Hỏi đáp

Những bài viết về “Gương người tốt, việc tốt”

Hưởng ứng cuộc thi viết về những tấm gương “Người tốt, việc tốt” năm 2021- 2022 mà UBND huyện phát động, Cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã hăng hái tham gia viết bài. Các bài viết về những cán bộ, giáo viên có những thành tích tốt, tiêu biểu của nhà trường. Các đ/c có thể học tập và noi theo.

BÀI DỰ THI

VIẾT VỀ GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN, “NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT”

TRONG PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC HUYỆN THƯỜNG TÍN NĂM 2022

TIÊU ĐỀ BÀI VIẾT:

THẦY GIÁO NGUYỄN VĂN HUY – TỰ HÀO NGHỀ “TRỒNG NGƯỜI”

Họ và tên tác giả: Nguyễn Văn Thụy

Sinh năm: 1984

Nghề nghiệp: Giáo viên- CTCĐ.

Đơn vị công tác: Trường Tiểu học Thống Nhất

Địa chỉ: Tô Hiệu – Thường Tín- Hà Nội

Số điện thoại liên hệ: 0948 104 635

NĂM HỌC 2021-2022

THẦY GIÁO NGUYỄN VĂN HUY – TỰ HÀO NGHỀ “TRỒNG NGƯỜI”

“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay

Người ta bảo là nghề trong sạch nhất

Có một nghề không trồng cây trên đất

Lại nở cho đời những đóa hoa thơm”

Cứ mỗi lần nghe những câu thơ ấy lòng tôi lại bâng khuâng, xao xuyến, lòng tôi lại nhẹ xuống và nghĩ tới thầy giáo Nguyễn Văn Huy – P.Bí thư Chi bộ, P.Hiệu trưởng trường Tiểu học Thống Nhất, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

Miền quê – nơi nuôi dưỡng những ước mơ.

Sinh ra tại một vùng đất Hà Tây cũ, nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội 30km về phía Nam, nơi gắn liền với những vị anh hùng dân tộc và những danh nhân văn hóa thế giới như Nguyễn Trãi, Chu Văn An…, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học, đam mê với nghề Sư phạm, Thầy giáo Nguyễn Văn Huy ngay từ nhỏ đã là một “Thầy giáo” cho lũ trẻ trong làng. Đâu những buổi chiều nắng tắt sau buổi hoàng hôn, bên ven sông, dưới rặng dừa xanh ngát, gió thổi mát rượi, ê a tiếng lũ học trò đọc bài mà không ai khác chính là thầy Huy, thầy Huy đang say sưa truyền cảm hứng cho chúng. Đâu những buổi học tại mái trường đã gắn với tuổi ấu thơ của Thầy, nơi đó luôn rúc rích tiếng cười, tiếng nói, tiếng lũ bạn hỏi Thầy bài: “Này, Huy ơi, lát hướng dẫn tớ học mấy bài Văn để ôn thi nhé!”, “Huy ơi, cậu sắp thi học sinh giỏi môn Văn- Toán à? Chúc mừng cậu nhé! Cố lên”…

Đến với vùng quê ấy, không ai không biết tới người có ảnh hưởng lớn đến Thầy Huy chính là người cha, người thầy đầu tiên của Thầy Huy- Ông Nguyên là Bí thư Đảng ủy trong xã. Người cha mẫu mực, nghiêm khắc ấy đã khiến Thầy luôn cố gắng học hỏi, đã thắp sáng ước mơ cháy bỏng rằng mai này Thầy sẽ được đứng trên bục giảng, dẫn các em học sinh đến với những chân trời tri thức, góp phần hình thành nhân cách, đạo đức tốt đẹp cho các em, để mai này những cô bé, cậu bé với đôi mắt tròn xoe, nụ cười tươi rói ấy sẽ trở thành những con người có ích, góp phần dựng xây quê hương, đất nước.

Nhiệt huyết, đam mê nơi trái tim ấy- nghề dạy học yêu quí!

Sau những năm miệt mài đèn sách, sau những tháng ngày “Bên ánh đèn khuya, em đã thức bao đêm”, Thầy thanh niên năm nao tại miền quê của tỉnh Hà Tây ấy đã về công tác tại trường Tiểu học Thống Nhất, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

Với lòng yêu nghề sâu sắc, “Bông hoa” ấy đã tỏa cho đời hương thơm của những tiết dạy lí thú, bổ ích. Không chỉ là những tiết thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp Thành phố, không chỉ là những tiết hội giảng, tiết chuyên đề mà ngay cả những tiết học hàng ngày, học sinh đều “bị” lôi cuốn vào những lời giảng nhẹ nhàng, truyền cảm, những cách tiếp cận bài giảng một cách đơn giản, đồng thời cũng khơi gợi để các em tìm hiểu sâu hơn nữa.

Cũng tại mái trường này, thầy còn là người thầy “đặc biệt”, bởi Thầy không những phải làm nhiệm vụ dạy dỗ học trò như các giáo viên khác, mà còn phải gánh trên vai bao trách nhiệm nặng nề nữa. Thầy là một giáo viên chủ nhiệm giỏi, người giáo viên chủ nhiệm có “tâm” – là chiếc cầu nối giữa nhà trường với học sinh và gia đình học sinh, giữa các giáo viên bộ môn với học sinh… Trong nhiều tình huống, Thầy còn là người cha, người mẹ, người bạn, là chỗ dựa tinh thần của học sinh. Thực tế cho thấy, Thầy đã luôn gần gũi, tận tâm với học trò, có chuyên môn cao, yêu nghề sẽ giúp cho hoạt động dạy và học đạt hiệu quả to lớn. Chính vì vậy, nhiều học sinh sau khi trưởng thành vẫn tìm trở về với Thầy, vẫn luôn giãi bày tâm sự sẻ chia với Thầy, nhất là những học sinh “cá biệt”, những cô cậu có cái tên là “gấu”, nhờ sự quan tâm, động viên của Thầy giờ đã trở thành những con người có nghề nghiệp ổn định, có chỗ đứng trong xã hội, có một mái ấm gia đình bình yên thì không thể không nhớ tới công ơn của Thầy. Quả đúng là nếu chúng ta không có cái tâm, không có tấm lòng của một người cha, người mẹ lo lắng cho học sinh thật lòng, có lẽ người giáo viên chủ nhiệm như Thầy không thể làm tốt nhiệm vụ của mình. Bởi có bao nhiêu việc “có tên” và “không tên” đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm phải ra tay giải quyết, có biết bao trách nhiệm mà người giáo viên chủ nhiệm phải gánh trên vai. Dẫu chưa có danh hiệu nào dành cho những giáo viên chủ nhiệm tận tụy thì sự trưởng thành của học trò sẽ là phần thưởng quí giá nhất dành cho những giáo viên chủ nhiệm hết lòng với học sinh – Thầy giáo Nguyễn Văn Huy.

Người quản lí có duyên với việc khó.

Nếu không kể tới vai trò của thầy trong công tác của người phụ trách chuyên môn trong công tác của một phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Thống Nhất thì “người ta”, ai cũng biết tới Thầy với lòng ngưỡng mộ vô cùng kể từ khi Thầy được Bổ nhiệm làm P.Hiệu trưởng năm 2012 của trường Tiểu học Thống Nhất, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác lần đầu gặp Thầy, khuôn mặt hiền từ, nước da trắng và ấn tượng nhất là bởi nụ cười, nụ cười thật đôn hậu, nụ cười xóa tan khoảng cách giữa “Lãnh đạo quản lý” và nhân viên.

Về với trường của chúng tôi để công tác, để đảm nhận chức vụ lãnh đạo của người đứng thứ hai, khỏi phải nói, chúng tôi cũng biết Thầy sẽ gặp khó khăn thế nào. Làm thế nào để thu hút học sinh đây? Làm thế nào để tạo dựng được sự tin tưởng để phụ huynh gửi gắm con của họ vào môi trường này? Trong khi chất lượng “đầu vào” thấp, chất lượng “đầu ra” cũng chưa được cao, trong khi xung quanh, bước ra khỏi cổng trường thôi là có biết bao trường có tên có tuổi như: Nguyễn Du, Thị trấn Thường Tín, Thăng Long…Thế mà, người quản lí ấy không hề “nản” dẫu biết rằng đây thực sự là khó khăn lớn đối với Thầy P. Hiệu trưởng mới. Nhưng rất nhanh chóng, Thầy đã quyết định được hai vấn đề then chốt giúp thay đổi hình ảnh nhà trường, “kéo” học sinh quay lại trường học đúng tuyến, đó là: phải tham mưu tích cực, hiệu quả với địa phương cũng như các cơ quan, ban, ngành của xã, huyện trong công tác xây dựng cơ sở vật chất nhà trường; củng cố, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên…Nỗ lực, cố gắng, xong khó khăn, nan giải nhất liên quan đến đội ngũ vì những gì là cố hữu, lối mòn trong suy nghĩ không dễ thay đổi. May mắn, đúng lúc đó, Thầy cũng thường xuyên được tham dự các lớp tập huấn đổi mới về phương pháp và mời được những chuyên gia hàng đầu đến trường để hỗ trợ giáo viên về phương pháp.

Tôi còn nhớ: Thời gian đầu, giáo viên không tiếp nhận vì phải thay đổi hoàn toàn về mục tiêu cần hướng tới. Nếu như trước, giáo viên soạn bài, lên lớp giảng bài, hết giờ thì thôi, không cần biết sau giờ dạy có bao nhiêu học sinh hiểu bài, bao nhiêu học sinh không hiểu bài…, thì giờ đây, các thầy cô cần phải biết trong giờ dạy, học sinh học được gì; vì sao học sinh không học được để có những điều chỉnh phương pháp cho phù hợp với từng lớp, từng học sinh…

“Để làm được điều này, với sự quan tâm sát sao của mình, Thầy đã tăng cường chỉ đạo các buổi sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Nghĩa là, giáo viên thực hiện tiết dạy trên cơ sở mục tiêu học sinh học được gì sau giờ học; vì sao học sinh đó không học? Vì sao học sinh đó chưa hiểu và người dự cũng quan sát quan sát như vậy?

Sau giờ dự, thay vì nhận xét, đánh giá tiết dạy của giáo viên thì toàn thể giáo viên tham dự đi sâu phân tích các vấn đề quan sát được từ học sinh trong giờ học, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho những tiết dạy sau” – Thầy P. Hiệu trưởng của chúng tôi đã chia sẻ cách làm như vậy đó.

(Hình ảnh Thầy Huy tặng hoa Giáo viên dự thi GVG cấp huyện)

(Hình ảnh Thầy Huy và giáo viên hỗ trợ thi GVG cấp huyện)

Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, giờ đây, chúng tôi đã thấy nụ cười trên môi của Thầy. Trường tiểu học Thống Nhất, nhiều năm liền liên tục đạt danh hiệu trường Tiên tiến cấp huyện, chất lượng dạy và học trong nhà trường được nâng cao, năm nào trường cũng có giáo viên giỏi, học sinh giỏi cấp huyện. Trường là địa chỉ tin cậy của phụ huynh và học sinh, là nơi chắp cánh ước mơ của biết bao thế hệ trẻ.

Hôm nay, khi nền giáo dục của nước nhà, của Thủ đô đang ngày một khởi sắc, chúng tôi bỗng cảm thấy vui hơn, ấm áp hơn khi đã được sống, được làm việc bên cạnh những con người đầy nhiệt huyết với nghề như vậy. Tự hứa với lòng mình là sẽ cố gắng, cố gắng hơn để vườn hoa giáo dục Thống Nhất luôn tỏa hương thơm ngát. Mai đây dù có đi đâu vẫn mãi nhớ về mái trường thân yêu, nhớ về người quản lí gần gũi, thân thương mà cũng rất đáng quí, đáng trọng ấy!

Thống Nhất, ngày 15 tháng 2 năm 2022

Người viết

Nguyễn Văn Thụy

Back to top button