Hỏi đáp

BÀI DỰ THI VIẾT VỀ CUỘC THI “TÌM HIỂU VỀ LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM”

BÀI DỰ THI VIẾT VỀ CUỘC THI “TÌM HIỂU VỀ LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM”

Họ và tên: Tạ Thị Ngọc Ánh

Đơn vị công tác: Trường THCS Ngọc Liệp

Địa chỉ: Thị trấn Quốc Oai- Huyện Quốc Oai- TP Hà Nội

Số điện thoại: 0375307902

Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam – nguồn: internet.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng mang đậm bản sắc địa phương, nhưng 54 dân tộc anh em cùng gắn bó chặt chẽ với nhau trong vận mệnh chung của cuộc đấu tranh, hòa hợp lâu dài, lấy tộc người Việt làm trung tâm. Điều này đã tạo nên văn hóa dân tộc Việt Nam thống nhất trên cơ sở đa dạng sắc thái văn hóa của các dân tộc với những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, trong đó đáng nói và đáng tự hào nhất chính là Truyền thống yêu nước.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng nói “ Đồng bào ta gái cũng như trai, trẻ cũng như già cho đến các cháu nhi đồng cỏn con, ai cũng nồng nàn yêu nước…”. Quả thực không sai khi nói về truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam ta, lòng yêu nước luôn chảy trong tim mỗi con người “máu đỏ da vàng”.

Quá khứ – hiện tại – tương lai là một dòng chảy bất tận mà kết chứa nhiều giá trị “Yêu nước” chính là một trong nhiều giá trị văn hóa quốc gia – dân tộc Việt Nam, được kết tinh từ hàng ngàn năm trước, kể từ thời Hùng Vương dựng nước và mãi mãi cho đến mai sau. Trong nhịp sống hối hả hiện đại ngày nay, các ông bà thuộc thế hệ trước vẫn đang nỗ lực gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong đó có truyền thống yêu nước. Truyền thống yêu nước không phải kà thứ gì đó quá cao siêu mà chỉ bắt nguồn từ những tình cảm vô cùng nhỏ bé của mỗi cá nhân, tập thể. Đó là những tình cảm thiêng liêng, là sự tôn trọng, tôn thờ ghi khắc trong tim đối với đất nước mà mình đang sống.

Truyền thống yêu nước của nhân dân ta chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả một chặng đường dài mà Dân tộc Việt đã trải qua hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Theo dòng lịch sử, trở về với giai đoạn nghìn năm Bắc thuộc, chính sách đồng hóa và bóc lột được thực hiện mạnh mẽ, các triều đại phương Bắc không ngừng thực hiện đồng hóa người Việt nhằm biến nước ta thành một quận huyện của phương Bắc phải theo kiểu người phương Bắc, từ cách ăn mặc, học hành, đến việc cúng tế…Vì thế truyền thống yêu nước được thể hiện qua tư tưởng độc lập, đoàn kết dân tộc ,kiên quyết chống ngoại xâm không ngừng được củng cố, phát triển trong suốt tiến trình phát triển của dân tộc ta. Cả nghìn năm chống các thế lực Phong kiến phương Bắc, truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc ấy được củng cố, nâng dần theo mức độ thắng lợi của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và khẳng định chủ quyền quốc gia. Trong đó tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của: Hai Bà Trưng (năm 40), Bà Triệu (năm 248), Lý Bí (năm 542), Triệu Quang Phục giành độc lập (năm 550), Mai Thúc Loan (năm 772), Phùng Hưng (năm 776-794), Khúc Thừa Dụ (năm 905), Cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Nam Hán lần thứ nhất (năm 930-931) của Dương Đình Nghệ…. Những cuộc kháng chiến tiêu biểu này đã nói lên tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của cha ông chúng ta trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược là các triều đại Phong kiến phương Bắc. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã mở ra thời kỳ độc lập thật sự cho dân tộc, với tinh thần bất khuất và ý chí kiên cường ông cha ta đã nhiều lần đánh thắng những kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn nhiều lần như thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, kháng chiến chống giặc Minh kéo dài 10 năm (1418-1427), với lãnh tụ nghĩa quân Lê Lợi và đặc biệt là công lao của Nguyễn Trãi-vị quân sư tài ba với tấm lòng sáng như “Khuê tảo”, kết tinh “trí tuệ” của dân tộc ở thời điểm đó; cuộc hành quân thần tốc đánh tan 29 vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, kết thúc thắng lợi cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy tài giỏi của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ…… thông qua các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, lòng yêu nước đã trở thành sợ dây kết nối toàn dân tộc, gắn bó cộng đồng để cùng nhau bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ nền độc lập của dân tộc, không chịu khuất phục trước quân thù. Trong lịch sử tồn tại độc lập lâu dài của nhà nước phong kiến suốt tám, chín thế kỷ, dân tộc ta khẳng định:

“Núi sông bờ cõi đã riêng

Phong tục Bắc Nam cũng khác”.

Truyền thống yêu nước là giá trị cao quý nhất trong thang bậc các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam, và là nguồn sức mạnh vô địch để dân tộc ta vượt qua khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, xứng đáng với lời ngợi ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Lòng yêu nước bắt nguồn từ xưa….

… và được duy trì trong suốt thời kỳ kháng chiến

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ trường kì của dân tộc, truyền thống yêu nước cũng được thể iện bằng sự hi sinh của đồng bào khôg phân biệt địa vị, giới tính, vùng miền… Xuyên suốt chiều dài lịch sử, đất ta tuy không rộng, người không đông, song do có vị trí địa-chính trị, địa-quân sự, địa-kinh tế chiến lược, cộng thêm nguồn tài nguyên thiên phong phú nên thường xuyên phải chống lại nhiều kẻ thù hung bạo với cùng một dã tâm xâm lược. Vì lẽ đó, lịch sử hàng ngàn năm dựng nước của dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với công cuộc bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm. Với lòng nồng nàn yêu nước, trải qua nhiều triều đại, nhân dân ta đã lập nên những chiến công hiển hách lưu dấu sử xanh. Chiến công nối tiếp chiến công, kẻ đi sau nối tiếp người đi trước:

“Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau

Song hào kiệt thời nào cũng có”.

Truyền thống yêu nước, đánh giặc giữ nước được các thế hệ người dân đất Việt trao truyền, tiếp nối và một lần nữa tỏa sáng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Năm 1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha nổ súng ở Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc xâm chiếm và đô hộ Việt Nam kéo dài hơn 80 năm của thực dân Pháp. Thêm một lần nữa, lịch sử dân tộc lại viết tiếp những trang sử bi hùng. Từ năm 1858 đến năm 1930, hàng trăm cuộc khởi nghĩa lớn, phong trào chống thực dân Pháp đã nổ ra theo nhiều khuynh hướng khác nhau đều chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối, mở ra trang sử mới cho nhân dân Việt Nam. Kể từ đó, toàn thể dân tộc đoàn kết, thống nhất đi theo ngọn cờ của Đảng. Hàng ngàn chiến sỹ cộng sản sẵn sàng hy sinh bản thân phục vụ lý tưởng, mục đích cứu nước, cứu dân đã trở thành tấm gương sáng, đội quân tiên phong cho quần chúng nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân tộc đã anh dũng vượt qua sự đàn áp, khủng bố của thực dân, phong kiến, tôi luyện qua các cao trào cách mạng những năm 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945. Khi thời cơ đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta vùng đứng lên giành lại độc lập từ tay phát xít Nhật. Âm hưởng của những ngày mùa Thu lịch sử đó mãi vang vọng:

“Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời. Không lâu sau, thực dân Pháp núp bóng quân Anh quay trở lại cướp nước ta một lần nữa. Với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” , toàn dân Việt Nam nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta 40 năm về trước mở ra bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, kết thúc vẻ vang cuộc đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta kể từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH. Với Chiến thắng ngày 30-4-1975, quân và dân ta đã làm sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, góp phần cổ vũ các dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi bằng đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, non sông đất nước thu về một mối, đưa cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi vĩ đại đó là thành quả của nhiều nhân tố hợp sức tạo thành, trong đó không thể không nói đến tinh thần, khí thế của các phong trào thi đua yêu nước.

Tinh thần, khí thế của những phong trào thi đua yêu nước trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thể hiện sức mạnh của lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh ngoan cường, ý chí không sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh của toàn thể dân tộc Việt Nam. Cách đây 46 năm, ngày 30/4/1975 Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành toàn thắng. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Quân và dân cả nước đã thực hiện trọn vẹn điều mong muốn thiết tha của Bác Hồ kính yêu:” … Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nửa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn… Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà…”.

Ở Việt Nam, điều đã trở thành bình thường nhưng là chân lý: Khi có bất kỳ hành động xâm phạm đất nước, thì sẽ có phong trào cứu nước rộng khắp của mọi tầng lớp nhân dân, như lẽ tự nhiên “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh!”. Tiếp nối hành trình của dân tộc chiến đấu không mệt mỏi cho độc lập, tự do dưới ánh sáng thời đại của đường lối “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, được mở ra từ mùa Xuân năm 1930, kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, qua bước ngoặt lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” tháng 5-1954, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tiếp tục trở thành một biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam, là hành động cách mạng thực tiễn đáp lại Lời kêu gọi thiêng liêng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh hun đúc và nâng cao thêm ý chí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Thắng lợi của Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, là trang sử hào hùng, chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; kết thúc vẻ vang 30 năm kháng chiến gian khổ.

Truyền thống của con người đất Việt không chỉ thể hiện trong thời chiến, mà ngay cả thời bình nó vẫn tồn tại rất mạnh mẽ, nó kết thành sức mạnh lớn để xây dựng đất nước. Trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay thì đó là sự vươn tầm thế giới khẳng địn hai tiếng Việt Nam trên bản đồ thế giới. Truyền thống yêu nước thời kì mới được tiến hành đa dạng và bằng nhiều cách thức hơn, có thể là một người nông dân đưa lúa gạo đi xuất khẩu, là anh chiến sĩ hải đảo giữ vững chủ quyền ngoài biển khơi, là doanh nhân đưa thương Việt tới bạn bè năm châu. Đặc biệt trong những năm gần đây cái tên VINFAST- hãng ô tô do Việt Nam tự sản xuất đã dần khẳng định mình trên thị trường quốc tế. Đây là bước tiến mới trong sự phát triển của VINFAST và cho thấy sự tăng cường nỗ lực của công ty trong việc xây dựng thương hiệu và khẳng định vị trí của mình trên toàn cầu. Những mẫu ô tô VinFast được Tập đoàn VinGroup giới thiệu thời gian qua đã được dư luận quốc tế và người tiêu dùng trong nước đánh giá cao với thiết kế và công nghệ của châu Âu. Thành quả bước đầu sau 5 năm của VinFast đã mở ra kỷ nguyên xe ô tô điện tại Việt Nam, đủ đẳng cấp xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu, ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ ngành ô tô thế giới.

Lô xe VinFast VF 8 đầu tiên xuất cảng có số lượng 999 chiếc dành cho thị trường Mỹ và được chuyên chở bằng tàu thuê riêng Silver Queen của Panama- Nguồn Vinfast.com

Trong xây dựng kinh tế, yêu nước chính là cố gắng phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện, lao động để làm ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội. Thế hệ trẻ cần phải mạnh dạn xông pha nơi trận tuyến kinh tế và tri thức, cố gắng vượt qua những khó khăn thử thách để chiếm lĩnh những đỉnh cao mới với tinh thần “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta”, mà nên tự hỏi “ta đã làm gì cho Tổ quốc thân yêu”. Dân giàu thì nước mới mạnh, vì vậy mỗi người hãy đem hết tài năng và trí tuệ của mình để làm giàu một cách chính đáng cho bản thân và cho xã hội. Mỗi cá nhân, dù ở cương vị nào, cũng phải cố gắng hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ của mình, biết hưởng các quyền lợi nhưng đồng thời cũng phải thực hiện tốt mọi nghĩa vụ của công dân, phấn đấu góp phần đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên giàu, mạnh đồng thời kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong những cuộc thi Olympic những học sinh của Việt Nam luôn giành được những giải cao, những kết quả này tiếp tục khẳng định vị thế của học sinh phổ thông Việt Nam trên đấu trường trí tuệ quốc tế. Trong năm học vừa qua cả nước có 194 học sinh xuất sắc nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022 – 2023 tham gia thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế. Nhiều học sinh, đội tuyển đã gặt hái được nhiều thành công, đem về nhiều huy chương vàng, bạc cho nước nhà.

Đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Hoá học quốc tế 2023-nguồn Bộ GD&ĐT

Như vậy, truyền thống yêu nước được coi là chìa khoá vạn năng có thể đưa đất nước vượt qua mọi gian nan thử thách, là dòng sữa mát ngọt lành nuôi dưỡng bao tâm hồn những người con đất Việt, nó còn là bệ đỡ vững chắc cho mọi thành công sau này của thế hệ con người Việt Nam. Khi có truyền thống yêu nước chảy trong máu thịt con người thì người ta sẽ sống có trách nhiệm hơn với gia đình với quê hương đất nước. Nói tóm lại suy nghĩ về lòng yêu nước và cách thể hiện lòng yêu nước trong thời bình của mỗi người tuy khác nhau nhưng đều chung mục đích muôn đất nước được trở nên tốt đẹp hơn. Vì thế là những học sinh – chủ nhân tương lai đất nước chúng ta phải ra sức trau dồi học tập song song với đạo đức tốt để góp chút sức lực nhỏ bé vào công cuộc phát triển đất nước giúp nước nhà ngày càng đi lên, vững bền. Trong chiến tranh thì nhân dân ta đã tình nguyện ra chiến trường, cùng nhau chiến đấu với kẻ thù, còn ở hậu phương thì ra sức gia tăng sản xuất để cung cấp nguồn lương thực cho các chiến sĩ. Khi đó thấy được lòng yêu nước và sự đoàn kết của dân tộc đến nhường nào.

Ảnh ví dụ về truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam-nguồn Internet

Tình yêu nước và đoàn kết đến ngày này vẫn còn sự to lớn khi trong mỗi cuộc thi khi nước ta chiến thằng thì đều thấy rõ được lá cờ tổ quốc tung bay. Người dân còn tổ chức ăn mừng với lá cờ đỏ sao vàng rợp đường phố. Lúc đó thấy rõ được lòng yêu nước và hãnh diện khi đất nước đang ngày càng phát triển. Truyền thống yêu nước của dân tộc ta rất đáng tự hào, đáng tiếc là có một bộ phận giới trẻ còn tỏ ra thờ ơ, hờ hững với quá khứ hào hùng đó. Thật đáng buồn khi một số học sinh đã học đến lớp 12 vẫn không thể nhớ nổi ngày Quốc khánh trong khi lại thuộc lòng tên hàng loạt những diễn viên Hàn Quốc, các cầu thủ bóng đá của nước ngoài, tên các trò chơi điện tử đang thịnh hành hay những ngày lễ kỷ niệm được du nhập từ phương Tây (như ngày lễ tình nhân 14 tháng 2, ngày Noel…)?! Kết quả thi môn lịch sử trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng trong những năm qua bộc lộ nhiều mảng tối trong chất lượng dạy và học môn lịch sử nói riêng và công tác giáo dục truyền thống yêu nước nói chung, khiến dư luận xã hội hết sức quan ngại. Ngày nay, một số truyền thống tốt đẹp đang ngày càng bị mai một, kéo theo đó là những hệ quả của việc suy đồi đạo đức. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều những tấm lòng vàng, những công dân gương mẫu đang không ngừng học hỏi và phát triển, đem cái tên Việt Nam đưa ra toàn thế giới. Vậy phải làm thế nào để phát huy và gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong đó có truyền thống yêu nước ? Câu trả lời chính là học tập và sẻ chia. Chúng ta phải không ngừng học hỏi những điều tốt đẹp, hướng về mục tiêu chung là xây dựng và phát triển đất nước.

Biểu hiện của lòng yêu nước cũng nằm ngay trong ý thức, hành động hàng ngày của mỗi chúng ta. Trong thời chiến, nó sục sôi và cuộn trào cùng các cuộc khởi nghĩa, cùng lớp lớp thanh niên sẵn sàng hi sinh tính mạng khi lên đường nhập ngũ. Trong thời bình, mỗi người thể hiện tình yêu nước bằng cách chăm chỉ trau dồi tri thức, cần cù lao động và rèn luyện đạo đức với ước mong đem đến cuộc sống tươi đẹp hơn cho bản thân, gia đình và dân tộc mình. Cứ như vậy, lòng yêu nước đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành nguồn sức mạnh vô giá, thành sợi dây nối kết trái tim của những “con Lạc cháu Hồng”, giúp ta có thể lập nên những chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Chính tình yêu nước của thế hệ đi trước đã tạo dựng niềm tin cho thế hệ mai sau. Dù thế hệ trẻ có lập nghiệp nơi đâu trên địa cầu rộng lớn, những con người Việt Nam ta vẫn luôn giữ trong trái tim mình tình yêu nước nồng nàn, để nhớ, để ngưỡng vọng và cũng để khao khát được làm điều gì đó cho mảnh đất hình chữ S thân thương Việt Nam.

Back to top button