Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về tranh giành và nhường nhịn 3 Dàn ý & 7 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất
Tranh giành và nhường nhịn là như thế nào? Tranh giành là giành giật, vơ vét lấy công sức, thành quả của người khác về mình, còn nhường nhịn thì ngược lại. Với 7 bài Nghị luận về tranh giành và nhường nhịn siêu hay, sẽ giúp các em hiểu sâu sắc hơn.
Tranh giành là biểu hiện của lòng tham, tính đố kị. Còn nhường nhịn là biểu hiện của tình thương, của lối sống vì mọi người. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu sâu sắc hơn, ngày càng học tốt môn Văn 9.
Dàn ý nghị luận về tranh giành và nhường nhịn
Dàn ý 1
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tranh giành và nhường nhịn.
2. Thân bài
a. Giải thích
- Tranh giành: những suy nghĩ, độc đoán nhỏ nhen của con người có thể làm việc xấu, làm hại người khác để đạt được mục đích, lợi ích của mình.
- Nhường nhịn: không tranh chấp với ai về điều gì, người nhường nhịn là người bao dung, rộng lượng, sẵn sàng hi sinh nhu cầu của bản thân mình để người khác được vui.
→ Đề cao sự “nhường nhịn” và làm nổi bật lối sống nhỏ nhen, ích kỉ của con người.
b. Phân tích
- Mỗi con người ai cũng có sở thích, nhu cầu sở hữu đồ vật của riêng mình, nếu ai cũng giữ cái tôi và cái ích kỉ của mình thì sẽ dẫn đến cãi vã, tệ hơn là làm rạn nứt mối quan hệ.
- Nếu mỗi người nhường nhịn nhau, gạt bỏ cái tôi của mình một chút để giữ gìn mối quan hệ của mình tốt đẹp thì bạn sẽ vui vẻ hơn, mối quan hệ tốt đẹp hơn và bạn sẽ được người khác tôn trọng hơn.
- Nếu mỗi người bớt đi cái tôi của mình một chút để nhường nhịn người khác thì cuộc sống này sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
c. Chứng minh
Học sinh tự tìm những dẫn chứng phù hợp cho bài làm của mình.
Lưu ý: dẫn chứng phải nổi bật, được nhiều người biết đến.
d. Phản biện
Trong xã hội có nhiều người sống với tính ích kỉ, cái tôi cá nhân rất cao của mình, chỉ biết đến bản thân của mình mà không nghĩ đến người khác, để thỏa mãn những nhu cầu của bản thân mà sẵn sàng làm nhiều thứ xấu xa → những người này đáng bị phê phán, chỉ trích.
3. Kết bài
Khẳng định lại vấn đề nghị luận (tranh giành và nhường nhịn) và rút ra bài học cho bản thân mình.
Dàn ý 2
A. Mở bài
- Dẫn dắt vấn đề
- Nêu vấn đề
B. Thân bài
1. Giải thích
- Tranh giành là gì? Là không biết sẻ chia, chỉ biết cướp của người khác.
- Nhường nhịn: Trái ngược với tranh giành, nhường nhịn là sẻ chia, giúp đỡ người khác.
2. Chứng minh
– Trong gia đình: Cạnh bên những chị em, anh em biết nhường nhịn lẫn nhau vẫn còn có rất nhiều người anh, người chị chỉ biết tị nạnh, luôn tranh giành với em từng li từng tí một.
– Trong nhà trường:
- Có những bạn luôn san sẻ, yêu thương bạn bè
- Có những bạn chỉ biết ghen ghét, cướp công của người khác.
3. Bình luận
- Nếu như tranh giành là một phẩm chất xấu thì nhường nhịn là một đức tính tốt cần có ở mỗi con người.
- Sống phải biết yêu thương, nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau.
“Khôn ngoan đối đáp người ngoàiGà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
4. Liên hệ bản thân
C. Kết bài
- Khẳng định lại giá trị của vấn đề nghị luận
Dàn ý 3
I. Mở bài:
- Tranh giành và nhường nhịn là hai trong số những tính cách của con người. Đó là mặt tốt và mặt chưa tốt.
- Vậy tranh giành và nhường nhịn có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống của chúng ta ?
II. Thân bài:
* Giải thích: (Đặt câu hỏi: là gì?)
- Tranh giành là gì? => Sự ham muốn rất lớn một sự vật nào đó về phía mình.
- Nhường nhịn là gì? => Chịu để lại một sự vật nào đó cho người khác với thái độ hòa nhã.
* Đưa ra các biểu hiện: (Đặt câu hỏi: Tại sao ? Vì sao?)
* Tại sao chúng ta nên nhường nhịn trong cuộc sống?
- Đó là một trong những phẩm chất tốt của con người.
- Cuộc sống sẽ dễ dàng hơn, thắt chặt tình cảm giữa con người với con người hơn.
Dẫn chứng: Câu chuyện “Dê đen và Dê trắng” khi tranh nhau qua cầu, vì không ai chịu nhường nhịn ai nên cuối cùng cả hai đều rơi xuống sông.
* Tranh giành có mang lại lợi ích gì cho con người không?
- Làm xấu đi mối quan hệ, tình cảm giữa con người với nhau.
- Thể hiện mình là kẻ ích kỷ, không biết nghĩ đến những người xung quanh mình.
* Bàn bạc, mở rộng vấn đề
- Có phải nhường nhịn mãi sẽ trở thành hèn nhát không?
- Đó là cách xử sự khôn khéo trong giao tiếp ứng xử của con người.
- Giúp cho ta dễ thành công hơn trong cuộc sống.
Dẫn chứng: Trong gia đình, anh chị em trên thuận dưới hòa, biết nhường nhịn lẫn nhau sẽ là một gia đình hạnh phúc. Ngoài xã hội, nếu mọi người ai ai cũng tâm niệm một câu “Một câu nhịn, chín sự lành” thì xã hội sẽ tốt đẹp biết bao.
III. Kết bài:
- Tranh giành và nhường nhịn là hai phẩm chất đạo đức của con người.
- Cần đề cao đức tính tốt: nhường nhịn.
- Tránh xa đức tính chưa tốt: tranh giành.
Nghị luận về tranh giành và nhường nhịn – Mẫu 1
Cha ông xưa từng khuyên: “Một điều nhịn là chín điều lành”. Có lẽ, có lời khuyên ấy cũng là bởi trong cuộc sống có quá nhiều biểu hiện của sự tranh giành. Tranh giành – nhường nhịn, hai vấn đề không phải là mới nhưng cũng không hề cũ.
Vậy tranh giành là gì? Thế nào là nhường nhịn? Tranh giành là giành giật, vơ vét lấy công sức, thành quả của người khác về phần mình. Còn nhường nhịn thì ngược lại. Nhường nhịn là cho, chia sẻ công sức thành quả của mình cho những người có ít hơn mình. Tranh giành là biểu hiện của lòng tham, của lối sống vị kỉ, vun vén cho lợi ích cá nhân; còn nhường nhịn là biểu hiện của tình thương, của lối sống mình vì mọi người.
Nhìn vào những biểu hiện của từng người qua hành động, lời nói, cách giao tiếp từ trong gia đình đến ngoài xã hội, chúng ta cũng có thể hiểu được rất rõ người ấy sống thế nào. Lúc bé, tranh nhau một cái kẹo ngon, một chỗ ngồi tốt… Dẫu rất đơn giản nhưng đã là mầm mống của một thói xấu. Không được uốn nắn, tính xấu ấy cứ thế lớn dần lên. Đứa trẻ ngày nào tranh kẹo, tranh chỗ ngồi đó rất dễ trở nên một kẻ ích kỉ, lúc nào cũng chăm chăm đến quyền lợi bản thân, tìm mọi cách vơ vét sức lao động của người khác, giành giật những cái vốn không phải của mình, vẫn còn đó một con Cám lười biếng, tham lam mà ông cha ta đã từng khắc ghi trong cổ tích. Từ chỗ cướp giỏ tôm tép của cô Tấm để giành yếm đào, lòng tham cứ thế lớn lên, nó còn cướp cả niềm vui tinh thần của Tấm, cướp cả hạnh phúc của Tấm nữa. Thật đáng sợ! Còn ngược lại, nếu từ bé, ta đã biết nhường nhịn người khác thì khi lớn lên, sự nhường nhịn đó sẽ trở thành sự thương yêu, chia sẻ, biết giúp đỡ mọi người ngay cả những người ta không quen biết. Cô Tấm ngày xưa đã biết nhường bớt phần cơm ít ỏi của mình để mang ra cho cá bống. Một việc làm thật nhỏ nhưng ta hiểu được tình yêu thương trong trái tim cô dào dạt chừng nào. Để rồi, mỗi ngày mới hôm nay, ta lại thật vui khi được biết đến những tấm lòng vàng biết đùm bọc yêu thương, nhường cơm sẻ áo cho những người gặp hoạn nạn, khó khăn. Thật thơm thảo và đáng quý làm sao những nghĩa cử cao đẹp ấy!
Tranh giành, nhường nhịn là hai mặt, hai khái niệm trái ngược nhau. Sự tranh giành làm cho con người trở nên ích kỉ, làm xấu đi nhiều mối quan hệ trong xã hội. Ngược lại, nhường nhịn là sự chia sẻ cảm thông, làm cho con người lớn lên, hoàn thiện hơn về nhân cách. Đó là một phẩm chất cần có của con người mới trong xã hội hôm nay, những con người không chỉ hạnh phúc khi được nhận mà còn biết hạnh phúc khi được trao ban. Một đồng tiền kinh doanh là đồng tiền sinh lợi, một ánh lửa sẻ chia là ánh lửa lan toả, đôi môi có hé mở thì mới mong nhận được nụ cười. Chỉ biết nhận mà không biết cho, chỉ biết tranh giành mà không biết nhường nhịn thì rồi cũng sẽ như cái biển chết, sẽ tự giết chính mình trong sự cô lập của mọi người, của xã hội.
Vậy mà, thật đáng buồn, khi bên cạnh những tấm lòng vàng, những con người biết sống vì người khác, vẫn còn không ít những kẻ chỉ biết nghĩ tới bản thân mình. Nói điều này âu cũng là để mỗi người tự dặn lòng sống sao cho phải, cho hợp với lẽ sống làm người. Mỗi người nên hướng bản thân vào lối sống đẹp. Ta cần biết nhường cơm sẻ áo cho người khác.
Hơn nữa, ta cần phải học cách nhường nhịn, học cách sẻ chia và học cả cách yêu thương con người. Tự giáo dục mình thôi chưa đủ mà phải có ý thức giáo dục những người khác, đặc biệt là những người nhỏ tuổi hơn ta. Cha mẹ giáo dục con cái thầy giáo dục trò, anh chị giáo dục em út, người lớn giáo dục người bé… Mỗi người phải thực sự là một tấm gương sáng về thái độ sống biết nhường nhịn, biết yêu thương thì mới thực sự tạo nên cuộc sống tốt đẹp. Hãy biết sống nhường nhịn và không tranh giành! Đó là lẽ sống của mỗi Con Người theo đúng nghĩa viết hoa của nó.
Nghị luận về tranh giành và nhường nhịn – Mẫu 2
Từ xưa, đức nhẫn nhịn được các bậc hiền nhân xem là một trong các phương châm xử thế hàng đầu. Nó thể hiện được trí tuệ sáng suốt, tính cách điềm đạm, ý chí bền vững, lòng khoan dung đức tính vị tha của người quân tử. Có biết bao tấm gương để lại cho đời sau về đức tính nhẫn nhịn.
Thế nào là nhẫn nhịn? Nhẫn nhịn hay nhường nhịn là chấp nhận để người khác hơn mình, là thái độ hoà nhã không có ý định tranh giành hơn thua.
Đây là một đức tính tốt đẹp mà con người cần phát huy.
Trong thực tế không phải ai cũng hiểu và thực hiện được điều đó. Mỗi người đều có lòng tự ái của mình, đôi khi tự ái quá lớn dẫn đến sự kiêu hãnh. Chỉ cần lòng kiêu hãnh ấy bị xúc phạm là xung đột sẽ xảy ra. Hơn nữa, con người ngày nay có thói quen đặt quyền lợi cá nhân lên trên tất cả, cho nên mọi thứ lễ nghĩa trong giao tiếp xử thế thường bị coi nhẹ. Mọi sự nhường nhịn cảm thông được đánh đồng với cảm giác bị thua thiệt, nhục nhã. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy những đám đông hiếu kì bu quanh hai người đang đôi co hùng hổ, đó là hệ quả của thói xấu không nhường nhịn.
Thật ra, nhường nhịn không phải là đầu hàng, là thất bại. Nhường nhịn phải được hiểu là sự thông cảm, tha thứ cho nhau trong giao tiếp ứng xử để cuộc sống tốt đẹp hơn. Những ai cho rằng nhường nhịn là thua thiệt, mất mặt tức là họ chưa hiểu hết bài học về lễ nghĩa trong việc xử thế.
Nhường nhịn là một chìa khoá đưa con người đi đến thành công. Vì sao? Vì con người là đối tượng có những mối quan hệ đầy phức tạp, chỉ cần ta sơ xuất sẽ dẫn đến hiểu lầm, tranh chấp thậm chí hoá ra hận thù khó giải. Biết bao nhiêu bi kịch gia đình, bao nhiêu cuộc xô xát diễn ra trong nhà trường, ngoài xã hội cũng vì con người ta không biết yêu thương nhường nhịn Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ nổi tiếng: “ Hoà khí sanh tài”, giữ được mối giao hảo tốt đẹp với nhau là cơ hội để phát triển làm ăn buôn bán. Đó là lý do vì sao người Hoa lại có thể xuất hiện và làm ăn lâu dài ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Theo quan điểm Nho giáo, nhường nhịn là một trong những biểu hiện về cái Đức của bậc đại trượng phu. Sách sử Trung Quốc vẫn thường ca ngợi những tấm gương biết nhẫn nhục để mưu đồ việc lớn. Danh tướng Hàn Tín thời Đông Hán là một điển hình. Trong thuở hàn vi, ông dám hạ mình bò qua trôn một tên bán thịt giữa chợ đông. Không phải vì nhân cách thấp hèn mà vì ông biết nhường nhịn việc nhỏ để làm đại sự. Sau này, tấm gương của ông vẫn được người đời truyền tụng mãi.
Trong gia đình vợ chồng anh em luôn hoà thuận, kính trên nhường dưới cảm thông lẫn nhau thì gia đình sẽ rất hạnh phúc. Nhìn rộng ra xã hội, nếu mọi người thân ái hòa đồng nhường nhịn lẫn nhau thì làm gì xảy ra bất đồng, xô xát, làm gì có chiến tranh binh biến đau thương?
Tóm lại, cuộc sống con người dù có trải qua nhiều va chạm, ganh đua, ta vẫn phải tôn trọng đạo đức lễ nghĩa. Một trong những bài học lễ nghĩa đầu tiên trong cách đối nhân xử thế là bài học về sự nhường nhịn.
Nghị luận về tranh giành và nhường nhịn – Mẫu 3
Trong cuộc sống hàng ngày, quan hệ giữa người với người đều có mặt tốt và mặt xấu. Xã hội cũng thế, trong thời đại từ xưa đến nay, dân tộc ta có truyền thống tương trợ lẫn nhau, giúp đỡ nhau khi khó khăn nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều trường hợp tranh giành nhau một đồ vật hay tình cảm đáp ứng quyền lợi nhu cầu cho cá nhân mình. Vậy các bạn nghĩ sao về vấn đề này?
Tranh giành và nhường nhịn là như thế nào? Tranh giành là đấu tranh bằng lí lẽ hoặc hành động để giành lấy một đồ vật hay một thứ gì đó bao hàm cả vật chất, tinh thần, tình cảm từ một người nào đó. Tất cả đều xuất phát từ lòng ham muốn và tham lam của mỗi con người. Còn nhường nhịn là chịu thiệt về mình, không tranh chấp với ai, đây là thái độ sống được đề cao.
Vậy biểu hiện của tranh giành và nhường nhịn là gì? Trong mối quan hệ bạn bè, chúng ta nên giúp đỡ tương trợ lẫn nhau mỗi khi gặp khó khăn, không nên vì lợi ích cá nhân mình mà tranh giành những thứ vô bổ, vô giá trị để huỷ hoại tình bạn vốn cao quý và đẹp đẽ. Trong gia đình, anh em nên hoà thuận với nhau không vì những chuyện nhỏ nhặt mà khiến cho anh em tương tàn. Ngoài xã hội cũng thế, nên nhường nhau khi xếp hàng, khi tham gia giao thông tránh gây mâu thuẫn để xảy ra những chuyện đáng tiếc.
Ta có thể hiểu sâu hơn về vấn đề này như thế nào? Tuy tranh giành là không nên nhưng ta vẫn có thể tranh giành nếu như việc đó đem lại lợi ích cho mọi người, cho đất nước; ta nên tự hào vì lịch sử nước ta đã có những vị anh hùng, những vị tướng kiệt xuất đã đứng ra đấu tranh bảo vệ đất nước trước âm mưu xâm lược của nhà Hán, Tống, Mông – Nguyên,… như Trần Hưng Đạo, Quang Trung…. Nhường nhịn tuy là điều cần thiết cho cuộc sống, nhưng không phải lúc nào ta cũng chịu phần thiệt về mình. Như trong công việc, nếu ta có khả năng hoàn thành nhưng, nhường nhịn người khác sẽ làm tổn bao nhiêu công sức và tiền của mà không đạt hiệu quả gì cả.
Tóm lại, tranh giành và nhường nhịn là điều rất cần thiết trong cuộc sống hôm nay. Riêng bản thân em sẽ nhường nhịn các bạn em mà em thấy họ thật sự cần như em sẽ nhận những công việc thầy cô giao cho theo khả năng của mình.
Nghị luận về tranh giành và nhường nhịn – Mẫu 4
Trong cuộc sống xã hội đầy bộn bề như ngày nay thì tính cách của con người cũng theo đó mà có sự biến chuyển rất rõ rệt. Trong vô vàn những tính cách của con người thì dường như sự tranh giành và nhường nhịn là hai trong số những tính cách có mối quan hệ khăng khít với nhau. Nếu như sự nhường nhịn là biểu hiện của đức tính vị tha, khoan dung thì tranh giành là sự biểu hiện của lòng đố kỵ.
Vậy tranh giành và nhường nhịn đã được thể hiện như thế nào trong cuộc sống của chúng ta? Và chúng có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực nào trong xã hội?
Trước hết ta phải hiểu rõ tranh giành là gì? Đó là tranh nhau để giành lấy điều gì đó về phía mình bất chấp tất cả. Thế còn nhường nhịn nghĩa là gì ? Là chúng ta chịu nhận phần kém, phần thiệt về mình, để cho người khác được hưởng phần hơn trong quan hệ đối xử với nhau. Với cách chúng ta vừa định nghĩa thì hai khái niệm này một bên thì thể hiện cái tốt và một bên thể hiện cái chưa tốt.
Vậy thì tại sao chúng ta nên nhường nhịn nhau trong cuộc sống? Bởi vì đó là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người. Cuộc sống của chúng ta sẽ dễ dàng hơn, thắt chặt được mối quan hệ, tình cảm giữa con người với con người với nhau hơn. Trong kho tàng truyện ngụ ngôn dân gian, chúng ta chắc ai cũng đã từng đọc qua câu chuyện “Dê trắng và Dê đen”. Khi hai con dê tranh nhau qua cầu, do không ai chịu nhường nhịn ai nên cả hai cuối cùng đều rớt xuống sông. Nội dung câu chuyện trên cùng minh chứng phần nào cho việc nếu chúng ta trong cuộc sống không biết nhường nhịn lẫn nhau thì cả hai sẽ phải chịu những hậu quả nặng nề.
Hay trong cuộc sống, tìm hiểu tình huống trong siêu thị có hàng người đang xếp hàng để tính tiền phần hàng mình vừa mua, thế nhưng bỗng có một người chen ngang chạy lên đứng đầu hàng để tính tiền, những người đứng đợi khá lâu trước đó rất bức xúc và bắt đầu đôi bên gây ra cãi vã, dẫn đến đánh nhau rất đáng tiếc. Trong tình huống này, ta thấy người chen ngang đã thể hiện mình là một người vừa không có ý thức xếp hàng, vừa thể hiện mình là một người rất bất lịch sự. Nếu như hai bên mỗi bên nhường nhịn nhau một tiếng, và xếp hàng một cách trật tự thì sẽ không có chuyện gì xảy đến.
Vậy tranh giành có mang lại lợi ích gì cho con người không mà sao vẫn tồn tại rất nhiều con người thích tranh giành với nhau như vậy? Trước hết ta cần xác định, tranh giành là một đức tính không tốt của con người. Nó khiến cho mối quan hệ giữa con người và con người trở nên xấu đi, làm mất đi tình cảm thân thiết. Đồng thời, nó cũng thể hiện mình là một kẻ ích kỷ, không biết suy nghĩ và quan tâm đến những người xung quanh mình. Giống như nhân vật thích chen ngang một cách bất lịch sự như vị khách trong siêu thị như trong câu chuyện trên đã thể hiện rõ tranh giành nhau sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích tốt đẹp nào cả.
Nhưng trong xã hội đầy rối ren, xô bồ thì có phải nhường nhịn mãi sẽ trở nên hèn nhát không ? Xin thưa mọi người là không. Bởi vì khi ta nhường nhịn, điều đó đã thể hiện cách xử sự khôn khéo trong giao tiếp ứng xử của con người với nhau. Nó giúp cho ta đạt được dễ dàng những thành quả trong cuộc sống. Ví dụ như trong gia đình chúng ta, nếu anh chị em trên thuận dưới hoà, mỗi người đều biết nhường nhịn lẫn nhau sẽ tạo nên một đại gia đình hạnh phúc và yên vui, làm ấm lòng những người làm cha, làm mẹ. Còn ngoài xã hội, nếu như ai ai cũng biết tâm niệm “Một câu nhịn, chín sự lành” thì xã hội của chúng ta sẽ đẹp đẽ biết bao. Còn nếu như ai ai cũng chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, ích kỉ mà không quan tâm đến mọi người thì chắc chắn những người đó sẽ dễ gặp trắc trở và thất bại trong cuộc sống sau này của mình.
Nói tóm lại, tranh giành và nhường nhịn luôn tồn tại trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần phải mở rộng lòng mình, luôn lấy sự nhường nhịn làm kim chỉ nam trong cuộc sống của bản thân. Từ đó khắc phục dần thói xấu tranh giành lẫn nhau.
Nghị luận về tranh giành và nhường nhịn – Mẫu 5
Cuộc sống vốn không bao giờ có sự công bằng. Vì thế cho nên đừng bao giờ ta đòi hỏi bất kì một sự công bằng tuyệt đối nào. Thay vì tranh giành để giành lấy phần lợi hơn về bản thân mình thì tại sao chúng ta không học cách nhường nhịn nhau để cuộc đời này nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Và tranh giành và nhường nhịn cũng là vấn đề mà ta cần bàn đến hôm nay.
Trước hết, chúng ta hiểu tranh giành là giành giật, chiếm lấy phần lợi, muốn có được những thứ mặc dù không thuộc về mình. Cụ thể như muốn giành lấy những thứ tốt đẹp của người khác. Ngược lại, nhường nhịn là cho đi, là chia sẻ những điều tốt đẹp của mình với người khác – một đức tính cao đẹp đáng tự hào ngợi ca. Tranh giành và nhường nhịn là biểu hiện trái ngược nhau trong cách ứng xử với của con người và luôn tồn tại trong cuộc sống.
Hãy tìm hiểu cụ thể hơn về hai biểu hiện trong đức tính con người này. Trong cuộc sống, sự tranh giành được phát sinh từ lòng tham và sự đố kị. Con người khi không kiểm soát được những ham muốn của bản thân sẽ phát sinh những sự tranh giành không đáng có. Cảm thấy bản thân thua kém người khác nên tìm mọi cách để giành giật những điều tốt đẹp của họ về mình. Thêm nữa sự tranh giành còn bắt nguồn từ sự hiếu thắng, không thể thua kém người khác. Sự tranh giành sẽ là mầm mống làm cho con người trở nên xấu xa và đê hèn. Ngược lại sự nhường nhịn là một đức tính tốt đẹp thể hiện một con người vị tha luôn biết quan tâm tới người khác. Sự nhường nhịn sẽ giúp con người sống chan hòa với nhau hơn, xã hội văn minh giàu đẹp. Cuộc sống sẽ dịu dàng biết mấy khi con người biết đặt mình vào vị trí của nhau, khi chúng ta hiểu và cảm thông với hoàn cảnh của người khác thì sẽ biết nhường nhịn và giúp đỡ.
Có rất nhiều biểu hiện cụ thể trong cuộc sống thể hiện hai mặt tranh giành và nhường nhịn. Khi đi xe buýt chúng ta tranh giành nhau từng chỗ đứng, chỗ ngồi rồi cãi cọ xô xát dẫn đến những sự cố không đáng có. Tại sao chúng ta không thể nhường nhịn nhau, ai đến trước thì ngồi trước và nhường nhịn trẻ em, người già? Khi đi thang máy cũng vậy, tại sao không hòa nhã nhường nhau mà phải bon chen để đi trước. Mọi sự tranh giành đều mang đến những hậu quả khó lường. Ngược lại có rất nhiều những tình huống thể hiện sự nhường nhịn trong cuộc sống. Bản thân chúng ta biết giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, cụ thể như quyên góp ủng hộ tiền để giúp họ trang trải cuộc sống. Tất cả những điều đó không phải tốt hơn sự tranh giành hay sao?
Vậy bản thân chúng ta phải làm gì để loại bỏ sự tranh giành và thay vào đó là sống biết nhường nhịn lẫn nhau? Làm ơn, đừng bao giờ sống đố kỵ và tham lam. Tại sao chúng ta phải sống bon chen trong khi việc nhường nhịn khiến bản thân mỗi người trở nên tốt đẹp hơn nhiều? Hãy loại bỏ sự tranh giành mà thay vào đó sống biết nhường nhịn, lắng nghe, yêu thương mọi người bởi những gì là của mình sẽ mãi là của mình còn những gì không là của mình có tranh giành cũng vô ích. Hãy làm một con người có một trái tim ấm nóng biết cảm thông, biết nhường nhịn. Một xã hội lành mạnh và văn minh sẽ không tồn tại sự tranh giành mà ở đó chỉ có sự sẻ chia và nhường nhịn. Bản thân chúng ta là học sinh, đừng bao giờ đố kỵ khi ai đó có thành tích cao hơn, hãy chúc mừng họ và học hỏi những điều tốt đẹp. Khi nhường nhịn, nhân cách con người trở nên cao đẹp hơn rất nhiều.
Cần hiểu rõ ràng rằng tranh giành là một thái độ đáng phê phán nếu như chúng ta muốn lấy những gì thuộc về người khác. Còn nếu như ta giành lại những gì vốn thuộc về chúng ta, đó lại là một hành động cần thiết phải làm, những lúc như thế, nhường nhịn sẽ chỉ thể hiện mặt yếu kém của chúng ta mà thôi, xin dẫn ra dẫn chứng tiêu biểu nhất đó là dân tộc ta đã giành lại đất nước từ tay Thực dân Pháp và Đế quốc Mĩ.
Nhường nhịn là một biểu hiện đẹp trong cách hành xử của con người nhưng tranh giành thì ngược lại, tranh giành làm ta xấu đi trong mắt mọi người. Bởi thế chúng ta cần phải ý thức đề cao sự nhường nhịn và loại bỏ đi sự tranh giành. Hãy làm cho cuộc sống tốt đẹp bằng cách sống vì người khác, nuôi trong mình phẩm chất cao đẹp.
Nghị luận về tranh giành và nhường nhịn – Mẫu 6
Trong xã hội ngày nay, có muôn hình vạn trạng những con người với những tính cách khác nhau. Trong đó tranh giành và nhường nhịn là hai phạm trù khá quen thuộc tồn tại trong mỗi người. Vậy bạn nghĩ gì về hai kiểu tính cách tưởng chừng như đối lập này? Nó ảnh hưởng như thế nào đến xã hội và con người?
Trước hết để nêu ý kiến về vấn đề này thì bạn nên tìm hiểu thế nào là tranh giành và thế nào là nhường nhịn? Tranh giành là việc làm đấu tranh có thể bằng lí lẽ hoặc bằng sức mạnh để giành lấy một thứ gì đó là đồ vật hoặc tình cảm nó xuất phát từ ham muốn chiếm hữu và lòng tham của con người. Thường mang ý nghĩa không được tốt đẹp cho lắm. Ngược lại với tranh giành là nhường nhịn. Đó là đức tính vô cùng tốt đẹp của con người, nhẫn nhịn chịu phần thiệt về mình không hề sân si hay tranh chấp với bất cứ ai.
Biểu hiện chính là nó là trong mối quan hệ hàng ngày, giữa bạn bè, công việc, hay tình cảm. Trong bất kì một mối quan hệ nào tốt nhất nên dựa trên cơ sở lành mạnh, chan hòa tương trợ giúp đỡ lẫn nhau chứ không nên vì lợi ích cá nhân mà tranh giành những thứ không thuộc về mình. Bởi tranh giành sẽ khiến con người trở mặt thành thù còn nhường nhịn sẽ khiến các mối quan hệ trở nên hài hòa, yên ấm và văn minh hơn.
Trên thực tế đã chứng minh việc nhường nhịn nhau là vô cùng cần thiết. Nó không chỉ tồn tại trong quan hệ tình bạn, công việc mà đơn giản là trong mối quan hệ anh em gia đình. Anh em nhường nhịn nhau sẽ tránh mất hòa khí, hạn chế xung đột mang đến cho gia đình sự yên ấm và hạnh phúc. Còn tranh giành sẽ khiến “trở mặt thành thù” và trở thành vũ khí giết chết nhân ái trong mỗi con người.
Thực chất trong mỗi người đều tồn tại hai mặt là tranh giành và nhường nhịn cùng song song hiện hữu trong một chủ thể. Thế nhưng quan trọng là chúng ta biết cách chế ngự lòng tham, sự ham muốn chiếm hữu của mình xuống thấp nhất để giữ tình hòa hữu giữa các bên.
Tuy nhiên không phải lúc nào việc tranh giành cũng mang ý nghĩa tiêu cực. Lịch sử đã chứng minh nhiều sự tranh giành là đúng nghĩa. Dân tộc ta trải qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, trong quá trình xây dựng bờ cõi quốc gia chúng ta phải chiến đấu với rất nhiều kẻ thù xâm lược để giành lấy chủ quyền. Cuộc chiến đó không hề phi lý mà nó còn trở nên chính nghĩa. Thể hiện được tự tôn dân tộc sâu sắc.
Nhường nhịn ở mức chấp nhận được và đúng hoàn cảnh thì tốt song nếu nó không đúng hoàn cảnh thì trở thành trò cười cho mọi người. Bạn có thể giữ gìn hòa khí được một, hai lần thế nhưng để cho người khác chà đạp lên quyền lợi, nhân phẩm của mình và người thân mà vẫn nhường nhịn thì đó là nhu nhược. Vì thế con người hãy làm sao để dung hòa tốt nhất những yếu tố đó. Để chúng ta vừa là những người điềm tĩnh nhất lại vừa biết cách bảo vệ chính mình và người thân của mình một cách có văn hóa và đúng lí nhất.
Tranh giành và nhường nhịn là hai phạm trù vô cùng quan trọng của cuộc sống. Vì thế bạn hãy trở thành những người khôn khéo, có nghệ thuật trong ứng xử để trở thành một người hoàn hảo nhất.
Nghị luận về tranh giành và nhường nhịn – Mẫu 7
Trong cuộc sống luôn có những sự mâu thuẫn và đối lập nhau. Đôi khi chúng ảnh hưởng tiêu cực tới nhau, đôi khi ngược lại chúng lại bổ trợ cho nhau. Ví dụ như sự “tranh giành” và “nhường nhịn” trong mỗi người.
Tranh giành là đấu tranh bằng lí lẽ hoặc hành động để giành lấy một đồ vật hay một thứ gì đó bao hàm cả vật chất, tinh thần, tình cảm từ một người nào đó. Nó xuất phát từ sự ham muốn rất lớn một sự vật nào đó về phía mình. Còn nhường nhịn thì ngược lại, là chịu thiệt về mình, không tranh chấp với ai, chịu để lại một sự vật nào đó cho người khác với thái độ hòa nhã. Đây là thái độ sống được đề cao.
Tranh giành và nhường nhịn tuy là hai biểu hiện phẩm chất khác nhau, tuy nhiên chúng có một điểm chung đó là đều thể hiện thông qua hành động, biểu hiện bên ngoài, từ trong cách ứng xử giao tiếp giữa mọi người từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Ví như, ngay từ khi còn bé có những đứa trẻ đã có những hành động tranh giành cái kẹo, cái bánh hay đồ chơi với anh chị em của mình. Những hành động đó tuy không có gì to tát nhưng lại là mầm mống cho những thói xấu sau này nếu hành động đó không được uốn nắn dạy dỗ cẩn thận thì khi lớn lên đứa trẻ đó sẽ dễ trở nên một kẻ ích kỷ, lúc nào cũng chăm chăm đến quyền lợi bản thân, giành giật những cái vốn không phải của mình. Còn ngược lại nếu ngay từ bé, một đứa trẻ được dạy dỗ phải biết nhường nhịn người khác, biết chia sẻ những thứ mình có với mọi người xung quanh thì chắc chắn khi lớn lên đứa trẻ đó sẽ trở thành một người biết yêu thương, giúp đỡ mọi người xung quanh.
Tranh giành, nhường nhịn là hai mặt, hai khái niệm trái ngược nhau. Sự tranh giành làm cho con người trở nên ích kỉ, làm xấu đi nhiều mối quan hệ trong xã hội. Ngược lại, nhường nhịn là sự chia sẻ cảm thông, làm cho con người lớn lên, hoàn thiện hơn về nhân cách. Từ xưa cha ông ta thường dạy “một điều nhịn chín điều lành” chính vì vậy chúng ta ít tranh giành với nhau nhường nhịn nhau sẽ mang lại hạnh phúc cho người khác mà còn mang lại nhiều điều tốt lành cho mình. Đó là một phẩm chất cần có của con người mới trong xã hội hôm nay, những con người không chỉ hạnh phúc khi được nhận mà còn biết hạnh phúc khi được trao ban
Dù vậy, ta cũng cần nhìn nhận hai vấn đề “tranh giành” và “nhường nhịn” trên nhiều phương diện. Tuy tranh giành là không nên nhưng ta vẫn có thể tranh giành nếu như việc đó đem lại lợi ích cho mọi người, cho đất nước. Ví như việc ông cha ta từ xưa đã dũng cảm đứng lên giành lại độc lập dân tộc dù có phải hy sinh tính mang, hy sinh hạnh phúc của bản thân để có được một nước Việt Nam độc lập như ngay nay. Hay như những phụ nữ hiện đại đã dám đứng lên đòi hỏi quyền bình đẳng cho nữ giới. Tất cả những hành động đó tuy là tranh giành nhưng là tranh giành một cách có lý và có lợi cho tất cả mọi người, điều đó nên được khuyến khích. Còn nhường nhịn tuy là điều cần thiết cho cuộc sống, nhưng không phải lúc nào ta cũng chịu phần thiệt về mình. Như trong công việc, nếu ta có khả năng hoàn thành nhưng, nhường nhịn người khác sẽ làm tổn bao nhiêu công sức và tiền của mà không đạt hiệu quả gì cả.
Mỗi người nên hướng bản thân vào lối sống đẹp. Ta cần biết nhường cơm sẻ áo cho người khác. Hơn nữa, ta cần phải học cách nhường nhịn, học cách sẻ chia và học cả cách yêu thương con người. Tự giáo dục mình thôi chưa đủ mà phải có ý thức giáo dục những người khác, đặc biệt là những người nhỏ tuổi hơn ta. Trong mối quan hệ bạn bè, chúng ta nên giúp đỡ tương trợ lẫn nhau mỗi khi gặp khó khăn, không nên vì lợi ích cá nhân mình mà tranh giành những thứ vô bổ, vô giá trị để huỷ hoại tình bạn vốn cao quý và đẹp đẽ. Trong gia đình, anh em nên hoà thuận với nhau không vì những chuyện nhỏ nhặt mà khiến cho anh em tương tàn.
Tóm lại, chúng ta nên hướng bản thân mình vào một lối sống cao đẹp không vì bản thân hay sống vì người khác. Lối sống nhường nhịn là lối sống cao đẹp đòi hỏi chúng ta nên học hỏi và phát huy.