục thức (thấy sắc, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, xúc chạm, nhận thức). Sau khi chào đời, nhãn thức phát triển khá sớm. Trẻ sơ sinh khoảng ba tháng tuổi đã biết phân biệt quen lạ. Thấy người quen nó vui cười, thấy người lạ nó mếu khóc. Trong cuộc sống, nhãn thức quan trọng hơn hết. Người mù bẩm sinh không thấy người và vật, không phân biệt thân sơ, không biết các vật hình dáng ra sao nên họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta sáng mắt mà cũng như người mù! Trước mắt có hai con đường, một là con đường bằng phẳng êm ái, hai là con đường lồi lõm chông gai. Nhưng, chúng ta lại không chọn con đường thứ nhất mà chọn con đường thứ hai. Khi bị vấp té, gai đâm, miệng luôn than khổ nhưng tâm vẫn không tỉnh ngộ, chân vẫn không từ bỏ mà vẫn tiếp tục bước đi. “Mỗi con đường chỉ là một lối đi và cũng không ảnh hưởng gì đến ai nếu phải từ bỏ nó, một khi trái tim buộc bạn phải làm như thế… Hãy quan sát mỗi con đường kỹ lưỡng và chính xác. Và hãy tự hỏi mình, chỉ chính mình thôi… đó là một con đường của trái tim? Nếu phải thì đó là một lối đi tốt đẹp; nếu không nó chỉ vô ích” (Carlos Castaneda). Tại sao chúng ta không từ bỏ được con đường chông gai và đi sang con đường bằng phẳng? Tại vì chúng ta không thấy được động lực nào thúc đẩy, lôi kéo chúng ta đi vào con đường đó nên không dứt ra được.
Chính vì vậy mà Phật Thích Ca đã chỉ cho chúng ta thấy nguyên nhân, nguồn gốc sinh ra khổ, khẳng định khổ có thể tiêu trừ và dạy chúng ta cách diệt khổ. Ngài dạy: “Này các Tỳ-kheo, đây chính là Tập khổ thánh đế. Chính là ái đưa đến hữu, tương ứng với hỷ và tham, tìm cầu hoan lạc chỗ nầy chỗ kia, chính là dục ái, sinh ái, vô sinh ái. Này các Tỳ-kheo, đây chính là Diệt khổ thánh đế. Chính là sự diệt tận, vô dục, từ bỏ, xả ly, giải thoát, tự tại đối với các ái. Này các Tỳ-kheo, đây chính là Đạo diệt khổ thánh đế, đưa đến diệt khổ, chính là con đường thánh tám ngành: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định” (kinh đã dẫn).
Qua lời Phật dạy, chúng ta thấy nguồn gốc của khổ là tham, dục, ái, hỷ, hữu. Chúng bám sâu gốc rễ vào mảnh đất tâm giống như cỏ dại mọc trên ruộng. Khổ là hoa trái của chúng. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, chúng ta chỉ cắt bỏ phần ngọn, không nhổ tận gốc rễ nên chúng cứ phát triển liên tục. Do đó, muốn tận diệt được khổ, trả lại sự trong sáng cho mảnh đất tâm, chúng ta phải tận diệt tham, dục, ái, hỷ, hữu như nhổ cỏ phải nhổ tận gốc rễ. Và, để làm được việc đó, chúng ta chỉ có một cách lựa chọn duy nhất, tốt nhất là thực hành tám thánh đạo.
Trong tám thánh đạo, chánh kiến đứng đầu, quan trọng nhất. Chánh kiến là gì? Chánh kiến là thấy chính xác, đúng đắn, chân thật, không suy diễn thêm bớt. Đức Phật giải thích: “Và này các Tỳ-kheo, thế nào là chánh tri kiến? Này các Tỳ-kheo, chính là trí về khổ, trí về khổ tập, trí về khổ diệt, trí về con đường đưa đến khổ diệt. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là chánh tri kiến” (kinh Tương ưng bộ). Sợ mọi người chưa hiểu thấu, Đức Phật còn đưa ra một ảnh dụ cụ thể trong lần thuyết pháp đầu tiên với năm anh em Kiều Trần Như: “Quý vị phải thấy rằng đời là một ngục tối, và con người là tù nhân trong cái ngục tối đó. Cái ngục này thật là tối. Tối đến nỗi các tù nhân khó có thể nhìn thấy gì. Tù nhân cũng không nhận thức được rằng mình đang ở trong tù… Nhưng xin chư vị Khất sĩ đây hiểu rằng tình cảnh của các tù nhân đó không đến nỗi tuyệt vọng như nó xem ra. Bởi vì trong người ta có cái gọi là ý chí. Khi có một động lực thích hợp dấy lên, ý chí có thể được đánh thức và khởi động.
Chỉ cần vừa đủ ánh sáng để nhận ra một phương hướng nào đó để định hướng cho sự hoạt động của ý chí, con người có thể dẫn dắt mình đến tự do… Và đấy là việc mà chánh kiến có thể làm được. Các tôn giả hỏi: Thế thành quả của Chánh kiến là gì? Phật đáp: Là sự giải trừ vô minh. Nó chống lại tà kiến. Và vô minh có nghĩa là không hiểu được các chân lý cao quý, nghĩa là không hiểu được sự hiện hữu của Khổ và cách diệt Khổ. Chánh kiến làm được điều đó” (Đức Phật và đạo pháp của Ngài của Bhimrao Ramji Ambedkar, Trịnh Bách dịch).
Chúng ta không những trở thành kẻ đui mù vì đã sống trong u minh tăm tối quá lâu mà còn không tin tưởng một ngày nào đó có thể sáng mắt ra. Chúng ta cũng bỏ quên, không phát huy trí tuệ, trong khi nó là công cụ độc nhất giúp chúng ta có được chánh kiến. Có thấy chính xác, đúng đắn, chân thật, không suy diễn thêm bớt mới nghĩ đúng, nói đúng, làm đúng… Ngoài việc diệt khổ, “Chánh kiến là bác bỏ sự tin tưởng vào hiệu năng của các nghi thức và việc cúng tế; là bác bỏ quyền lực thần thánh của kinh sách; là từ bỏ mê tín và dị đoan. Chánh kiến đòi hỏi tâm và trí phải cởi mở” (sđd). Tóm lại, có chánh kiến chúng ta mới biết gạn lọc, điều chỉnh, hạn chế, từ bỏ được vô minh, tham ái, mới thấy được Chân như “đúng như nó là”.