Tranh

[Tóm Tắt & Review Sách] “Chân Dung Của Dorian Gray”: Bức Tranh Của Tội Ác Và Cái Đẹp – YBOX

Như thế nào thì được gọi là đẹp? Cái đẹp có phải chăng chỉ là đánh giá chủ quan qua vẻ ngoài? Liệu có hay chăng một cái đẹp nằm ẩn sâu trong tâm hồn? Hay loài người chỉ cần một vỏ bọc đẹp đẽ là đủ? Nếu thật như thế, thì liệu linh hồn ta còn có nghĩa lý gì không, khi đã có vẻ bề ngoài lộng lẫy và ngây thơ để che lấp đi một linh hồn vốn đã mục ruỗng và bại hoại? Chân dung của Dorian Gray đã gợi lên câu hỏi về hai trong những chủ đề được quan tâm nhất mọi thời đại: tội ác và cái đẹp.

Đầu tiên, hãy tìm hiểu một chút về Oscar Wilde, người đã viết nên cuốn sách này, vì rất hiếm có một tác phẩm nào có thể khắc họa được chủ nhân nó rõ như Chân dung của Dorian Gray nói riêng và tác phẩm của Oscar Wilde nói chung.

Oscar Wilde có tên đầy đủ là Oscar Fingal O’Flahertie Wills Wilde. Ông ra đời vào năm 1854 tại Ireland và mất tại Pháp vào năm 1900. Ông là một nhà thơ, nhà viết kịch, và là tác giả của rất nhiều truyện ngắn và một tiểu thuyết. Với trí thông minh sắc sảo, ông là một trong những nhà soạn kịch nổi tiếng và thành công nhất lúc bấy giờ ở London.

Với phẩm chất thông minh vốn có của mình, không ngạc nhiên khi Oscar Wilde trở thành một cái tên lớn và sở hữu cho bản thân một sự nghiệp rực rỡ. Nhưng bi kịch thay, cả sự nghiệp và cuộc đời ông bỗng chốc sụp đổ ở tuổi bốn mươi mốt, khoảng thời gian đang đỉnh cao sự nghiệp văn học của mình.

Chân dung của Dorian Gray được xuất bản năm 1891, cũng là lúc ông gặp và nảy sinh tình cảm với Huân tước Alfred Douglas. Họ bắt đầu một mối tình “nửa bí mật” – nhiều người đã nghi ngờ về mối quan hệ của hai người, nhưng trước khẳng định của Wild rằng cả hai chỉ có tình cảm thầy trò như Socrates và Plato, không còn ai bận tâm thêm về vấn đề này.

Tuy nhiên, vào năm 1895, vụ tai tiếng Queensberry nổ ra, hủy hoại cả mối tình lẫn cuộc đời ông. Hầu tước Queensberry – cha của Alfred Douglas – yêu cầu ông tránh xa con trai mình, và Hầu tước đã để lại trước một trong những câu lạc bộ của Oscar Wilde tờ danh thiếp ghi “Dành cho kẻ bệnh hoạn Oscar Wilde”. Ông đã kiện Hầu tước vì tội xúc phạm nhân phẩm, nhưng thua kiện, và bị Hầu tước kiện ngược lại. Theo đạo luật chống đồng tính luyến ái năm 1885, Oscar Wilde bị kết án hai năm tù lao động khổ sai.

Sau hai năm tù này, sức khỏe của ông bị sụt giảm nghiêm trọng, ông bị suy kiệt về thể chất và suy sụp nặng nề về tinh thần. Cuộc đời của ông xuống dốc hoàn toàn, ông đổi tên thành Sebastian Melmoth và sống lưu vong tại Pháp trong những khách sạn rẻ tiền và căn hộ của bạn bè. Dù được bạn bè giúp đỡ, nhưng ông vẫn sống những năm cuối đời trong cô độc và nghèo khổ. Ông qua đời vào năm 1900, không lâu sau khi ra tù.

Thật khủng khiếp khi nhìn vào sự thật rằng cuộc đời và sự nghiệp của một nhân tài đã phải kết thúc chóng vánh và đột ngột như thế nào chỉ bởi vì ông có tình cảm với người cùng giới.

“Người ngồi làm mẫu chẳng là gì hơn ngoài một sự tình cờ, một khoảnh khắc. Anh ta chẳng phải là thứ được người họa sĩ bộc lộ; chính người họa sĩ, trên bản vẽ đầy sắc màu, mới là người bộc lộ chính bản thân mình. Lý do tôi sẽ không bao giờ cho triển lãm bức họa này là vì tôi sợ tôi đã tiết lộ bí mật của chính tâm hồn mình trong đó.”

Oscar Wilde tin rằng trong mỗi tác phẩm đều phản ánh chính bản thân tác giả, và với quan niệm đó, Chân dung của Dorian Gray hiện lên không chỉ là một câu chuyện rùng rợn về người đàn ông bán linh hồn mình để đổi lấy sắc đẹp vĩnh cửu, mà nó còn riêng tư và cá nhân hơn nhiều như thế nữa, vì qua đó ta có thể thấy được một phần linh hồn của Oscar Wilde vẫn còn ở lại nơi tác phẩm.

Mặt khác, dù không biết gì về Oscar Wilde cũng như quan niệm về văn học của ông, tác phẩm vẫn ám ảnh người đọc vì không khí của một câu chuyện bi kịch và cũng không kém phần sâu sắc.

Chân dung của Dorian Gray đi sâu vào bản chất của tội lỗi, của đạo đức và sự trái đạo đức. Ẩn ý về tình cảm đồng giới giữa ba nhân vật Basil Hallward, Dorian Gray, và Huân tước Henry Wotton có lẽ cũng là một góc nhỏ tâm hồn mà tác giả đã thổ lộ qua trang sách, một đại diện cho “tội lỗi” mà ông mang theo mình. Chính chi tiết này cũng khiến tác phẩm nhận lại nhiều phản đối khi xuất bản: cần lưu ý rằng Chân dung của Dorian Gray không phải tác phẩm đầu tiên và duy nhất có ẩn ý về những mối quan hệ đồng tính lúc bấy giờ, nhưng đây chính là một trong số ít tác phẩm dám khẳng định rõ ràng như thế. Để phản chiếu tâm hồn mình trong tác phẩm tiểu thuyết duy nhất, Oscar Wilde đã không màng đến những ý kiến bất bình của dư luận lúc bấy giờ.

[Tóm Tắt & Review Sách] “Chân Dung Của Dorian Gray”: Bức Tranh Của Tội Ác Và Cái Đẹp - YBOX

“Dorian Gray là tất cả mọi thứ kì diệu và lý thú trong cuộc đời này.”

Chân dung của Dorian Gray kể về Dorian Gray, một chàng thiếu niên xinh đẹp rực rỡ tựa như được tạo ra từ ngà voi và lá hoa hồng. Chàng vẫn còn sự thơ ngây và mới mẻ của tuổi mới chớm trưởng thành. Thế nhưng, sau khi quen biết Huân tước Henry Wotton qua người bạn chung của cả hai là danh họa Basil Hallward, sự ảnh hưởng của Huân tước như một làn gió lạ đã cuốn lấy chàng. Chàng bắt đầu nhận ra vẻ đẹp của mình, cũng như sự tàn lụi tất yếu của sắc đẹp ấy – rồi tuổi trẻ sẽ đi mất và chàng sẽ chẳng còn lại gì. Với suy nghĩ mới mẻ ấy, chàng chẳng thể nào chấp nhận được tương lai sắp đến, và chàng ghen tị với chính bức chân dung của mình mà Basil vừa hoàn thành – bức chân dung đã ghi lại vẻ đẹp của chàng và sẽ còn tồn tại mãi mãi để nhạo báng chàng khi chàng chẳng còn xinh đẹp nữa. Trong cơn đau khổ, chàng ước rằng chính bức chân dung ấy mới là thứ sẽ bị hủy hoại bởi dòng chảy thời gian, còn sắc đẹp và tuổi trẻ trên người chàng sẽ thay nó trường tồn mãi mãi.

Một tháng sau, chàng phải lòng Sibyl Vane – một nữ diễn viên của một nhà hát vô danh. Chàng gặp nàng lần đầu khi nàng đang trong vai Juliet, và chàng đã yêu say đắm tài năng cùng giọng nói của nàng. Chàng đến xem nàng diễn mỗi đêm, trong đủ mọi loại vai diễn, qua đủ mọi thời đại. Chàng say mê vẻ thiên biến vạn hóa của nàng. Hai người yêu nhau thắm thiết, mặc cho mẹ nàng và bạn chàng ngăn cản, họ quyết định đính hôn với nhau. Nhưng rồi, ngày chàng quyết định giới thiệu tình yêu của đời mình với các bạn chàng, Huân tước Henry và Basil, nàng lại trình diễn như một con búp bê gỗ – khô khốc và vô cảm. Sau khi đã nếm được vị tình với chàng, nàng giờ đây đã không thể bước lên sân khấu diễn được nữa. Nàng đã biết cái rực lửa của tình yêu, và nàng sẽ chẳng bao giờ có thể diễn lại thứ cảm xúc chân thật ấy nữa. Đau đớn thay, giây phút nàng mất đi khả năng diễn cũng là lúc nàng giết chết tình yêu của Dorian Gray đối với nàng. Chàng xé tan hôn ước giữa hai người, chàng dẹp bỏ mọi ý định về một đám cưới trong tương lai, và chàng rời bỏ nàng, lạnh lùng và tàn nhẫn như cái cách người ta đối xử với một con búp bê, một con chim nhốt trong lồng.

Nhưng rồi, chàng bỗng nhận ra một điều khiến cuộc sống của chàng vụt thay đổi mãi mãi: nét tàn nhẫn đã xuất hiện nơi khóe miệng khẽ cong lên của “chàng” trong bức chân dung. Bức họa đã thay đổi đúng với những gì chàng đã ước lúc trước, giờ đây thời gian chẳng thể gây nên bất cứ thứ xấu xa gì lên nhan sắc của chàng – linh hồn chàng đã kết nối với bức tranh, và nó sẽ thay chàng gánh chịu hết mọi bại hoại sẽ đến trong cuộc đời chàng.

Chàng nhìn thấy được thay đổi ấy trong bức tranh, và chàng bỗng thấy hối hận đối với những gì chàng đã làm với Sibyl. Chàng sẽ không để cho tâm hồn của mình bị hủy hoại, khóe môi khẽ nhếch lên mang theo chút nhẫn tâm trong tranh khiến chàng sợ chết khiếp. Chàng viết thư xin nàng tha tội, nhưng thư chưa kịp gửi, Huân tước Henry đã báo với chàng rằng nàng không còn trên cõi đời này nữa rồi. Sự lạnh lùng tàn nhẫn của chàng đã đẩy nàng đến chỗ chết.

Nhưng chàng không cảm thấy tội lỗi – tất cả những gì chàng thấy là nhẹ nhõm, vết nhơ đầu tiên trong tâm hồn chàng đã được che lấp. Chàng quyết định giấu bức chân dung trên gác, tại nơi không có ai bén mảng đến và được khóa lại mà chỉ mình chàng có chìa khóa để mở. Chàng sợ sẽ có người nào khác thấy được bức tranh, chàng cảm thấy hổ thẹn vì sự thay đổi của nó, vì những tội lỗi chàng gây ra được họa lại trên chính gương mặt chàng trong tranh. Đây là bằng chứng rõ ràng và trực quan nhất cho sự tha hóa trong tâm hồn chàng.

Và rồi, với vẻ ngoài luôn giữ được nét thanh cao của sự thuần khiết và sắc đẹp không bao giờ bị bào mòn bởi thời gian, Dorian Gray như một đứa trẻ không bao giờ phải lãnh chịu hậu quả cho những việc mà chàng làm. Không còn bị kìm hãm bởi ranh giới của đạo đức – vì dấu vết của tội ác sẽ không bao giờ được phép thể hiện trên gương mặt chàng, và vậy nên cũng chẳng ai mảy may nghi ngờ chàng sẽ làm điều gì đó không trong sạch – chàng ngày càng trở nên sa đọa và tai tiếng về chàng đã nhiều hơn là điều lành.

Vào một tối muộn của tháng Mười một, Basil – người bạn cũ của chàng – đã tìm đến và khuyên răn chàng. Ông yêu say đắm sự thanh thuần và tính cách lý thú của chàng, và ông, hơn ai hết, rất sợ chàng sẽ đi chệch, sẽ thay đổi thành một con người chẳng còn những vẻ xinh đẹp mà chàng từng sở hữu nữa. Dorian Gray chẳng thể chịu nổi người đàn ông này.

Chàng cho rằng chàng bây giờ chính là tác phẩm của Basil, chàng đổ mọi tội lỗi chàng gây ra cho bức chân dung kỳ bí ấy, và còn ai xứng đáng chịu tội hơn chính cha đẻ của tác phẩm ấy? Chàng tiết lộ bí mật về bức chân dung cho Basil biết, và cùng lúc đó, chàng kết thúc cuộc đời của người bạn cũ bằng vô số những nhát dao. Người bạn đã tạo nên bức tranh là nguồn cơn của mọi tội lỗi và đau khổ trong cuộc đời chàng đã trút hơi thở cuối cùng.

Thời gian trôi qua, và chàng dần quên đi Basil. Sibyl, Basil, những người chàng đã giết chết hoặc tiếp tay giết chết, giờ chẳng là gì ngoài cái nhếch mép bất nhẫn và vệt máu đỏ thẫm không bao giờ khô trên bức chân dung bị giấu trên căn gác mái đầy bụi.

Nhưng những bóng ma quá khứ luôn luôn có cách để bắt lấy ta vào những lúc ta không ngờ đến nhất.

Anh trai của Sibyl Vane đã tìm đến và túm lấy Dorian Gray trong một con hẻm tối – hắn muốn trả thù cho em gái mình. Với họng súng chĩa thẳng vào đầu, chàng đã may mắn lừa được hắn bằng vẻ ngoài của một chàng trai chỉ mới lên hai mươi, nhưng từ đó, chàng sống trong nỗi lo lắng không tài nào dịu đi được. Hắn muốn giết chàng, và chàng biết rằng hắn sẽ không bao giờ từ bỏ. Lần đầu tiên, tội ác của chàng bỗng trở lại và ám ảnh lấy chàng bằng một mối đe dọa rõ ràng hơn bao giờ hết – chàng có thể sẽ phải từ giã cõi đời vì mạng người đầu tiên kết thúc vì chàng, vết nhơ đầu tiên xuất hiện trong tâm hồn chàng. Nhưng may mắn thay cho chàng, trước khi đạt được mục đích, gã thủy thủ anh trai của Sibyl Vane đã bỏ mạng trước chàng: Nam tước Geofrey Clouston đã bắn chết hắn khi ngài đang săn thỏ.

Mối hiểm họa đầu tiên trong đời của Dorian Gray đã được dỡ bỏ như thế, và chàng thề rằng sẽ không bao giờ để tâm hồn mình có thêm một vết nhơ nào nữa. Thế nhưng, dù cho chàng có làm gì để bù đắp đi chăng nữa, chàng đều cảm thấy như ý định tốt của mình lại không dẫn đến kết quả tốt đẹp như chàng đã tưởng tượng, và bức chân dung của chàng cũng chẳng có một tí biến chuyển gì tốt đẹp hơn. Làm sao chàng có thể tẩy rửa tâm hồn và trở thành một con người tốt đẹp khi bức họa chứa đầy dấu vết tội ác của chàng vẫn hiện diện ngay đó? Bức tranh đang cười nhạo chàng, nhưng thay vì cười nhạo sự xấu xí già nua trên gương mặt chàng như khi xưa chàng từng nghĩ, giờ đây thứ sinh vật kinh tởm đáng ghét trong tranh đang cười nhạo vì chính nó đã bị vấy bẩn. Đây là bằng chứng tội ác rõ ràng nhất của chàng. Nếu chàng phá hủy nó, sẽ chẳng còn tội ác nào của chàng tồn tại trên thế gian cả. Chàng dùng chính con dao đã kết liễu Basil để làm điều tương tự với bức chân dung, thứ đã chấm dứt cuộc đời tác giả sẽ kết thúc luôn số phận của tác phẩm.

Chàng nằm chết trên sàn, với tất cả vẻ già nua và kinh tởm, kế bên chàng là bức chân dung lộng lẫy của một chàng thanh niên xinh đẹp và vẫn mang vẻ ngây thơ tươi mát của tuổi trẻ. Khoảnh khắc chàng đâm bức chân dung ấy, tất cả vẻ thanh thuần và đẹp đẽ trên người chàng đã được trả lại cho bức chân dung, chàng đã đâm chết chính mình, số phận của chàng và bức chân dung lại lần nữa được hoán đổi cho nhau.

[Tóm Tắt & Review Sách] “Chân Dung Của Dorian Gray”: Bức Tranh Của Tội Ác Và Cái Đẹp - YBOX

Chân dung của Dorian Gray là một câu chuyện đầy ám ảnh về chàng thanh niên đã chấp nhận bán đi linh hồn của mình để đổi lấy sắc đẹp vĩnh cửu. Xin lưu ý rằng, trong suốt tác phẩm, Dorian Gray hoàn toàn không biết làm cách nào mà bức chân dung lại có thể kết nối với tâm hồn mình và hứng chịu hết những gì chàng đáng lẽ ra phải gánh chịu. Chẳng có con quỷ nào, cũng chẳng có khế ước nào được lập ra để chàng chính thức bán đi linh hồn mình cả. Tuy nhiên, có lẽ sự thuần khiết của tâm hồn chính là điều tất yếu phải đánh đổi để có được vẻ đẹp vĩnh cửu, như một lẽ dĩ nhiên.

Lần đầu tiên tâm hồn chàng nhuốm bẩn hoàn toàn không có sự thúc đẩy của bức tranh – lúc đó chàng còn chưa biết về lời nguyền mà cuộc đời chàng phải gánh chịu. Thế nhưng, chính sự cố đầu tiên ấy đã cho chàng biết về mối liên kết của chàng với bức tranh, và chàng nhanh chóng cảm thấy thanh thản ngay. Chính sự tàn nhẫn không vương trên khóe môi chàng hôm ấy đã thúc đẩy cho sự đồi bại thỏa sức ăn mòn tâm hồn chàng. Chàng vẫn còn mơn mởn tuổi xanh khi phạm phải tội lỗi đầu tiên, và có bức tranh ngăn chặn hết mọi hậu quả thay mình, chàng chưa bao giờ thực sự học được cách chịu trách nhiệm cả.

Khi chàng yêu Sibyl Vane, chàng chỉ yêu nhân vật nàng sắm vai trên sân khấu: chàng yêu Juliet, chàng yêu Rosalind, chàng yêu Ophelia, chàng yêu nàng ở mọi thời đại và trong mọi trang phục, nhưng chàng chưa bao giờ yêu Sibyl Vane.

“‘Tối nay nàng là Imogen,’ chàng trả lời, ‘và tối mai nàng sẽ là Juliet.’

‘Vậy khi nào thì nàng là Sibyl Vane?’

‘Không khi nào cả.’”

Lý do chàng say đắm nàng diễn viên Sibyl Vane có lẽ cũng vì sự mới chớm của tuổi trẻ – chàng chán ngán cái thường ngày và ràng buộc của những người bình thường. Chàng yêu Sibyl Vane vì nàng không bao giờ là chính nàng, và chàng có thể rơi vào lưới tình với nàng hàng ngàn hàng vạn lần trên sân khấu. Nàng sống cuộc đời của vô số người, chàng thuộc về tất cả những con người ấy và cũng chẳng thuộc về ai cả.

“Nhưng tôi mừng là ngài không nghĩ rằng tôi vô tâm. Tôi không phải loại người như vậy. Tôi biết là tôi không phải như thế. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng sự việc đã xảy ra chẳng hề ảnh hưởng đến tôi nhiều như nó đáng lẽ ra phải làm. Sự tình đối với tôi chỉ như thể một kết thúc tuyệt đẹp cho một vở kịch tuyệt đẹp. Nó có tất cả những vẻ đẹp khủng khiếp của một bi kịch Hy Lạp, một bi kịch mà tôi đã góp phần lớn trong đó, nhưng cũng là một bi kịch chẳng hề gây hại gì đến tôi.”

Đối với Dorian Gray, người tình của chàng chỉ là một vai diễn trên sân khấu, một Sibyl Vane thật sự chưa bao giờ tồn tại trong thế giới của chàng.

“Nàng chưa bao giờ thật sự sống cả, và vậy nên nàng cũng chẳng thật sự chết. Ít nhất là đối với cậu, nàng luôn là một giấc mơ, một bóng ma thoắt ẩn thoắt hiện qua những vở kịch của Shakespeare và khiến chúng tuyệt diệu hơn bằng sự hiện diện của nàng, một loại nhạc cụ mà qua đó mà âm nhạc của Shakespeare nghe đầy đặn và tràn đầy niềm vui hơn. Khoảnh khắc nàng chạm vào đời thực, nàng vấy bẩn nó, và nó vấy bẩn nàng, và thế là đời nàng kết thúc. Hãy khóc thương cho Ophelia nếu cậu muốn. Hãy xức tro lên đầu do Cordelia bị thắt cổ. Hãy gào vang đến tận Thiên đường vì con gái của Brabantio đã qua đời. Nhưng đừng phí hoài nước mắt của mình cho Sibyl Vane, bởi nàng không thực bằng họ đâu.”

Hơn thế nữa, chàng luôn có xu hướng bỏ mặc những hậu quả do tội ác của mình gây ra. Bởi những hậu quả ấy không thật sự gây ra khó khăn cho chàng, nên cách giải quyết của chàng cũng không hề trưởng thành: chàng chỉ cố lờ đi và không quan tâm.

Ngay khi chàng phát hiện ra sự thay đổi của bức tranh, chàng khóa nó lại trên cái gác xép cũ kĩ chẳng ai đến. Khi chàng giết chết Basil Hallward, chàng cũng không nhìn đến xác của danh họa.

“Chàng thậm chí còn chẳng liếc nhìn người đàn ông vừa bị giết hại lấy một cái. Chàng nghĩ rằng bí mật của toàn bộ việc này là không nhận biết được sự việc.”

Và cho đến tận sau này, khi chàng quyết định tiêu hủy bức chân dung, đây cũng là hành động nhằm che giấu đi quá khứ: chàng vẫn chưa thể học được cách đối diện với vấn đề.

“Nó sẽ kết liễu quá khứ, và khi quá khứ đã chết, chàng sẽ được tự do. Nó sẽ kết liễu cuộc sống của linh hồn tàn ác này, và không có những cảnh báo ghê tởm của nó, chàng sẽ lại tìm được bình yên.”

[Tóm Tắt & Review Sách] “Chân Dung Của Dorian Gray”: Bức Tranh Của Tội Ác Và Cái Đẹp - YBOX

Liệu có nguyên nhân nào cho sự tha hóa tâm hồn của chàng không? Liệu cuộc đời của chàng có kết thúc như thế nếu không có Huân tước Henry? Huân tước Henry có thật sự đã ảnh hưởng đến linh hồn chàng, hay ông chỉ là một nhân tố để thúc đẩy chàng bộc lộ bản chất thật? Liệu cái đẹp, khi nó trở nên vĩnh cửu, có hủy hoại con người ta như cách nó đã hủy hoại Dorian Gray?

Chân dung của Dorian Gray gợi lên câu hỏi gần giống với Vụ án kỳ lạ của Tiến sĩ Jekyll và Ông Hyde, khi con người có một vỏ bọc hoàn hảo để che giấu tội ác của mình, liệu họ có ra tay phạm tội không? Với giọng văn mượt mà và câu từ nên thơ, Oscar Wilde đã viết nên một tác phẩm phản chiếu chính con người ông và xã hội một cách rất sâu sắc và sắc sảo. Tiếc thay, đây lại là tác phẩm tiểu thuyết duy nhất trong suốt cuộc đời ông.

Back to top button