Tranh

Vai trò của cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hoá

Việc cạnh tranh trong nền kinh tế sẽ giúp cho các doanh nghiệp luôn có sự phát triển, tìm ra các chiến lược kinh doanh mới, sản phẩm kinh doanh phù hợp, áp dụng công nghệ và máy móc vào để tối ưu sản xuất. Vậy cạnh tranh có vai trò như thế nào trong sản xuất và lưu thông hàng hoá?

Cạnh tranh là gì?

Bất kỳ một doanh nghiệp nào tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh một loại hàng hoá nào đó trên thị trường đều phải chấp nhận cạnh tranh. Đây là một điều tất yếu và là đặc trưng cơ bản nhất của cơ chế thị trường.

Cạnh tranh là sức ganh đua, đấu tranh giữa các chủ thể kinh tế trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá nhằm dành những điều kiện thuận lợi để thu được nhiều lợi nhuận. Xét về ý những tác động tích cực thì cạnh tranh tạo nên động lực giúp cho doanh nghiệp phát triển, từ đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế.

Ngược lại nếu trong sản xuất, kinh doanh không có sự cạnh tranh thì các doanh nghiệp ngày càng ì ạch, không có sự đổi mới sáng tạo, bứt phá, đưa ra các chiến lược phù hợp cũng như các sản phẩm chất lượng.

Cạnh tranh chỉ tồn tại trong trường hợp có quyền tự do hành xử trên thị trường, tự chịu trách nhiệm tiến hành các cuộc cạnh tranh giành cơ hội phát triển trên thị trường.

Nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh

– Sự tồn tại nhiều chủ sở hữu với tư cách là những đơn vị kinh tế độc lập, tự do sản xuất, kinh doanh.

– Người sản xuất, kinh doanh có điều kiện sản xuất và lợi ích khác nhau.

– Cạnh tranh ra đời cùng quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Vai trò của cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hoá

Đối với doanh nghiệp:

  • Cạnh tranh là một điều bất khả kháng trong nền kinh tế thị trường. Các doanh nghiệp, các nhà kinh doanh dịch vụ khi tham gia thị trường buộc phải chấp nhận sự cạnh tranh. Cạnh tranh có thể coi là cuộc chạy đua khốc liệt mà các doanh nghiệp không thể lẩn tránh và phải tìm mọi cách để vươn lên, chiếm ưu thế.
  • Cạnh tranh khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới, hiện đại , tạo sức ép buộc các doanh nghiệp phải sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mình để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, tạo ra các sản phẩm mới khác biệt có sức cạnh tranh cao.
  • Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần chủ động hội nhập quốc tế.
  • Cạnh tranh khốc liệt sẽ làm cho doanh nghiệp thể hiện được khả năng “ bản lĩnh” của mình trong quá trình kinh doanh. Nó sẽ làm cho doanh nghiệp càng vững mạnh và phát triển hơn nếu nó chịu được áp lực cạnh tranh trên thị trường.

Đối với người tiêu dùng:

  • Cạnh tranh cũng làm quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và quan tâm tới nhiều hơn, người tiêu dùng nhận được các dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú hơn.
  • Khi có cạnh tranh thì người tiêu dùng không phải chịu một sức ép nào mà còn được hưởng những thành quả do cạnh tranh mang lại như: chất lượng sản phẩm tốt hơn, giá bán thấp hơn, chất lượng phục vụ cao hơn…
  • Khi đòi hỏi của người tiêu dùng càng cao làm cho cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt hơn để giành được nhiều khách hàng hơn.

Mặc dù quy luật cạnh tranh có vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế thị trường hiện nay, nhưng nó không chỉ toàn là những ưu điểm, mà nó còn có cả những mắt tối của cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường bắt buộc các doanh nghiệp phải thực sự tham gia vào cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Chính điều này đòi hỏi cần phải có sự quản lý của nhà nước, đảm bảo cho các doanh nghiệp có thể tự do cạnh tranh một cách lành mạnh có hiệu quả.

Theo dõi website Học viện CEO Hà Nội để cập nhật những kiến thức mới nhất về quản trị doanh nghiệp.

Truy cập kênh Youtube Học viện CEO Hà Nội tại đường link dưới đây:

https://www.youtube.com/channel/UCQ0Dw-SVDX1kCgsjXRd0lvw

Back to top button