Tranh

HÀNH VI CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH?

1. Khái niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Theo Khoản 6 Điều 3 Luật cạnh tranh 2018 thì: “ Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.”

* Đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

Thứ nhất, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh do các chủ thể kinh doanh trên thị trường thực hiện, nhằm mục đích lợi nhuận. Có thể phân tích vấn đề này trên hai khía cạnh:

– Trên thị trường cạnh tranh, mỗi hành vi kinh doanh của một doanh nghiệp cũng chính là hành vi cạnh tranh trong tương quan với các doanh nghiệp khác. Để thu được lợi nhuận, doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh với các đối thủ hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực nhằm giành giật, thu hút khách hàng về phía mình. Do đó mọi hoạt động của doanh nghiệp đều có thể bị xem xét về tính chính đáng, phù hợp với thông lệ hay đạo đức kinh doanh và pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh có thể can thiệp vào nhiều hoạt động khác nhau của đời sống kinh. tế. Đặc điểm này khiến cho pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh tại một số quốc gia có thể có phạm vi áp dụng rất rộng và điều chỉnh những hành vi đa dạng.

Chủ thể thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh là các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh trên thị trường. Ở đây, khái niệm doanh nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm mọi tổ chức hay cá nhân tham gia hoạt động tìm kiếm lợi nhuận một cách thường xuyên và chuyên nghiệp, hay sử dụng khái niệm của pháp luật thương mại là có tư cách thương nhân trên thị trường. Trên phạm vi rộng hơn, các quy định về cạnh tranh không lành mạnh còn có thể áp dụng đối với hành vi của các nhóm doanh nghiệp hoạt động có tổ chức (hiệp hội) và các cá nhân hành nghề tự do (bác sĩ, luật sư, kiến trúc sư…).

Thứ hai, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi có tính chất đối lập, đi ngược lại các nguyên tắc, thông lệ tốt trong kinh doanh, có thể hiểu là những quy tắc xử sự chung đã được chấp nhận rộng rãi và lâu dài trong hoạt động kinh doanh trên thị trường.

Thứ ba, hành vi cạnh tranh bị kết luận là không lành mạnh và cần phải ngăn chặn khi nó gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác.

* Phân loại: Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể được phân thành nhiều loại khác nhau phụ thuộc vào tiêu chí cũng như mục đích phân loại. Nhưng xét một cách khái quát, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh cùng có bản chất là việc tạo ra những lợi thế không chính đáng trong tương quan cạnh tranh trên thị trường và có thể chia làm ba nhóm như sau:

– Các hành vi cạnh tranh mang tính lợi dụng:

Đây là những hành vi cạnh tranh không lành mạnh mang tính chất điển hình, được biết đến với nhiều dạng thức khác nhau nhưng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ, lợi dụng thành quả đầu tư của người khác, xâm phạm bí mật kinh doanh. Bản chất của hành vi này là chiếm đoạt, sử dụng trái phép lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác. Dạng hành vi này được coi là phổ biến, điển hình của cạnh tranh không lành.

– Các hành vi cạnh tranh mang tính công kích:

Đây là nhóm hành vi có chung bản chất là tấn công vào đối thủ cạnh tranh, triệt tiêu hoặc làm suy giảm các lợi thế cạnh tranh của đối thủ cạnh tranh. Các hành vi cụ thể rất đa dạng phụ thuộc vào cách thức, mục tiêu công kích có thể là những thông tin sai trái làm mất uy tín của đối thủ cạnh tranh hoặc lôi kéo mua chuộc nhân viên của đối thủ cạnh tranh.

– Các hành vi lôi kéo bất chính khách hàng:

Bản chất của hành vi này là tạo ra một lợi thế cạnh tranh gian dối để lôi kéo khách hàng. Chủ yếu là người tiêu dùng, đối tượng chịu tác động trực tiếp của nhóm hành vi này là khách hàng, còn các doanh nghiệp cạnh tranh chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp từ hành vi thông qua việc mất khách hàng.

2. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm

Được quy định tại Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018, cụ thể gồm các hành vi sau:

– Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:

a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

– Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.

– Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

– Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.

– Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:

a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;

b) So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

– Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

– Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.

Back to top button