Sinh học

Biên bản họp tiểu đội

Trời hửng tí nắng rồi lại mưa. Đường Hà Nội xe cộ kẹt cứng, nhích ra rồi thu lại cứ như dòng người là thứ dây cao su nhủng nhẳng chẳng bao giờ an toàn của sự co duỗi cuộc đời.

Đứng ở cửa bệnh viện, mưa thì chạy vào mái hiên phòng chờ, tạnh lại chạy ra cổng. Hễ ra cổng là có tay bảo vệ cầm cái loa pin chõ cái phần loe vào tận mặt: “Ông kia đi chỗ khác! Xin mời ông đi ngay chỗ khác!”. Khổ cho tôi, tôi đang phải chờ mấy thằng ở tiểu đội cũ ngày xưa từ mạn ngược về thăm một thằng ốm lắm ở bệnh viện này. Bệnh nhân mà chúng tôi thăm hôm nay là người mạn Đông Bắc, một lính thuộc tiểu đội trinh sát cũ với tôi.

Mãi rồi xe chúng nó loanh quanh cũng đến. Chúng nó thuê xe, tôi đoán vậy vì ba thằng thì thằng nào cũng chức sắc ở một tỉnh, nhưng cuối vụ cả rồi, vả lại chúng tôi mấy thằng trinh sát vẫn thế, phóng khoáng nhưng dị ứng trò vụ lợi, hệt như ngày còn trinh sát phá án. Thế mới lạ. Đời chỉ có vài năm bất thường làm lính trinh sát mà suốt cả đời cứ khi vui nhất khi buồn nhất chất lính lại hiện về, lại nguyên si là anh lính trẻ ngây ngô nhưng quyết liệt.

Tiểu đội trưởng và cả bệnh nhân chờ tiểu đội ở cổng chính, lối vào ở đường Giải Phóng thì chúng nó đi vào cổng sau đằng Phương Mai. Nhùng nhằng dăm cuộc điện thoại rồi cũng tìm thấy nhau. Mở mồm là thằng Tiêu người Thái Nguyên bốp ngay: “Dẫn đường thế à? Cứ vào cổng, vào cổng? Nhiều cổng thì phải nói cho rõ cổng ở hướng nào góc nào? Toạ độ cũng không cho thì đi thế quái nào được?”. Chúng nó cười hơ hớ. Thằng ốm cũng méo miệng cười. Rõ là đời thằng “Mục”! Lại nhăn răng cười.

Bệnh nhân ở viện đông quá, không có giường nằm, tiếp khách ở gốc cây. Cũng hay! ở gốc cây có ghế đá, đỡ ngột ngạt, chỉ tội hễ mưa thì chạy vào hiên, tạnh lại ra. Chúng tôi làm mọi thủ tục của người đi thăm người ốm nhanh và đơn giản để đáp ứng với tình hình thời tiết Thủ đô, bệnh viện Thủ đô. Nhìn khung cảnh não nề, bức xúc, lo âu, xen lẫn chút le lói hy vọng của những con người đang hiện diện trong khuôn viên bệnh viện mà thấy buồn. Cố không buồn, cố tình quên đây là bệnh viện, nhưng mùi thuốc, mùi cồn, và những cuộn giấy chụp X quang, mảnh giấy hẹn, giấy xét nghiệm trên tay mọi người thì sự cố tình quên không thể thỏa mãn chúng tôi. Lựa chọn mãi, cuối cùng cũng ra một phương án, là vào căng tin bệnh viện (nhà ăn mà người ta thầu để làm dịch vụ) vừa nói chuyện vừa ăn trưa.

Kiếm được chỗ ngồi rồi, việc đầu tiên là nói về thằng Minh, chiến sĩ bệnh nhân hiện tại. Minh bị bệnh tiểu đường, rồi tràn dịch màng phổi mười năm nay. Từ hồi thằng Sỹ còn làm Viện trưởng K74, tiểu đội đã đưa Minh lên đó chữa chạy. Sáu tháng thằng Sỹ loanh quanh với nó. Cái ngày nó ra viện, cả tiểu đội tôi mời thêm cả mấy đứa ở tiểu đội thông tin bộ làm một bữa thịt chó ở Phúc Yên. Bây giờ tiểu đường lại lên cao, nó mệt, nó lại sinh thêm huyết áp, mắt mờ. Được cái nó vui hơn cái đận ở Phúc Yên, có cháu nội đích tôn, hai thằng con trai đã trưởng thành đều nối nghiệp bố, là sĩ quan Công an.

Minh xin phát biểu trước. Nhưng đã được quán triệt, hôm nay ta phải làm như cuộc họp ở Tây Nguyên, như lần được tăng cường vào nắm địa bàn ấy. Phải nói hết tận đáy lòng, phải giữ nguyên ý thức kỉ luật cao của lính trinh sát, có trên có dưới có anh có em nhưng tất cả phải gọi là đồng chí (!)

Minh nói:

– Thưa các đồng chí (thằng Thịnh nghe vậy bỗng giật mình như điều gì lạ lẫm lắm, rồi nó thản nhiên lại ngay), đáng kể ra thì tôi chết đã lâu, nhưng có anh em, tôi về được, lấy vợ đẻ con, anh em biết rồi đấy. Làm cái anh lái xe, vất vả đêm hôm vạ vật đường xa. Lại ốm đau mấy bận, lại có anh em nên lại sống. Bây giờ thì yếu rồi, cũng không ân hận nữa, nay mai chạy thận thì cũng đã có bảo hiểm y tế, nhà cửa đã xong, con trai lấy vợ có cháu. Tôi chỉ buồn mắt kém không đọc được sách thằng Luân gửi (nó quên gọi mình là đồng chí?). Tôi buồn vì từ nay không đi gặp mặt anh em mỗi dịp 19/8. Tôi ân hận trong tiểu đội ta có đồng chí Đồng khi về địa phương vẫn chứng nào tật ấy, đối với anh em vẫn không trung thực, hàng xóm thì sợ hãi tránh cho xa. Tôi buồn vì thằng Luân gầy ốm quá (lại thằng rồi!). Nó làm giám đốc khiến tôi lo lắm, lính trinh sát đã mơ mộng lại còn viết văn nữa, giờ công nợ cứ chìm đắm ở các công trình nhà nước đã thu hồi hết chưa? Mấy tỉ tiền thép cứ chìm ở cầu cống. Lo lắm. Tôi cho nó đất ở Bãi Cháy nó không nhận tôi lại thêm buồn. Nghĩ về ngày xưa khi còn làm lính, tôi thấy còn vui hơn bây giờ, chả hiểu sao lại thế.

Không khí tiểu đội chùng xuống, mấy bàn bên cạnh ào vào mấy anh bác sĩ – chắc được người nhà bệnh nhân mời. Họ nhìn Minh ngạc nhiên: “Chết thật! Bác ra đây à. Mai em mới “cấy mà” cho bác được” (Minh lên cấy “mà “để chạy thận). Rồi ai việc nấy, lạnh tanh. Tôi bảo: “Được rồi, đồng chí Hiền tiếp đi”.

Đến lượt thằng Hiền. Hiền ít tuổi nhất trong A, bị thương cùng với thằng Tiêu khi đi trinh sát FULRO. Nó ngượng nghịu cúi đầu nhìn cái cốc bia không còn tí bọt nào vàng ênh ểnh: “Em xin báo cáo các đồng chí, em khoẻ lắm. Các đồng chí đã đến nhà em trên Quán Triều động viên, vợ em tự hào lắm, cứ khoe mãi. Hàng xóm người ta cũng khen: Gớm! Bác Hiền ăn ở khéo quá mấy chục năm nay rồi mà bạn bè từ Hà Nội, Hòn Gai… vẫn lên thăm. Em thì vẫn đi làm, phải đến năm 13 (2013) mới nghỉ. Được cái không phải vất vả như các đồng chí Tiêu, đồng chí Thịnh, đồng chí Luân, em làm đúng ngành đúng nghề được đào tạo, đó là… trưởng phòng bảo vệ của nhà máy giấy nên cũng đỡ. Con em cưới chồng thì các bác đến cả rồi. Em không có ý kiến gì nhưng em chỉ đề nghị các đồng chí đi tìm thằng Tiến US, tìm thằng Viên xem chúng nó ở đâu, không có thằng Viên cõng em về hôm ở Kon Tum thì em chết…”. Rồi nó rơm rớm nước mắt. Cái vai to bự của nó hơi rung rung. Nó chăm chăm nhìn ra ngoài đường, cái gốc cây xà cừ đầy những người vạ vật, mưa gió làm lá cây bay lạt sạt dưới mặt đường… Nó ngập ngừng: “Hôm nay vợ em gửi biếu đồng chí Minh năm trăm ngàn”, rồi nó mở khuy áo ngực lấy cái gói bằng giấy trắng gấp vuông đưa cho tôi: “Em gửi đồng chí, để đồng chí Tiểu đội trưởng đưa cho đồng chí Minh…”.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Lại im lặng, cuộc họp trinh sát mà cứ ồn lên được một cái lại chùng ngay xuống. Chúng tôi già quá rồi sao? Ừ, chả gì thì tất cả đã 60 tuổi cả, chỉ trừ có thằng Hiền kém hai tuổi. Mấy thằng quay nhìn tôi (đương kim tiểu đội trưởng) dáng chừng cho phát biểu tiếp đi chứ.

Tôi chưa có ý kiến gì thì thằng Tiêu đã lên tiếng:

– Tôi báo cáo các đồng chí (thằng này làm giám đốc một sở nên gọi nhau là đồng chí rất quen, không thấy ngượng nghịu như hai thằng trước) – Rằng: Tôi mổ túi mật nhưng cũng khoẻ rồi. Xây thêm cái nhà nữa cho thằng thứ hai đưa vợ con ra đấy ở. Vợ tôi bệnh tật như thế thì cứ đành thế thôi (vợ nó đang đẹp mặn đẹp mà bỗng dưng lại bị ngay cái bệnh khỉ gió gì đó biến thành một bà lão trông như tám mươi tuổi, sợ thật) – Năm nay tôi nghỉ, tôi mới được tỉnh cho đi vào Tây Nguyên thăm lại chiến trường xưa. Cuối năm ngoái đồng chí Luân chuẩn bị xe rồi mà tôi lên đợt tăng xông nên phải thôi, tôi tiếc lắm. Tôi đề nghị đồng chí tiểu đội trưởng sang năm họp tiểu đội ở Quảng Ninh, mời đồng chí Đồng đến. Chúng ta không nên xa lánh đồng chí ấy. Từ lúc ở Kon Tom bị án kỉ luật chuyện xe cộ, bị trả về địa phương, đồng chí ấy lại càng cho là mình không thiết gì đến bạn bè, không còn chiến hữu nữa. Chúng ta phải đến với đồng chí ấy chứ không thể để như vậy…

Thằng Ngô Thịnh ngắt lời:

– Đồng chí Tiêu nói chưa đúng. Mấy năm qua đồng chí Luân đã đưa cả nhà ra ngoài đó thăm đồng chí Đồng, rồi đi xin việc làm cho con đồng chí ấy. Cưới con gái nó, thằng Luân (đấy, nó lại chuyển sang thằng) thay mặt tiểu đội ra lo lắng công việc đó thôi. Cái con người như vậy nó là… là… bản chất. Tôi chịu!

Bất giác tôi nhớ một ngày rất xa, một lần thằng Đồng bám địch nhưng sợ mà nằm lì ở ven một cái nương đồng bào, tìm mãi mới thấy. Thằng Thịnh chửi cho một trận dã man.

Tiêu nói tiếp:

– Đồng chí Thịnh phải nghe tôi đã, đồng chí Luân xuống tận nơi nhưng anh em mình có xuống đâu, có thăm hỏi đâu, tôi thấy chúng mình có lỗi đấy chứ.

Thằng Minh và thằng Thịnh im thít. Thằng Hiền bảo:

– Anh Đồng anh ấy cứ tự ái hay sao ấy…

Thằng Tiêu tiếp:

– Năm 2006 cưới con trai tôi, đồng chí tiểu đội trưởng có ghi ngoài cái phong bì năm triệu là: “Cả những thằng sống và thằng đã chết trong A trinh sát của bố Tiêu mừng cháu Hạnh phúc”, làm tôi và vợ tôi khóc cả đêm… Đồng chí Đồng cũng phải được đối xử như tôi chứ, phải không tiểu đội trưởng?

Tôi không nói gì, trong tôi hình ảnh hai đứa con gái xinh xắn của Đồng vui mừng, tươi tắn làm sao khi tôi tìm được nhà Đồng sau mấy chục năm xa nhau. Chúng ùa ra dắt tôi vào nhà, gọi tôi là: “Ba! Ba Luân đen, bạn của ba Đồng!”. Rồi vài năm sau cũng là tôi đi xin việc, cưới chồng cho chúng nó. Đồng thân tình, vui lúc ấy thôi, còn thì cứ xa lánh chúng tôi. Nó lên Hà Nội gặp tôi cũng cứ ậm ừ chả giống gì khi nó làm băng trưởng đầu gấu ở một vùng than thổ phỉ, chả giống gì ngày xưa. Già rồi, kỉ niệm có cả đẹp, cả vui cả buồn chứ Đồng ơi! Biết sống bao lâu nữa mà cứ tách xa tiểu đội hở mày?

Đến lượt Thịnh. Thằng này làm cán bộ tổ chức ở trường đại học, nên nói năng cũng đàng hoàng kiểu “ông thầy”:

– Tôi không có gì đặc biệt về vấn đề vật chất (may mà nó không nói là phạm trù đấy), nhưng về vấn đề tinh thần thì vài năm nay có nhiều điều phấn khởi. Cháu trai thứ hai đã đi dạy học, cháu trai thứ ba đi học ở Học viện An ninh, cháu gái đầu đã có con, chồng nó cũng là Công an, tôi có cháu ngoại xinh lắm. Khoe với tiểu đội tí – Nó cười hì hì, phải ngắt lời nó ngay kẻo nó nói chuyện về đứa cháu hết luôn cả buổi, giống hôm trước gặp nhau ở Thái Nguyên thì… hết thời gian – Tôi có nhiều vấn đề khuyết điểm hồi ở Kon Tum thật, nhưng từ ngày về, tôi học hành rồi công tác cũng oách hơn, không tin cứ hỏi đồng chí Luân tiểu đội trưởng mà xem. Tôi làm phó ban tổ chức tôi cũng hoàn thành tốt công việc đấy chứ. Tuy vậy hôm cưới con đồng chí Luân năm 2007 tôi vui quá, uống nhiều rượu quá nên lúc về trên xe tôi say quá, nên cứ hát vào tai đồng chí Tiêu làm đồng chí Tiêu không hài lòng.

Thằng Tiêu quay sang lẩm bẩm:

– Nôn mẹ cả vào tai người ta thì có, hát với hò…

Tôi hỏi:

– Thế tại sao năm 2009 cưới con đồng chí Minh ở Bãi Cháy mà đồng chí xuống tối 19/11, sáng hôm sau lại xin về ngay? Đồng chí về để nhận phong bì của học sinh và quà biếu 20/11 phải không?

Cả tiểu đội lao xao. Thằng Minh nãy giờ ngồi im bỗng ngước lên nhìn đăm đăm vào mặt Thịnh. Thịnh nhìn quanh từng khuôn mặt anh em trong tiểu đội rồi rất chân thành nó kể:

– Tôi có lỗi thật, bỏ về vào đúng ngày đón dâu của cháu Việt con đồng chí Minh. Nhưng hôm đó là sinh nhật lần thứ ba mươi con gái đầu. Nó lại là cô giáo, ngày 20-11 ý nghĩa với nó thế… Tôi hứa là tôi sẽ làm MC dẫn chương trình cho cả nhà… Mình thất lời với con cái thì sao đành.

Cả tiểu đội à lên. Thằng Minh thở phào nhẹ nhõm.

*

Mưa ngoài trời tạnh rồi, thằng Tiêu gọi mỗi thằng một suất cơm đĩa. Chỉ có thằng Minh là ăn kiêng còn mỗi thằng được một chai bia. Tôi không đồng ý cho uống nhiều vì đây đang là trong bệnh viện, vả lại thằng Minh đang ốm đau, bọn tôi vui thú nỗi gì. Buổi trưa, người nhà bệnh nhân kẻ mang ăng gô, người dùng túi ni lông mua đồ ăn cho người thân. Toàn những cơm và đậu phụ, một vài người chừng khá giả hơn thì có thêm vài miếng chả, lon canh rau ngót. Chúng tôi nhìn họ rồi nhìn bàn ăn của mình những là bia, những là lòng lợn, thêm cả hai đĩa chả lá lốt. Những người đi mua cơm cho chồng con, người thân nằm viện không ai liếc nhìn vào bàn ăn tiểu đội tôi. Chả nhẽ chúng tôi như một đẳng cấp khác chăng? Hay bệnh nhân nằm viện chỉ toàn là người nghèo? Ngay gian bên cạnh chúng tôi là nơi phát cơm miễn phí của một tổ chức tình thương nào đó, đông cứng người mà không có tiếng ồn ào, không chen lấn, không khà khà khề khề với những bộ mặt tây tấy như chúng tôi… Họ nhẫn nại trong cặp mắt thật lành hiền nhẫn nhục. Chúng tôi – những người một thời là lính, giờ gặp được lại nhau, cũng không giàu có gì nhưng dù gì cuộc sống cũng không đến nỗi vất vả. Điều quan trọng là chúng tôi vẫn còn ngồi lại được với nhau như cái thời còn trong một tổ chức gắn kết. Và như ai đó đã nói: “Trong tất cả các tình bạn thì bạn lính là bền chặt nhất”.

*

Phần chốt của biên bản như sau: “Tiểu đội ủng hộ đồng chí Minh ba triệu. Mỗi tháng một đứa xuống thăm Minh tại Quảng Ninh. Hè năm nay tất cả đi thăm thằng Đồng ngoài Cẩm Phả. Còn thằng Viên đã tìm được thông tin là nó đã mất vì bệnh tật ở quê rồi, thằng Tiến US thì đi làm ăn tận trong Nam không biết ở nơi nào… Việc hiếu hỉ của nhà đồng chí nào cũng là việc chung tiểu đội”.

Đây là một biên bản sinh hoạt tiểu đội mà lần đầu tiên sau ngần ấy năm rời khỏi ngành, tiểu đội tôi mới họp. Chúng tôi, cả tiểu đội đều thống nhất 100% là: “Chúng tôi mãi mãi là lính cùng tiểu đội, kể cả khi đã sang… thế giới bên kia”.

Người già lẩm cẩm thế đấy

Back to top button