Văn học

“Phải nhiều thế kỉ qua đi…giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà…” em hãy phân tích

Hướng dẫn phân tích đoạn trích “Phải nhiều thế kỉ qua đi…giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà…” đầy đủ và chi tiết nhất, bám sát nội dung, chương trình học gửi đến bạn đọc qua bài viết dưới đây!

Bài văn phân tích đoạn trích “Phải nhiều thế kỉ qua đi…giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà…”

Ai yêu thích thể loại bút kí chắc hẳn không còn xa lạ với tác giả có cái tên vô cùng ấn tượng Hoàng Phủ Ngọc Tường, người ta say mê và thích thú với trang bút kí của ông nhờ nét đặc sắc giữa sự kết hợp của trí tuệ uyên bác và chất trữ tình sâu lắng. Ông am hiểu rất nhiều, các kiến thức về văn học, lịch sử, địa lý và các lĩnh vực khác. Sáng tác của ông nổi bật luôn gắn bó với đời sống con người, gắn bó với quê hương, đất nước. Nổi bật trong các sáng tác của ông về xứ Huế nơi đẹp nhất của tổ quốc Việt Nam với tác phẩm bút kí: “Ai đặt tên cho dòng sông?” đây có thể coi là tác phẩm bút kí hay nhất của ông khi viết về mảnh đất xứ Huế đầy kỉ niệm đặc biệt là con sông Hương thơ mộng và đẹp lung linh huyền ảo. Đặc sắc nhất trong tác phẩm là đoạn trích: “Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến […] giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà…”

Nói về sáng tác bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường được ông viết tại Huế vào những năm 1981, những cảm nhận và cái nhìn tinh tế của ông về dòng sông Hương với dòng chảy của nó từ Trường Sơn cho đến khi chảy qua thành phố Huế và cuối cùng là ra biển. Đoạn trích chính là phần đầu của tác phẩm nói về vẻ đẹp con sông Hương ở ngoại thành phố Huế.

Ngay từ đầu tác phẩm, tác giả khắc họa hình ảnh sông Hương chảy qua cánh đồng Châu Hóa, dưới góc nhìn nhân cách hóa, tác giả ví von sông Hương như một “người gái đẹp”. Câu văn như thảm lụa ngôn từ dệt nên một huyền thoại “ phải nhiều thế kỷ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại”. Hình ảnh được nhân cách hóa, liên tưởng thú vị tới truyện cổ tích “Nàng công chúa ngủ trong rừng”. Hai chữ “mơ màng” gợi tả hình ảnh một giấc ngủ đẹp và đầy quyến rũ của dòng sông, dòng sông như tỉnh như mơ, như thực như mộng. Hình ảnh cánh đồng hoa dại gợi tả một không gian trong trẻo, thơ mộng nhuốm màu cổ tích. Chỉ một câu văn ngắn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm toát lên vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên của dòng sông, để từ đó, ngòi bút của nhà văn cuốn hút người đọc vào thuỷ trình đầy mê hoặc của Hương giang.

Vẻ đẹp chuyển mình của con sông Hương cũng thật kì lạ, giấu khuôn mặt mình vào chân núi Kim Phụng, “sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức”. Câu văn mềm mại, uyển chuyển biết bao. Sông Hương sau vài thế kỷ ngủ quên giữa cánh đồng Châu Hóa đã được người tình mong đợi đến đánh thức, nhưng đánh thức rồi người tình không biết đã đi đâu, nên nàng ngơ ngác đi tìm, vô tình cuộc tìm kiếm ấy đã làm cho dòng sông càng trở nên đẹp đẽ.

“Phải nhiều thế kỉ qua đi...giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà…" em hãy phân tích

Vẻ đẹp không chỉ dừng lại từ sự chuyển mình của con sông Hương, lần theo ven sông, men theo thủy trình của dòng sông, men theo đường cong mềm mại, thướt tha ấy của cô gái Hương giang nhà văn còn phát hiện ra: “Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế”. Đó là vẻ đẹp vô cùng hấp dẫn và thu hút du khách không chỉ bởi vẻ đẹp hoang sơ và gần gũi với cuộc sống hàng ngày.

Quan sát ở điểm nhìn gần hơn: “từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm”. Đi trong “dư vang” là đi trong âm vang, trong sự vang vọng của đại ngàn Trường Sơn. Dòng chảy ấy dù uốn quanh, lượn vòng nhưng lưu tốc vẫn còn mạnh mẽ. Hai chữ “vượt qua” gợi hành trình nhọc nhằn, gian truân; và sắc nước “xanh thẳm” là phần thưởng xứng đáng có được sau hành trình nhọc nhằn ấy. Để khi về đến những Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo, dòng sông đã phần nào được kiềm chế sức mạnh. Mọi khung cảnh của con sông trở nên yên bình từ non nước, màu sắc trở nên đẹp lạ thường.

Sông Hương thay đổi dòng chảy thật tuyệt vời chỉ với bốn câu văn, bốn câu dài miên man với những từ ngữ đẹp đã tạo ra một bức họa sơn thủy tuyệt đẹp. Người đọc không khỏi tấm tắc ngợi ca cái tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, bởi chỉ một cái vẩy bút mà ông đã tạo nên cái chất “thi trung hữu họa” hiếm thấy với bất cứ tác giả nào viết về sông Hương. Khi chảy qua miền lăng tẩm đền đài – nơi yên nghỉ của các triều vua, sông Hương như trầm mặc hẳn đi, bởi nàng đang đi qua một “giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ toả lan khắp cả một vùng thượng lưu: “Bốn bề núi phủ mây phong – Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”. Các từ ngữ như “u tịch”, “âm u”, “thiên cổ”, “vạn niên” gợi không khí cổ kính và cũng như phần nào giải thích cho vẻ đẹp trầm mặc của sông Hương.

Bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là một bút ký xuất sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hành văn súc tích, giàu chất thơ. Nét đặc sắc làm nên sức hấp dẫn của đoạn trích là cảm xúc sâu lắng được tổng hợp từ một vốn hiểu biết phong phú về văn hóa, lịch sử, địa lý và văn chương cùng một văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế và tài hoa. Không chỉ thành công ở nội dung về Huế quá nên thơ và đẹp đẽ gắn liền với con sông Hương mà còn thành công bởi các biện pháp nghệ thuật đặc sắc khi tác giả sử dụng biện pháp nhân hóa, phép điệp, so sánh vô cùng tinh tế, câu văn hàm súc và ấm áp dễ đi sâu vào tâm trí độc giả. Đó là một thành công lớn đối với sự nghiệp sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường và văn học Việt Nam.

Back to top button