Văn học

Về ba bài thơ thu trong tâm hồn Nguyễn Khuyến  

Xưa nay, về ba bài thơ viết về mùa thu của Nguyễn Khuyến đều được các nhà thơ, nhà văn, các nhà nghiên cứu văn học, nghiên cứu văn hóa nhận định rằng: Đó là những bức tranh thơ bất hủ, đặc tả cảnh mùa thu làng quê Đồng bằng Bắc Bộ, nhưng vẫn còn nhiều ý nghĩa, ý tứ, cái hay, cái đẹp tiềm ẩn, khiến người đời sau không ngừng dứt mực bình luận, phân tích, nghiên cứu và ca ngợi. Trong bài viết này, chúng tôi xin có thêm một vài suy nghĩ, góp phần thêm sáng tỏ.

Đọc ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, người đọc thường thấy ngay được ở đó có ba tầng không gian được miêu tả: Tầng trên cao là bầu trời thu (bài “Thu vịnh”, tức “Vịnh mùa thu”); Tầng trên mặt đất, mặt ao (bài “Thu ẩm”, tức “Uống rượu mùa thu”); và Tầng ở dưới nước/ dưới đáy ao (bài “Thu điếu”, tức “Câu cá mùa thu”).

Bài “Thu vịnh”

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.

Nước biếc trông như tầng khói phủ,

Song thưa để mặc bóng trăng vào.

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,

Một tiếng trên không ngỗng nước nào.

Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.

Ở tư thế ngồi hoặc tựa gối, qua song cửa, nhà thơ ngước nhìn bầu trời thu cao vời vợi, xanh ngắt mấy tầng mà cảm hứng thơ. Và, rồi từ trên cao xanh ấy, cứ thấp dần, cảnh vật mùa thu hiện lên mỗi lúc một gần: Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao – Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu – Nước biếc trông như tầng khói phủ – Song thưa để mặc bóng trăng vào – và, qua song cửa thấy mấy chùm hoa trước giậu. Duy chỉ có một âm thanh trong không trung mung lung vang vọng: “Một tiếng trên không ngỗng nước nào”

Nhiều người cho rằng, đó là tiếng đồng vọng không xác định trong không gian; nhiều người lại cho rằng đó là âm hưởng trong tâm tưởng tác giả (xin phân tích ở cuối bài viết).

Ở bài thơ này, để biểu thị không gian mùa thu cao lồng lộng, với nền cảnh bầu trời xanh ngắt, tác giả đã tinh xảo sử dụng lợi thế của âm vần tiếng Việt. Âm hưởng chủ đạo của bài thơ là vần Ao – một âm vực mở: mấy tầng Cao, bóng trăng Vào, ngỗng nước Nào, với ông Đào.

Bài “Thu ẩm”

Năm gian nhà cỏ thấp le te,

Ngõ trúc đêm sâu đóm lập loè.

Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,

Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,

Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.

Rượu tiếng là hay, hay chẳng mấy,

Độ năm ba chén đã say nhè.

Giờ thì không gian mùa thu cứ như dần xuống thấp: từ năm gian nhà cỏ xuống ngõ trúc đêm sâu, để rồi xuống tiếp nữa, trên mặt nước/ mặt ao, với bóng trăng loe lấp lánh. Trong cái say của thi nhân, theo hướng nhìn ngang lại như thấp dần, Nguyễn Khuyến thấy cái ảo từ (trong) cái thực, nên nhà tranh hóa ra nhà cỏ, vì trên mặt đất còn gì thấp hơn cỏ, và sau đó thấp hơn nữa là mặt nước/ mặt ao! Theo lăng kính cái nhìn ấy thì ngõ trúc cũng thẳm sâu trong màn đêm sâu. Tác giả đã chọn âm hưởng chủ đạo của bài thơ là âm vần Oe, tiếng Việt thường dùng âm vần này để biểu chỉ một thiết diện (bề mặt): đóm lập Lòe, bóng trăng Loe, mắt đỏ Hoe.

Như vậy, không gian mùa thu ở bài thơ này như cố được thu lại, dồn nén xuống mặt đất, mặt nước, để cuối cùng in hình xuống đáy nước ao trong bài “Thu điếu”.

Bài “Thu điếu”

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối buông cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Ở bài thơ này, tác giả nhìn xuống ao để cảm xúc miêu tả, nên mới thấy: nước trong veo, sóng nước gợn tí, chiếc lá vàng theo gió sẽ đưa vèo xuống ao; và thấy không gian mùa thu với tầng mây lơ lửng trên bầu trời xanh ngắt, với ngõ trúc thực in hình đáy nước, khi gặp xao động sóng nước mà khúc xạ thành ngõ trúc quanh co. Nói khác đi, tác giả miêu tả không gian ảo của trời đất, cảnh vật mùa thu dưới ao thu. Ở đó độ cao không còn, là âm, hay gọi là độ sâu.

Như vậy, Nguyễn Khuyến đã miêu tả không gian mùa thu từ dương vô cùng (bầu trời cao xanh ngắt) đến âm vô cùng (bầu trời thăm thẳm in đáy nước ao thu), nên mọi cảnh vật cứ thấp dần, tưởng như chìm xuống đến độ sâu bất tận. Trong bài này Nguyễn Khuyến đã khéo vận dụng ý nghĩa của âm vần tiếng Việt, với vần Eo là âm hưởng chủ đạo: nước trong Veo, bé Tẻo teo, sẽ đưa Vèo, khách vắng Teo, dưới chân Bèo. Đó là những từ lấy trong thành ngữ “tí tẹo tèo teo”, dùng biểu chỉ một vật thể nhỏ bé, hoặc những vật thể nhỏ bé đang trong xu hướng nhỏ bé dần, tưởng như sắp biến mất: “Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

Chiếc thuyền câu đã bé tẻo teo như vậy, thì người ngồi trên thuyền ấy còn phải bé đến mức thế nào!; vả lại, chẳng ai đi câu cá trong cảnh ao thu lạnh lẽo, nước trong veo! Vì vậy có lẽ, cuộc câu cá này là tác giả tưởng tượng ra; và nếu nó có thật thì cũng không nhằm mục đích là câu (được) cá.

Rốt cuộc, “Thu điếu” chỉ cốt ý nói về chuyện câu cá. Chuyện này ám ảnh Nguyễn Khuyến buổi từ quan đến suốt đời.

Lại xin nói về ông Đào ở bài “Thu vịnh”. Ông Đào Tiềm sống thời nhà Tấn bên Trung Quốc, là một ông quan sống thanh bạch nhưng tính tình phóng khoáng, hay uống rượu, thưởng hoa và làm thơ văn, nên bọn người xấu ghen tị, xu nịnh lên vua rằng ông hay chểnh mảng việc công, vua nghe theo. Từ quan về ở ẩn, ngày ngày ông chăm chút mấy khóm cúc, hòng quên đi thời cuộc, nhưng không thể, nên có viết truyện “Đào Nguyên ký” (tức bài “Ký Nguồn đào”). Bài ký kể rằng: Có một người câu cá trên sông. Sông chảy đưa thuyền câu của ông ta trôi đi. Theo dòng trôi, sông mỗi lúc hẹp dần lại rồi thành suối, cho đến khi thuyền không trôi được nữa, mắc lại ở khe núi. Người câu cá rời thuyền và đi vào hang núi, càng vào sâu, hang càng hẹp lại. Ông lách người qua, thì bỗng thấy trước mặt chói loà, một thế giới mở ra: cây trái sum xuê, muông thú vui vầy; người đi cày, người đi cấy, người dệt vải se tơ; trai gái vẻ mặt hớn hở. Có ông lão râu tóc bạc phơ ra đón, tự nói là ông cha họ lánh nạn nhà Tần chạy vào đây, từ đấy xây dựng nên một đất nước cực thịnh, mọi người sung sướng, hòa đồng, hoan lạc. Ông lão hỏi chuyện bên ngoài, người câu cá kể cho biết: Bây giờ đã là nhà Tấn, đương sự rối ren, xã hội loạn lạc, nhân tình li tao, nhà nhà li tán… Từ đời Tần đến Tấn đã 4 đến 5 trăm năm rồi… Người câu cá hỏi có muốn về thăm Tấn không, mọi người đều lắc đầu, bởi không muốn dời một xã hội tốt đẹp đến một xã hội xấu xa như vậy. Nghe vậy người câu cá giật mình bừng tỉnh. Thì ra ông ta vẫn ngồi trên thuyền câu, giữa dòng sông nước chảy, vừa qua một giấc mộng.

Đọc truyện trên, Nguyễn Khuyến đã bộc lộ cảm nghĩ trong bài thơ “Độc Đào Nguyên ký hữu cảnh”, tức “Cảm xúc khi đọc Đào Nguyên ký”. Bài thơ như sau:

Nguồn Đào suối hết lại non khơi,

Cửa tới cung tiên đã mở rồi,

Chốn ấy, bận nhìn không tính toán,

Năm trăm xuân hạ bặt tăm hơi.

Trầm ngâm say lả bên đèn tỏ,

Bảng lảng quay về bóng hạc côi.

Đáng giận, Đường – Ngu người chẳng thấy,

Lại qua chỉ thấy Tấn – Tần thôi.

(Nguyễn Văn Huyền dịch)

Đường – Ngu thuộc đời vua Nghiêu, vua Thuấn, tương truyền cũng thịnh trị, thái bình, hòa mục như ở chốn Đào Nguyên, là một quốc gia, xã hội không có thật. Qua đó, Nguyễn Khuyến đã bộc lộ thái độ bất bình khi nhắc tới các đời nhà Tần, nhà Tấn:

“Khả hận Đường – Ngu nhân bất kiến

Vãng lai chỉ thị Tấn – Tần gian”

(Đáng giận, Đường – Ngu người chẳng thấy

Lại qua chỉ thấy Tấn – Tần thôi)

Như vậy, người câu cá trong “Đào Nguyên ký” thật giống người câu cá trong “Thu điếu”. Nguyễn Khuyến đã mượn việc câu cá mùa thu để ngồi hoài cảm câu chuyện đẹp nhưng ảo của quá khứ. Chỉ khi có tiếng cá đớp bóng (“Cá đâu đớp động dưới chân bèo”), ông mới sực tỉnh, về với thực tại, với nỗi sầu đau thời thế buổi Nho tàn, nước nhà bị ngoại bang phương Tây xâm lược. Ông như bóng hạc gầy cô đơn của người câu cá kia, bảng lảng quay về hiện thực của một xã hội loạn lạc, tang thương.

Ở bài “Thu vịnh”, xưa nay chưa có ai giải thích thoả đáng những câu: “Một tiếng trên không ngỗng nước nào”, “Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”. Theo chúng tôi, có thể dựa vào điển tích nhân vật ông Đào Tiềm và điển tích văn học “Đào Nguyên ký” để giải thích: Ông Đào Tiềm về ở ẩn, vẻ ngoài muốn quên đi thế sự, nhưng trong lòng vẫn cảm hoài một xã hội tốt đẹp nhưng ảo tưởng trong quá khứ, vẫn uống rượu thưởng hoa và làm thơ, chả lẽ mình (Nguyễn Khuyến tự vấn) trước không gian mùa thu tuyệt đẹp lại bỏ qua những nhắc nhớ về cái đẹp, muốn quên đi, cất bút không làm thơ, nhưng nghĩ tới ông Đào mà thẹn! Theo mạch liên kết các hình tượng: Ông Đào, truyện “Đào Nguyên ký”, câu thơ “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái”, có thể suy ra nghĩa của câu “Một tiếng trên không ngỗng nước nào” – là âm thanh từ quá khứ vọng về trong tâm tưởng Nguyễn Khuyến, giữa không gian mùa thu ngập tràn, ông cứ ngỡ như là ở trên không trung vang vọng.​

Back to top button