Sinh học

Sinh học 8 bài 62: Thụ tinh, thụ thai và phát triển của thai

Lý thuyết Sinh học lớp 8 bài 62: Thụ tinh, thụ thai và phát triển của thai được VnDoc sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết trong chương trình giảng dạy môn Sinh học lớp 8. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.

A. Lý thuyết Sinh học 8 bài 62

I. THỤ TINH VÀ THỤ THAI

1. Thụ tinh

– Khái niệm: là sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng để tạo thành hợp tử

– Điều kiện để xảy ra quá trình thụ tinh là:

+ Trứng phải gặp được tinh trùng

+ Tinh trùng chui được vào bên trong trứng

– Thụ tinh thường xảy ra trong ống dẫn trứng (ở 1/3 phía ngoài)

Lý thuyết Sinh học lớp 8 bài 62: Thụ tinh, thụ thai và phát triển của thai

2. Thụ thai

– Là quá trình trứng đã được thụ tinh bám vào thành tử cung làm tổ và phát triển thành thai.

+ Trứng đã thụ tinh cần di chuyển xuống tử cung làm tổ mất 7 ngày. Hợp tử vừa di chuyển vừa phân chia.

+ Khi tới tử cung, khối tế bào đã phân chia sẽ bám vào lớp niêm mạc tử cung được chuẩn bị sẵn (dày, xốp và xung huyết) để làm tổ và phát triển thành thai.

– Điều kiện để xảy ra quá trình thụ thai là hợp tử phải bám và làm tổ được ở lớp niêm mạc tử cung.

– Trong quá trình mang thai, lớp niêm mạc tử cung được duy trì nhờ hoocmôn progesteron tiết ra từ thể vàng (trong 3 tháng đầu, sau đó là tiết ra từ nhau thai). Ngoài ra, hoocmôn này còn kìm hãm hoạt động tiết các hoocmôn kích thích buồng trứng của tuyến yên nên trứng không rụng và chín trong thời kì này.

II. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI

– Trứng sau khi thụ tinh tạo thành hợp tử. Hợp tử phân chia nhiều lần tạo thành phôi.

– Phôi khi mới làm tổ trong thành tử cung chỉ là một khối tế bào chưa phân hóa dần dần được phân hóa và phát triển thành thai.

– Khoảng sau 2 tháng nơi trứng làm tổ sẽ hình thành nhau thai bám chắc vào thành tử cung.

– Thai kỳ thường kéo dài khoảng hơn 9 tháng, hay 280 ngày.

– Thai liên hệ với nhau nhờ cuống nhau và thực hiện trao đổi chất với cơ thể mẹ qua nhau thai để lớn lên, sức khỏe của mẹ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai.

* Những điều khi mang thai mẹ nên làm

– Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng

– Tinh thần thoải mái

– Vận động nhẹ nhàng, tránh làm các việc nặng

– Không sử dụng các chất kích thích như: cà phê, chè, thuốc lá, rượu, bia…

– Không tiếp xúc với các hóa chất, các tia phóng xạ như: tia X (khi chụp X – quang), thuốc tẩy rửa…

* Những điều khi mang thai mẹ không nên làm

– Vận động mạnh

– Sử dụng các chất kích thích, tiếp xúc với các tia phóng xạ, hóa chất độc hại

– Ăn uống, ngủ nghỉ không phù hợp…

III. HIỆN TƯỢNG KINH NGUYỆT

– Cùng với sự phát triển của trứng, hoocmôn từ buồng trứng tiết ra có tác dụng làm cho lớp niêm mạc tử cung dày, xốp, chứa nhiều mạch máu để đón trứng đã được thụ tinh.

– Nếu trứng không được thụ tinh thì sau 14 ngày kể từ khi trứng rụng, thể vàng bị tiêu giảm, lớp niêm mạc tử cung bị bong ra từng mảng thoát ra ngoài cùng máu và dịch nhày → hiện tượng kinh nguyệt.

– Hiện tượng kinh nguyệt xảy ra theo chu kì (hằng tháng, từ 28 – 32 ngày). Chịu sự tác động của hoocmôn FSH, LH, ostrogen và progesteron.

Lý thuyết Sinh học lớp 8 bài 62: Thụ tinh, thụ thai và phát triển của thai

Đây là dấu hiệu trứng không được thụ tinh và cũng là hiện tượng sinh lí bình thường, đánh dấu tuổi dậy thì chính thức ở con gái (tuổi đã có khả năng sinh con).

* Lưu ý: nếu trứng được thụ tinh thì hiện tượng kinh nguyệt không xảy ra. Trong quan hệ tình dục thấy chậm kinh hoặc tắc kinh thì phải nghĩ ngay đến khả năng là có thể đã có thai → cần đi xét nghiệm hoặc thử bằng các phương tiện chuyên dùng.

B. Giải bài tập Sinh học 8 bài 62

  • Giải bài tập Sinh học lớp 8 bài 62: Thụ tinh, Thụ thai và phát triển của thai
  • Giải bài tập SGK Sinh học 8 bài 62 (rút gọn)

C. Trắc nghiệm Sinh học 8 bài 62

Câu 1: Kết quả của sự thụ tinh là?

A. Trứng gặp tinh trùng

B. Trứng kết hợp tinh trùng tạo hợp tử

C. Hợp tử bám vào niêm mạc tử cung

D. Hình thành bào thai

Câu 2: Kết quả của sự thụ thai

A. Hình thành hợp tử

B. Hợp tử bám vào niêm mạc tử cung

C. Hợp tử làm tổ trong tử cung

D. Cả B và C

Câu 3: Sự thụ tinh xảy ra ở đâu?

A. Tử cung

B. Ống dẫn trứng

C. Buồng trứng

D. Âm đạo

Câu 4: Sự thụ thai xảy ra ở đâu?

A. Tử cung

B. Ống dẫn trứng

C. Buồng trứng

D. Âm đạo

Câu 5: Điều nào dưới đây KHÔNG đúng khi nói về chửa ngoài dạ con?

A. Là hiện tượng trứng đã đến tử cung rồi mà chưa gặp tinh trùng

B. Trứng được thụ tinh không làm tổ trong tử cung

C. Là một bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong

D. Nguyên nhân có thể do ống dẫn trứng bị viêm, sẹo,…

Câu 6: Thai nhi lấy chất dinh dưỡng từ đâu

A. Sự thẩm thấu qua da

B. Qua nhau thai

C. Qua miệng

D. Niêm mạc tử cung

Câu 7: Điều nào dưới đây là đúng khi nói về hiện tượng kinh nguyệt?

A. Trứng không được thụ tinh sau 14 ngày kể từ ngày rụng trứng

B. Thể vàng sẽ bị tiêu giảm và lớp niêm mạc bong ra từng mảng, thoát ra ngoài cùng với máu và dịch nhày

C. Xảy ra theo chu kì

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 8: Kinh nguyệt xảy ra ở lứa tuổi nào?

A. Từ tuổi dậy thì trở đi

B. Từ tuổi mãn kinh trở đi

C. Từ trước tuổi dậy thì và sau thời kì mãn kinh

D. Từ tuổi dậy thì đến trước thời kì mãn kinh

Câu 9: Ý nghĩa của hiện tượng kinh nguyệt

A. Báo hiệu tuổi dậy thì

B. Bắt đầu có khả năng sinh sản

C. Có sự thay đổi tâm, sinh lí

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 10: Nếu quá độ tuổi dậy thì mà không có hiện tượng kinh nguyệt thì hậu quả nghiêm trọng nhất có thể xảy ra?

A. Vô sinh

B. Tắc kinh

C. Bệnh về đường sinh dục

D. Tất cả các đáp án trên

Back to top button