Sinh học

26 CÂU HỎI ĐÁP TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Câu hỏi 1. Xin hỏi, những hành vi nào bị nghiêm cấm trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 5 Luật an toàn thực phẩm năm 2010, những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

1. Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm.

2. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm.

3. Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

4. Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

5. Sản xuất, kinh doanh:

a) Thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; b) Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; c) Thực phẩm bị biến chất;

d) Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép;

đ) Thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không bảo đảm an toàn hoặc bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm;

e) Thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu;

g) Thực phẩm không được phép sản xuất, kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh;

h) Thực phẩm chưa được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thực phẩm đó thuộc diện phải được đăng ký bản công bố hợp quy;

i) Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng.

6. Sử dụng phương tiện gây ô nhiễm thực phẩm, phương tiện đã vận chuyển chất độc hại chưa được tẩy rửa sạch để vận chuyển nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm.

7. Cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả kiểm nghiệm thực phẩm.

8. Che dấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố an toàn thực phẩm hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm.

9. Người mắc bệnh truyền nhiễm tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

10. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

11. Quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng.

12. Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.

13. Sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè, hành lang, sân chung, lối đi chung, diện tích phụ chung để chế biến, sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố.

Câu hỏi 2. Đề nghị cho biết các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 91/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là Nghị định số 91/2012/NĐ-CP), mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

+ Cảnh cáo;

+ Phạt tiền. Mức tiền phạt tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

+ Tước quyền sử dụng: Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy; Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Giấy Xác nhận nội dung quảng cáo;

+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó bao gồm cả giấy tờ, tài liệu bị sửa chữa, tẩy xóa hoặc giả mạo hoặc do cấp sai quy định.

Ngoài các hình thức xử phạt quy định nêu trên, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

+ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

+ Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

+ Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hoá thực phẩm, phương tiện;

+ Buộc thu hồi, tiêu hủy hoặc tái chế đối với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm vi phạm; buộc thu hồi, tiêu hủy các tài liệu, phương tiện vi phạm, trừ trường hợp phải thu giữ để làm tang chứng, vật chứng cho việc xử lý tiếp theo;

+ Các biện pháp khắc phục hậu quả khác theo quy định pháp luật;

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải chịu mọi chi phí theo quy định của pháp luật cho việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Câu hỏi 3. Là chủ của một cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp cho công nhân, chị H đã chỉ đạo cho nhân viên sử dụng một số nguyên liệu được đóng trong các gói ni lông không dán nhãn mác và không có tên trên bao bì. Các nguyên liệu này không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc dù biết điều đó, nhưng chị H vẫn cố tình vi phạm. Xin hỏi, việc sử dụng các nguyên liệu không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm của chị H sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Hành vi sử dụng các nguyên liệu không bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm của chị H nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 91/2012/NĐ-CP:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn thực phẩmhoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Ngoài ra, chị H còn bị hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 06 tháng đến 09 tháng trong trường hợp tái phạm.

Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm này.

Câu hỏi 4. Khi mẹ tôi mua chả lụa ở chợ về ăn thì thấy miếng chả giòn dai, thơm phức nhưng lại có vị đăng đắng sau khi ăn. Mẹ tôi nghi ngờ rằng khi chế biến chả người ta đã cho hàn the hoặc một phụ gia nào khác. Tôi được biết hàn the là chất phụ gia đã bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm và có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên hiện nay nhiều cơ sở vẫn cho thêm chất này vào chế biến để bảo quản giò chả được lâu và ngon hơn. Xin hỏi, hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm như hàn the sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 91/2012/NĐ-CP hành vi vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm bị xử phạt như sau:

– Đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm

+ Bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng

+ Bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 06 tháng đến 09 tháng trong trường hợp tái phạm đối với hành vi vi phạm này.

+ Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc tiêu huỷ tang vật vi phạm.

– Đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc sử dụng phụ gia là chất độc hại (như hàn the) để sản xuất, chế biến thực phẩm

+ Bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng

+ Bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 09 tháng đến 12 tháng trong trường hợp tái phạm.

+ Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm

Câu hỏi 5. Bà C là chủ một cơ sở sản xuất nem chua gia truyền đã bí mật sử dụng một số hóa chất không rõ nguồn gốc, không có thời hạn sử dụng để tẩy trắng bì lợn trong quá trình sản xuất nem chua. Xin hỏi hành vi của bà C có vi phạm các quy định về sử dụng hóa chất hay không và nếu có sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Do các hóa chất mà bà C sử dụng không rõ nguồn gốc, không có thời hạn sử dụng nên hành vi của bà C đã vi phạm các quy định về sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm và sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 91/2012/NĐ-CP:

– Đối với hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng trong hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm.

+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng

+ Hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 06 tháng đến 09 tháng trong trường hợp tái phạm đối với hành vi vi phạm này.

+ Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc tiêu huỷ tang vật vi phạm là hóa chất không rõ nguồn gốc, bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm; thực phẩm có chứa hoá chất đối với hành vi vi phạm.

– Đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng

+ Phạt tiền bằng 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm nếu mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt theo quy định pháp luật đối với hành vi này (là 50.000.000 đồng) thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt không quá 100.000.000 đồng.

+ Hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 09 tháng đến 12 tháng trong trường hợp tái phạm đối với hành vi vi phạm này.

+ Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc tiêu huỷ tang vật vi phạm là hóa chất không rõ nguồn gốc, bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm; thực phẩm có chứa hoá chất đối với hành vi vi phạm.

Câu hỏi 6. Đề nghị cho biết vi phạm quy định về sử dụng vi chất dinh dưỡng trong sản xuất, chế biến thực phẩm bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 91/2012/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về sử dụng vi chất dinh dưỡng trong sản xuất, chế biến thực phẩm bị xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Tăng cường vi chất dinh dưỡng là vitamin, khoáng chất, chất vi lượng vào thực phẩm không thuộc danh mục theo quy định của Bộ Y tế;

+ Tăng cường vi chất dinh dưỡng là vitamin, khoáng chất, chất vi lượng vào thực phẩm thuộc danh mục theo quy định của Bộ Y tế nhưng sử dụng với hàm lượng vượt quá mức quy định cho phép.

– Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thực hiện đúng quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm này.

Câu hỏi 7. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của cửa hàng ông C đã hết thời hạn hơn 1 tháng. Do bận việc ông C vẫn chưa đi đăng ký kiểm tra để cấp lại giấy chứng nhận. Biết chuyện, em gái ông C là chị B đã giục anh trai phải nhanh chóng đi đăng ký vì thời gian hết hạn lâu thì sẽ bị xử phạt nặng hơn. Xin hỏi ý kiến của chị B có chính xác hay không? Pháp luật quy định thế nào về việc xử phạt đối với hành vi sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết thời hạn ?

Trả lời:

Ý kiến của chị B về việc giấy chứng nhận hết thời hạn càng lâu, càng bị xử phạt phạt nặng là chính xác.

Theo Điều 23 Nghị định số 91/2012/NĐ-CP các hành vi vi phạm quy định về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bị xử phạt như sau:

– Xử phạt đối với hành vi sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết thời hạn với các mức sau:

+ Phạt cảnh cáo đối với hành vi sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết thời hạn dưới 30 ngày;

+ Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cơ sở thực phẩm thuộc cấp xã quản lý có hành vi sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết thời hạn từ 1 tháng đến 3 tháng;

+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với cơ sở thực phẩm thuộc cấp huyện quản lý có hành vi sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết thời hạn từ 1 tháng đến 3 tháng;

+ Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cơ sở thực phẩm thuộc cấp tỉnh trở lên quản lý có hành vi sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết thời hạn từ 1 tháng đến 3 tháng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc đăng ký kiểm tra để cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩmđối với hành vi vi phạm này.

– Xử phạt đối với hành vi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định hoặc có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết thời hạn trên 3 tháng với các mức sau:

+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cơ sở thực phẩm thuộc cấp xã quản lý;

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cơ sở thực phẩm thuộc cấp huyện quản lý;

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cơ sở thực phẩm thuộc cấp tỉnh trở lên quản lý.

Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc đăng ký kiểm tra để cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với hành vi vi phạm này.

– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo, sửa chữa giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu các loại giấy tờ giả, giấy tờ bị tẩy xóa, sửa chữa đối với hành vi vi phạm này.

Câu hỏi 8. Hiện nay, tôi thấy có nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo khi chưa được cơ quan y tế có thẩm quyền kiểm duyệt hoặc quảng cáo sai sự thật, không đúng với nội dung đã đăng ký gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Tôi muốn hỏi, các hành vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 91/2012/NĐ-CP các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm bị xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Sử dụng danh nghĩa các cơ quan nhà nước, cơ sở y tế, thầy thuốc, nhân viên y tế trong quảng cáo thực phẩm;

+ Sử dụng tài liệu dành cho cán bộ cơ quan nhà nước, cán bộ y tế để quảng cáo cho cộng đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật đối với hai hành vi vi phạm nêu trên.

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Quảng cáo thực phẩm không có Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm;

+ Quảng cáo thực phẩm nhưng không có Giấy Xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định;

+ Quảng cáo thực phẩm không đúng với nội dung quảng cáo đã đăng ký, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận;

Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc đính chính trên các phương tiện thông tin đại chúng

+ Quảng cáo thức ăn dùng cho trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi, sữa dành cho trẻ từ 24 tháng tuổi không theo quy định;

+ Quảng cáo thực phẩm có kèm quảng cáo bình vú với đầu vú nhân tạo và núm vú giả dưới mọi hình thức.

Hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng Giấy Xác nhận nội dung quảng cáo từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần đối với các hành vi quảng cáo thực phẩm không đúng với nội dung quảng cáo đã đăng ký, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; quảng cáo thức ăn dùng cho trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi, sữa dành cho trẻ từ 24 tháng tuổi không theo quy định; quảng cáo thực phẩm có kèm quảng cáo bình vú với đầu vú nhân tạo và núm vú giả dưới mọi hình thức.

Ngoài ra, tất cả hành vi vi phạm nêu trên buộc thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng, quảng cáo thực phẩm có công hiệu thay thế thuốc chữa bệnh dưới mọi hình thức;

Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc đính chính trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với hành vi vi phạm này;

+ Quảng cáo thức ăn dùng cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi;

+ Quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ có tác dụng bằng hoặc tốt hơn so với sữa mẹ;

Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc đính chính trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với hành vi vi phạm này;

+ Tổ chức hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm có phát tán các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không được thẩm định hoặc không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định.

Ngoài ra, buộc thu hồi, tiêu hủy tang vật vi phạm là tờ rơi, tờ gấp, ấn phẩm đã phát tán, còn tồn chưa phát tán đối với tất cả hành vi vi phạm nêu trên.

Câu hỏi 9. Pháp luật quy định mức xử phạt như thế nào đối với các vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm?

Trả lời:

Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 27 Nghị định số 91/2012/NĐ-CP như sau:

– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành hành vi sau:

+ Không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật về an toàn thực phẩm.

Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cung cấp thông tin chính xác về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hành vi vi phạm này;

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phát hành tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật.

Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thu hồi, tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm này.

Câu hỏi 10. Xin hỏi những vi phạm quy định về ghi nhãn thực phẩm bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 28 Nghị định số 91/2012/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn thực phẩm bị xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá thực phẩm vi phạm một trong các hành vi sau:

+ Lưu thông thực phẩm chức năng; phụ gia thực phẩm; thực phẩm đã qua chiếu xạ; một số thực phẩm biến đổi gen (thuộc đối tượng phải ghi nhãn theo quy định của pháp luật về ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen); sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ mà không thể hiện cụm từ bắt buộc theo quy định;

+Lưu thông hàng hóa là thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen với tỷ lệ lớn hơn 5% mỗi thành phần mà không thể hiện các thông tin liên quan đến sinh vật biến đổi gen trên nhãn hàng hóa.

– Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường;

+ Buộc thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa thực phẩm thực hiện biện pháp khắc phục về nhãn hàng hóa.

Câu hỏi 11. Ông K là chủ một cơ sở sản xuất ô mai gia truyền. Khi cơ quan có thẩm quyền về quản lý an toàn thực phẩm tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất tại cơ sở, ông K đã cố ý không hợp tác làm việc. Không những thế, ông còn có thái độ lăng mạ những người đang làm nhiệm vụ kiểm tra. Khi được yêu cầu xuất trình Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ông đã không chấp hành và có hành vi hành hung người thi hành công vụ. Xin hỏi hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của ông K bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của ông K có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 91/2012/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm như sau:

– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không phối hợp hoặc cản trở công tác điều tra, thu thập số liệu phục vụ việc đánh giá hiện trạng bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền.

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi cản trở công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền về quản lý an toàn thực phẩm.

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý trì hoãn hoặc trốn tránh không thi hành các quyết định hành chính của người, cơ quan có thẩm quyền.

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Tự ý tháo gỡ niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm đang bị niêm phong, tạm giữ hoặc tự ý làm thay đổi hiện trường vi phạm hành chính;

+ Tẩu tán, làm thay đổi, đánh tráo tang vật, phương tiện đang bị kiểm tra hoặc tạm giữ;

Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thu hồi, nộp lại các tang vật, phương tiện bị tẩu tán đối với hành vi vi phạm;

+ Lăng mạ, làm nhục người đang làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Chứa chấp, tiêu thụ tang vật, phương tiện đang bị thanh tra, kiểm tra, tạm giữ bị tẩu tán;

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi, nộp lại các tang vật, phương tiện bị tẩu tán đối với hành vi vi phạm này.

+ Hành hung người thi hành công vụ.

Ông K bị xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi cản trở công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền về quản lý an toàn thực phẩm

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đối với hành vi hành hung người thi hành công vụ.

Câu hỏi 12. Trong quá trình vận chuyển các hộp cá đông lạnh từ kho ra cửa hàng, do sơ ý, anh K chủ cửa hàng làm rơi các hộp cá xuống đất. Hộp cá bị bật nắp, đồng thời bao bì bị rách và bung ra. Chị L vợ anh K cho rằng chỉ cần thay các vỏ hộp và bao bì khác là có thể tiếp tục bày bán ở cửa hàng. Song anh K không đồng ý với ý kiến của vợ, anh cho rằng số cá đã không bảo đảm vệ sinh do mất nắp, nên không thể đem bán. Hơn nữa, nếu làm như thế là vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Xin hỏi ý kiến của anh K đúng hay sai?

Trả lời:

Theo quy định tại Điểm đ Khoản 5 Điều 5 Luật an toàn thực phẩm, nghiêm cấm trong sản xuất kinh doanh những thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không bảo đảm an toàn hoặc bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm.

Như vậy, ý kiến của anh K không thể đem bán số cá hộp nêu trên là đúng. Trong sản xuất, kinh doanh không được sử dụng thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không bảo đảm an toàn hoặc bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm là hoàn toàn chính xác.

Câu hỏi 13. Chị H nuôi một đàn lợn thịt ở sau nhà, sát với cái ao chung của xóm làng. Gần đây, bà con hàng xóm phàn nàn nhà chị để chất thải của lợn trôi xuống ao và khuyên chị nên xây dựng một khu xử lý chất thải riêng rẽ. Tuy nhiên, chị lờ đi lời phàn nàn của hàng xóm, cứ để mặc cho chất thải trôi xuống ao làng, vì cho rằng ao làng là chung, không ảnh hưởng đến một ai cả. Xin hỏi, việc làm của chị có vi phạm pháp luật hay không?

Trả lời:

Chị H đã vi phạm các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống theo quy định của Điều 23 Luật an toàn thực phẩm. Theo đó, cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Bảo đảm các điều kiện về đất canh tác, nguồn nước, địa điểm sản xuất để sản xuất thực phẩm an toàn;

b) Tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng giống cây trồng, giống vật nuôi; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất kích thích tăng trưởng, chất tăng trọng, chất phát dục, chất bảo quản thực phẩm và các chất khác có liên quan đến an toàn thực phẩm;

c) Tuân thủ quy định về kiểm dịch, vệ sinh thú y trong giết mổ động vật; về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt;

d) Thực hiện việc xử lý chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

đ) Chất tẩy rửa, chất diệt khuẩn, chất khử độc khi sử dụng phải bảo đảm an toàn cho con người và môi trường;

e) Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất thực phẩm tươi sống.

Câu hỏi 14. Buôn bán trứng gà được một thời gian khá lâu, nhưng khi được khách hàng hỏi chị G nhập trứng từ đâu thì chị G lúng túng, không trả lời được. Vì chị cũng chỉ lấy mối hàng từ người đưa trứng và không quan tâm đến nguồn gốc của trứng lấy từ đâu. Chị cho rằng người bán hàng chỉ cần quan tâm chất lượng của sản phẩm ở cửa hàng mà không cần biết đến nguồn gốc. Xin hỏi chị G phải có trách nhiệm biết về nguồn gốc số trứng tại cửa hàng hay không?

Trả lời:

Theo Điểm e Khoản 1 Điều 23 Luật an toàn thực phẩm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống, một trong những trách nhiệm của cơ sở sản xuát kinh doanh thực phẩm tươi sống là phải duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất thực phẩm tươi sống.

Do vậy, chị G phải có trách nhiệm biết rõ nguồn gốc và xuất xứ nguồn thu mua trứng gà của cửa hàng mình.

Câu hỏi 15. Dự định mở cửa hàng bán hoa quả tại nhà, anh T bàn với vợ sửa sang một phòng sạch sẽ, khử trùng để làm kho chứa hoa quả, nhưng vợ anh nói không cần thiết vì hoa quả để đâu cũng được và khi ăn khách hàng phải gọt vỏ. Ý kiến của ai là chính xác?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 24 Luật an toàn thực phẩm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống, cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Tuân thủ các điều kiện về bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, điều kiện về bảo đảm an toàn trong bảo quản, vận chuyển thực phẩm quy định của Luật an toàn thực phẩm;

b) Bảo đảm và duy trì vệ sinh nơi kinh doanh.

Như vấy, ý kiến của anh Hoàn về việc sửa sang một phòng để làm kho chứa hoa quả sạch sẽ, hợp vệ sinh là đúng.

Câu hỏi 16. Chị M ra cửa hàng mua một chiếc máy nấu sữa đậu nành. Lúc thanh toán, cửa hàng chỉ đưa phiếu tạm tính tiền nhưng không có hóa đơn, chứng từ kèm theo. Không những thế, nhân viên cửa hàng nói sản phẩm được bảo hành 6 tháng, nhưng khi chị hỏi phiếu bảo hành, nhân viên nói: “Không cần phiếu bảo hành, hư cứ mang đến đây, chỉ cần nhìn là biết của cửa hàng, cửa hàng sẽ sửa cho”. Chị không đồng ý mà yêu cầu phải được cung cấp hóa đơn, chứng từ và phiếu bảo hành thì mới mua hàng, vì đây là một trong các quyền của người tiêu dùng. Ý kiến của chị M có chính đáng hay không? Xin hỏi người tiêu dùng có những quyền lợi gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có các quyền sau:

1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Như vậy, yêu cầu của chị M về hóa đơn, chứng từ và phiếu bảo hành đi kèm sản phẩm là hoàn toàn chính xác.

Câu hỏi 17. Ông Y cho rằng khách hàng là thượng đế, nên khi đi mua hàng hóa, người tiêu dùng chỉ có quyền, không có nghĩa vụ gì cả. Ý kiến của ông đúng hay sai?

Trả lời:

Ý kiến của ông Y là không chính xác, vì bên cạnh quyền, người tiêu dùng còn có những nghĩa vụ nhất định, được quy định tại Điều 9 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:

1. Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

2. Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Câu hỏi 18. Đề nghị cho biết trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 12 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng như sau:

1. Ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

2. Niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ.

3. Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa.

4. Cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa.

5. Cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành.

6. Thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch.

Câu hỏi 19. Xin hỏi trách nhiệm cung cấp bằng chứng giao dịch thuộc về ai?

Trả lời:

Trách nhiệm cung cấp bằng chứng giao dịch được quy định tại Điều 20 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng.

2. Trường hợp giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu quy định nêu trên.

Câu hỏi 20. Cô D mới mua chiếc tủ lạnh được gần ba tháng, nhưng chức năng làm lạnh kém khiến cô không thể làm được nước đá để dùng. Đồng thời, chất lượng tủ lạnh còn có nhiều vấn đề trục trặc khác, không như giới thiệu ban đầu của công ty bán hàng. Cô D đã mang phiếu bảo hành đi yêu cầu, nhưng cả hai lần cô đều phải thuê người vận chuyển tủ đến tận công ty đã bán mới được bảo hành. Cô muốn hỏi việc vận chuyển hàng hóa bảo hành thuộc trách nhiệm của công ty đã bán cho cô hay trách nhiệm của khách hàng?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 21 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 về trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện:

Hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành theo thỏa thuận của các bên hoặc bắt buộc bảo hành theo quy định của pháp luật. Trường hợp hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm:

1. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện do mình cung cấp;

2. Cung cấp cho người tiêu dùng giấy tiếp nhận bảo hành, trong đó ghi rõ thời gian thực hiện bảo hành. Thời gian thực hiện bảo hành không tính vào thời hạn bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thay thế linh kiện, phụ kiện hoặc đổi hàng hóa mới thì thời hạn bảo hành linh kiện, phụ kiện hoặc hàng hóa đó được tính từ thời điểm thay thế linh kiện, phụ kiện hoặc đổi hàng hóa mới;

3. Cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa, linh kiện, phụ kiện tương tự để sử dụng tạm thời hoặc có hình thức giải quyết khác được người tiêu dùng chấp nhận trong thời gian thực hiện bảo hành;

4. Đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp hết thời gian thực hiện bảo hành mà không sửa chữa được hoặc không khắc phục được lỗi.

5. Đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp đã thực hiện bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện từ ba lần trở lên trong thời hạn bảo hành mà vẫn không khắc phục được lỗi;

6. Chịu chi phí sửa chữa, vận chuyển hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đến nơi bảo hành và từ nơi bảo hành đến nơi cư trú của người tiêu dùng;

7. Chịu trách nhiệm về việc bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện cho người tiêu dùng cả trong trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc bảo hành.

Như vậy, đối chiếu với quy định nêu trên thì công ty bán tủ lạnh cho cô D phải có trách nhiệm (hoặc chịu chi phí) vận chuyển hàng hóa đến nơi bảo hành và từ nơi bảo hành về nhà cô D.

Câu hỏi 21. Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật được quy định tại Điều 22 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm:

1. Kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường;

2. Thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 05 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông với các nội dung sau đây:

a) Mô tả hàng hóa phải thu hồi;

b) Lý do thu hồi hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra;

c) Thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi hàng hóa;

d) Thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa;

đ) Các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa;

3. Thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đúng nội dung đã thông báo công khai và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi;

4. Báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật sau khi hoàn thành việc thu hồi; trường hợp việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương.

Câu hỏi 22. Để làm phần thưởng về kết quả học tập tốt cho con gái, anh Nđã mua bộ bàn ghế trẻ em cho con ngồi học. Không ngờ khi cháu ngồi thì phần chân (lắp ráp) bị tuột ốc khiến cháu ngã và bị chấn thương. Anh N đã khiếu nại đến cửa hàng bán bộ bàn ghế thì ở đây nói đó là lỗi của anh vì không kiểm tra khi nhận hàng. Anh liên hệ với công ty sản xuất, họ cũng làm ngơ. Xin hỏi pháp luật có quy định trách nhiệm của ai trong những trường hợp tương tự không?

Trả lời:

Theo Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật (trừ trường hợp trình độ khoa học không thể phát hiện khuyết tật).

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa này bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa;

b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa;

c) Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa;

d) Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa có khuyết tật cho người tiêu dùng trong trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định nêu trên.

Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

Như vậy, anh N có thể yêu cầu cơ quan sản xuất hoặc cửa hàng bán hàng hóa đó bồi thường, nếu họ không chịu thì có thể nhờ Tòa án giải quyết.

Câu hỏi 23. Bà L được nhân viên của công ty dược phẩm X đến nhà giới thiệu một số thuốc là hàng xách tay được làm bằng sụn cá mập và có tác dụng hỗ trợ chữa thấp khớp rất tốt. Hiện nay, công ty đang có chương trình khuyến mại, nên nhân viên công ty mời bà L mua thuốc với giá cả hợp lý. Bà L đã từ chối không mua vì cho rằng đây chỉ là các sản phẩm chức năng, không phải thuốc chữa bệnh. Mặt khác, do các lọ thuốc không có dược chất và không có nguồn gốc rõ ràng, nên theo bà đây là hàng giả. Xin hỏi, ý kiến của bà L có đúng hay không? Pháp luật quy định thế nào là hàng giả?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 08/2013/NĐ-CP ngày 10/01/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (sau đây gọi tắt là Nghị định số 08/2013/NĐ-CP) thì các loại hàng giả bao gồm:

– Hàng không có giá trị sử dụng, công dụng:

+ Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

+ Hàng hóa có hàm lượng, định lượng chất chính, tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

+ Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

+ Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.

– Hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa:

+ Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hóa, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

+ Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.

– Hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ: hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; giả mạo chỉ dẫn địa lý; hàng hóa sao chép lậu.

– Tem, nhãn, bao bì giả.

Như vậy, ý kiến của bà L cho rằng các lọ thuốc trên là hàng giả là chính xác.

Câu hỏi 24. Việc áp dụng các hình thức xử phạt hành chính đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 5 Nghị định số 08/2013/NĐ-CP, việc áp dụng các hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả được pháp luật quy định như sau:

– Hình thức phạt tiền được áp dụng xử phạt tùy theo hành vi vi phạm, tính chất và mức độ vi phạm, đối tượng vi phạm với mức tiền phạt như sau:

+ Đối với hành vi buôn bán hàng giả: Từ 100.000 đồng đến 70.000.000 đồng;

+ Đối với hành vi sản xuất hàng giả: Từ 200.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

– Hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

+ Tang vật là nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện, bộ phận, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, các loại vật tư, nguyên liệu khác và tem, nhãn, bao bì giả được sử dụng để sản xuất hàng giả.

+ Tang vật là loại hàng giả mà nếu áp dụng biện pháp buộc cá nhân, tổ chức vi phạm tự tiêu hủy sẽ ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường, sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và trật tự an toàn xã hội;

+ Tang vật là loại hàng giả không thể loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì sản phẩm, hàng hóa hoặc việc loại bỏ yếu tố vi phạm vẫn dẫn đến khả năng vi phạm tiếp theo;

+ Việc buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất tang vật là không thể thực hiện được;

+ Tịch thu phương tiện vi phạm được áp dụng đối với loại phương tiện được cá nhân, tổ chức sử dụng trực tiếp để sản xuất, buôn bán hàng giả và không bao gồm phương tiện vi phạm theo quy định pháp luật không được áp dụng biện pháp luật tịch thu (ví dụ như không tịch thu tang vật, phương tiện bị cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chiếm đoạt, sử dụng trái phép mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp; không áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện trong trường hợp tang vật, phương tiện bị tổ chức, cá nhân vi phạm chiếm đoạt, sử dụng trái phép mà phải trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp…).

– Hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn giấy phép, chứng chỉ hành nghề được áp dụng như sau:

+ Chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính được cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

+ Việc áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn giấy phép, chứng chỉ hành nghềđược thực hiện theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 25. Xin cho biết pháp luật quy định như thế nào về các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả?

Trả lời:

Theo Điều 5 Nghị định số 08/2013/NĐ-CP, việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả được pháp luật quy định như sau:

– Các biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng như sau:

+ Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm tiêu hủy hàng giả được áp dụng đối với loại hàng giả mà việc tự tiêu hủy không ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường, sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và trật tự an toàn xã hội;

+ Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả được áp dụng đối với loại hàng giảloại bỏ được yếu tố vi phạm và việc loại bỏ yếu tố vi phạm này không dẫn đến khả năng vi phạm tiếp theo;

+ Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm có khả năng thực hiện được các biện pháp này;

+ Buộc nộp lại số tiền thu được vào ngân sách nhà nước được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm có thu lợi bất chính, bao gồm toàn bộ số tiền thu được từ sản xuất, buôn bán hàng giả;

+ Buộc thu hồi tiêu hủy hoặc buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm được áp dụng đối với số hàng giả mà cá nhân, tổ chức vi phạm đã tiêu thụ, đã bán còn đang lưu thông trên thị trường.

– Khi áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định nêu trên, người có thẩm quyền xử phạt phải quy định thời hạn phù hợp để cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện. Trường hợp đã hết thời hạn thực hiện ghi trong quyết định xử phạt mà không thực hiện thì phải cưỡng chế thi hành hoặc quyết định tịch thu để xử lý theo quy định.

Câu hỏi 26. Xin hỏi hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa là:

– Hàng hoá có nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hoá, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hoá của thương nhân khác;

– Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hoá.

Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 10 Nghị định số08/2013/NĐ-CP :

– Đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, mức phạt tiền như sau:

+ Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị đến 1.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ trên 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định nêu trên đối với một trong các trường hợp sau đây:

+ Hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Hàng giả là phụ gia thực phẩm, hóa mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm;

+ Hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc cá nhân, tổ chức buôn bán hàng giả là người trực tiếp nhập khẩu hàng giả đó.

– Hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với vi phạm quy định nêu trên;

+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với các vi phạm nêu trên trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; vi phạm buôn bán loại hàng giả quy định phạt tiền gấp hai lần;

+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề không thời hạn đối với vi phạm buôn bán loại hàng giả bị phạt tiền gấp hai lần trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

– Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả đối với vi phạm quy định nêu trên;

+ Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hành vi nhập khẩu hàng giả;

+ Buộc nộp lại số tiền thu được từ buôn bán hàng giả vào ngân sách nhà nước đối với vi phạm;

+ Buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm đối với số hàng giả đã bán còn đang lưu thông trên thị trường đối với vi phạm./.

Back to top button