Văn học

Hai học sinh sáng chế phần mềm hỗ trợ học tiếng Jrai trên điện thoại

Mong muốn bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa dân tộc

Chia sẻ về ý tưởng sáng chế ứng dụng, cô bạn Tú Anh tâm sự: “Xuất phát từ nhu cầu trao đổi, bảo tồn tiếng, văn hóa dân tộc này, mình cùng Duy Đông đã quyết định tìm hiểu, xây dựng phần mềm hỗ trợ học tiếng Jrai trên điện thoại thông minh để tạo thuận lợi cho việc học tiếng Jrai mọi lúc mọi nơi, dành cho tất cả mọi người có nhu cầu”.

Hai học sinh sáng chế phần mềm hỗ trợ học tiếng Jrai trên điện thoại

Tú Anh và Duy Đông trao đổi với cô giáo của mình trong quá trình xây dựng ứng dụng

Cứ thế, ngay từ giữa năm học lớp 10, Tú Anh và Duy Đông đã bắt tay vào việc nghiên cứu, thiết kế ứng dụng. Tuy nhiên, vì cả hai đều không phải là người dân tộc bản địa, kiến thức về văn hóa, chữ viết Jrai khá hạn chế nên quá trình hiện thực hóa ý tưởng đã gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc tìm người lồng tiếng. Vì đây là một ứng dụng hỗ trợ học tập nên người đọc mẫu yêu cầu phải phát âm thật chính xác, nếu phát âm sai sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả của người học.

Để giải quyết vấn đề này, Tú Anh và Duy Đông đã nhờ tới sự giúp đỡ của các thầy cô trong trường để chọn ra 20 bạn người Jrai, sau đó tiếp tục nhờ các thầy cô người Jrai chọn ra 2 bạn có cách phát âm hay và chuẩn nhất để lồng tiếng cho phần từ vựng và video các bài học có trong ứng dụng.

Ngoài ra, để có thể cung cấp cho người sử dụng những kiến thức về văn hóa dân tộc Jrai một cách chính xác nhất, Tú Anh và Duy Đông đã mất gần 1 năm trời để thu thập tài liệu, giáo trình, sách, từ điển… về tiếng Jrai, tham gia học tập về ngôn ngữ Jrai và đi thực tế tại các làng để nghe những người lớn giải thích cặn kẽ về các phong tục, nét văn hóa truyền thống, tiếng nói và chữ viết của đồng bào Jrai từ đó mới đưa vào phần mềm.

Hiện thực hóa ước mơ thành công

Sau hơn 1 năm rưỡi vừa viết code để xây dựng ứng dụng, vừa chỉnh sửa cho phù hợp, cả hai cũng đã hoàn thành xong phần mềm ứng dụng học tiếng Jrai trên điện thoại. Theo đó, ứng dụng học tiếng Jrai được xây dụng với version 1.1 sử ngôn ngữ Javascript trên nền tảng Android bao gồm 5 chức năng chính.

Phần đầu tiên là phần Bài học bao gồm các bài học được lồng ghép video song ngữ Việt- Jrai có kèm lồng tiếng cùng với các dạng bài tập trắc nghiệm để người dùng có thể tự đánh giá kiến thức sau mỗi bài học.

Phần thứ hai là phần Văn hoá bao gồm các câu chuyện cổ, các hiện vật, phong tục tập quán của của người dân tộc Jrai để người dùng có các không gian học tập đa dạng. Đồng thời, đây cũng là phần để người dùng tìm hiểu thêm về văn hoá người dân tộc Jrai từ đó giúp bảo tồn và phát triển nền văn hoá này.

Hai học sinh sáng chế phần mềm hỗ trợ học tiếng Jrai trên điện thoại

Ứng dụng hỗ trợ học tiếng Jrai được thiết kế đơn giản, dễ sử dụng

Phần thứ ba là phần Từ điển cho phép người dùng tra từ song ngữ Việt – Jrai, Jrai – Việt. Mỗi từ sẽ có những ví dụ cụ thể để người dùng hình dung rõ hơn về cách dùng và ngữ cảnh để sử dụng 1 cách chính xác.

Phần thứ tư là phần Giới thiệu để cung cấp những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ, văn hoá của người dân tộc Jrai như phương ngữ, tiếng, từ, chữ cái…

Và cuối cùng là phần Hướng dẫn sẽ đưa ra những hướng dẫn để những người lần đầu sử dụng cũng có thể hình dung cách dùng của mỗi nút chức năng.

“Ứng dụng học tập của tụi mình được xây dựng với cấu trúc tương đối giống các app học tiếng anh khác nên mang cấu trúc đơn giản, dễ sử dụng. Các kiến thức luôn được lồng ghép cùng hình ảnh, video và được hệ thống hóa một cách khoa học, không dài dòng, miên man tránh sự nhàm chán cho người học. Đặc biệt, điểm mới của ứng dụng là phần Văn hoá, đây là không gian học tập mới lạ, giúp người dùng học tập 1 cách toàn diện hơn.”, Tú Anh nói.

Hai học sinh sáng chế phần mềm hỗ trợ học tiếng Jrai trên điện thoại

Ứng dụng được xây dựng với mong muốn bảo tồn, phát triển ngôn ngữ, văn hóa dân tộc Jrai

Sau khi ứng dụng được hoàn thành và chính thức có mặt trên nền tảng Android, Tú Anh cho biết đa số người dùng sau khi trải nghiệm đều đánh giá tích cực về ứng dụng. Đây coi như là thành công bước đầu Tú Anh và Duy Đông có thêm động lực tiếp tục hoàn thiện và phát triển ứng dụng hơn.

“Nhận những đánh giá từ mọi người, mình vui và hạnh phúc lắm. Chính những ý kiến đóng góp này sẽ là nền tảng để tụi mình hoàn thiện ứng dụng hơn, từ đó mà ứng dụng sẽ dần trở thành công cụ giúp phổ biến, duy trì và phát triển những nét đẹp trong ngôn ngữ và văn hoá của người dân tộc Jrai. Dù có những lúc vất vả, mệt nhọc nhưng khi ‘đứa con tinh thần’ ra đời, mọi vất vả ấy đều rất xứng đáng.”, Tú Anh bộc bạch.

Với tính độc sáng tạo, ý nghĩa thiết thực cao, ứng dụng học tiếng Jrai của Tú Anh và Duy Đông đã đạt giải nhì tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ VII (năm học 2020-2021) và mới đây là giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh Gia Lai lần thứ 9-2021.

Trong tương lai, cả hai dự định sẽ phát triển ứng dụng không chỉ song ngữ Việt Jrai mà còn thêm các ngôn ngữ nước ngoài khác. Từ đó, sẽ đưa ứng dụng này đến được với bạn bè quốc tế, giúp quảng bá văn hoá của dân tộc. Đồng thời, Tú Anh và Duy Đông cũng mong muốn có thể “bắt gặp” thêm nhiều bạn trẻ có chung hoài bão vì xã hội để chung tay nhau phát triển ứng dụng.

ÁNH DƯƠNG

Ảnh: NVCC

(theo Mực Tím)

Back to top button